Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Cụm tin văn hóa, du lịch nổi bật tại các tỉnh Đồng bằng Sông Hồng

18/10/2017 | 10:01

Xếp hạng thêm hai di tích lịch sử tại Hà Nội, Triển khai Chương trình mục tiêu Phát triển văn hóa giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, tôn tạo đền thờ danh nhân Hoàng Hoa Thám tại Hưng Yên, Khảo sát thực tế về các biểu tượng, sản phẩm, linh vật tại Đền thờ Vua Đinh, Vua Lê - Ninh Bình, Lễ hội đình Bái tại Thái Bình… là những thông tin văn hóa và du lịch tiêu biểu tại các tỉnh Đồng bằng Sông Hồng trong những ngày qua.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên và lãnh đạo tỉnh Ninh Bình dâng hương tại đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng.  Nguồn: baoninhbinh


Tại Hà Nội: UBND TP Hà Nội vừa ban hành hai Quyết định số 7150/QĐ-UBND và 7152/QĐ-UBND về xếp hạng di tích lịch sử đình - chùa Tằng My, xã Nam Hồng, Đông Anh và đền làng Quý (Đồng Lạc linh từ) xã Liên Hà, Đan Phượng, Thành phố Hà Nội.

Theo đó, UBND TP Hà Nội nghiêm cấm mọi hoạt động có liên quan tới việc xây dựng, khai thác trong khu vực các di tích đã được khoanh vùng. Sở Văn hóa và Thể thao, UBND huyện Đông Anh, UBND xã Nam Hồng; UBND huyện Đan Phượng, UBND xã Liên Hà có trách nhiệm quản lý di tích đúng quy định pháp luật và Thành phố.

Tại Bắc Ninh: UBND Tỉnh Bắc Ninh vừa ban hành Kế hoạch số 306/KH-UBND nhằm triển khai Chương trình mục tiêu Phát triển văn hóa giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh. Kế hoạch nhằm bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa đặc sắc của tỉnh, phát triển các công trình văn hóa hiện đại, có ý nghĩa biểu tượng của Bắc Ninh - Kinh Bắc, hướng tới mục tiêu chiến lược xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Theo đó, từ nay đến năm 2020, tỉnh sẽ tập trung đầu tư bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thế giới - Dân ca Quan họ Bắc Ninh, Ca trù; các di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của Bắc Ninh (Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ, Múa rối nước Đồng Ngư, ...); các di tích Quốc gia đặc biệt, di tích Quốc gia tiêu biểu... Đồng thời xây dựng, phát triển hệ thống thiết chế văn hóa trên địa bàn tỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ văn hóa của các tầng lớp nhân dân. 

Cũng tại Bắc Ninh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phong vừa ký ban hành Quyết định số 528/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị Múa Rối nước làng Đồng Ngư, xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh” với tổng kinh phí thực hiện gần 17 tỷ đồng.

Mục tiêu của Đề án nhằm tôn vinh các giá trị di sản văn hóa truyền thống của môn nghệ thuật Múa Rối nước làng Đồng Ngư; khích lệ, động viên sự sáng tạo các giá trị văn hóa trong cộng đồng, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa - xã hội bền vững. Thông qua Đề án góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của loại hình nghệ thuật dân gian Múa Rối nước Đồng Ngư trong giai đoạn phát triển mới, nhằm phát huy vai trò của chủ thể văn hóa trong việc bảo tồn và phát triển di sản văn hóa. Thời gian thực hiện Đề án từ năm 2018 đến năm 2020. 

Tại Hải Dương: Tỉnh Hải Dương vừa khánh thành công trình trùng tu Di tích lịch sử văn hóa quốc gia đền Quát. Đền Quát ở thôn Hạ Bì, xã Yết Kiêu, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương, nơi thờ danh tướng thủy quân thời Trần là Yết Kiêu (Phạm Hữu Thế). Khu đền Quát đã tồn tại hơn 700 năm, đến thế kỷ XVII-XVIII đền được tôn tạo khang trang và được tu sửa nhiều lần vào triều Nguyễn với khuôn viên rộng 2700m2. Được xây dựng từ thời Trần, đến thời Nguyễn, đền Quát được mở rộng với 7 gian tiền tế, 3 gian hậu cung. Trong kháng chiến chống Pháp, đền bị đốt cháy, chỉ còn lại 3 gian hậu cung. Từ năm 1973 trở lại đây, nhân dân địa phương, du khách thập phương đã góp công, của xây dựng lại 5 gian tiền tế, 3 gian trung từ, 3 gian hậu cung. Năm 1989, danh thắng đền Quát được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Tại Hưng Yên: Mới đây, Sở VHTTDL tỉnh Hưng Yên vừa khởi công tu bổ, tôn tạo đền thờ danh nhân Hoàng Hoa Thám tại xã Dị Chế (Tiên Lữ), tỉnh Hưng Yên.

Công trình đền thờ danh nhân Hoàng Hoa Thám được xây dựng trên khuôn viên rộng trên 3 nghìn m2, với tổng kinh phí dự kiến trên 9,9 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh. Công trình bao gồm các hạng mục: Đền thờ chính, nghi môn, tả vu - hữu vu và các hạng mục phụ trợ.  Dự kiến, công trình sẽ hoàn thành trong năm 2018. 

Tại Ninh Bình: Ngày 17/10, đoàn công tác của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch do Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên dẫn đầu, cùng đồng chí Tống Quang Thìn, TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình và lãnh đạo một số Sở, Ban, ngành liên quan đã đi tham quan, khảo sát thực tế về các biểu tượng, sản phẩm linh vật tại đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng và vua Lê Đại Hành.

Chuyến tham quan, thực tế này nằm trong chuỗi các hoạt động chuẩn bị cho buổi tập huấn, tuyên truyền của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc thực hiện Công văn số 2662/BVHTTDL-MTNATL ngày 8/8/2014 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam sẽ được tổ chức vào ngày 18/10.

Theo đó, tại đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng và Vua Lê Đại Hành, sau khi thực hiện nghi lễ dâng hương, đoàn công tác đã được nghe các chuyên gia đến từ Đại học Mỹ thuật Việt Nam giới thiệu về ý nghĩa của các linh vật trong các đền thờ tại Ninh Bình. Tiếp đó, Đoàn công tác tiếp tục đi khảo sát thực tế và trao đổi với các nghệ nhân tại làng đá mỹ nghệ Ninh Vân, trong đó có nhiều nghệ nhân chuyên điêu khắc linh vật tại các nơi thờ tự.

Tại Thái Bình: Trong các ngày từ 14-16/10, lễ hội truyền thống Đình Bái năm 2017 đã tưng bừng diễn ra tại xã Đông Hợp, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình.

Đình Bái thuộc địa phận thôn Long Bối, xã Đông Hợp, huyện Đông Hưng. Đây là nơi thờ 4 vị trung thần gồm: Đông Hải Đại vương Đoàn Thượng, Đông Hải Đại vương Nguyễn Phục, Tây Hải Đại vương và Nam hải Đại vương đã có nhiều công lao giúp dân, giúp nước. Với những giá trị văn hoá, lịch sử nổi bật, đình được cấp bằng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm  2005.

Năm nay, lễ hội được tổ chức theo nghi lễ cổ truyền của dân tộc với nhiều hoạt động văn hóa, dân gian đặc sắc như: múa rồng, lân, tế nam quan, nữ quan, hát chầu văn, đặc biệt là hội rước diễu hành thu hút sự tham gia của đông đảo bà con nhân dân trên địa bàn xã./.

Gia Linh (t/h)

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×