Cú hích cho du lịch Khánh Hòa
23/05/2023 | 09:042 dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc - Nam với tổng chiều dài hơn 150km (đoạn Nha Trang - Cam Lâm và Vĩnh Hảo - Phan Thiết) được đưa vào khai thác, vận hành đã giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ TP. Hồ Chí Minh đến Nha Trang. Đây sẽ là cú hích giúp du lịch Khánh Hòa có điều kiện thuận lợi để thu hút khách từ các tỉnh phía nam.
Ngay khi có thông tin 2 tuyến cao tốc Nha Trang - Cam Lâm (hơn 49km) và Vĩnh Hảo - Phan Thiết (101km) được thông tuyến từ ngày 19/5, anh Nguyễn Văn Hùng (TP. Hồ Chí Minh) đã liên hệ với Khách sạn Mường Thanh Nha Trang Luxury (TP. Nha Trang) để đặt phòng nghỉ dưỡng trong dịp Festival Biển Nha Trang - Khánh Hòa (từ ngày 3 đến 6/6). Trước đó, dù các con rất thích đi Nha Trang để chơi lễ hội biển song anh Hùng đành chọn Vũng Tàu cho kỳ nghỉ hè của cả gia đình, bởi giá vé máy bay quá cao, đi đường bộ theo Quốc lộ 1 thì mất nhiều thời gian. Trên các diễn đàn du lịch, rất nhiều người ở TP. Hồ Chí Minh cũng bày tỏ ý định đi du lịch, về thăm gia đình ở Khánh Hòa thông qua hệ thống đường cao tốc.
Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh - Giám đốc Sở Du lịch nhìn nhận, trong bối cảnh vé máy bay khá đắt đỏ vào mùa cao điểm du lịch hè, du khách ngày càng ưa thích đi du lịch bằng xe cá nhân. Việc đưa các dự án đường bộ cao tốc vào vận hành sẽ giúp du lịch Khánh Hòa có điều kiện thu hút khách từ các tỉnh phía nam, đặc biệt là khách từ TP. Hồ Chí Minh. Ông Võ Quang Hoàng - Tổng Quản lý Khách sạn Ariyana, Chủ tịch Chi hội Khách sạn Khánh Hòa (Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa) cho rằng, Nha Trang vẫn luôn là điểm du lịch biển mà khách du lịch ở TP. Hồ Chí Minh ưa thích. Tuy nhiên, vì khoảng cách xa nên nhiều khách đành chọn Vũng Tàu, Bình Thuận. Dịp lễ 30-4, 1-5 vừa qua, du lịch Bình Thuận đã được hưởng lợi rất nhiều từ việc đường bộ cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây được đưa vào sử dụng, khiến lượng khách du lịch tăng rất cao. Ông kỳ vọng du lịch Khánh Hòa cũng sẽ được hưởng lợi nhờ hiệu ứng cao tốc, nhất là khi mùa du lịch hè đã cận kề.
Sự kiện các tuyến cao tốc trên được đưa vào vận hành không chỉ là hiệu ứng tức thời mà còn tác động rất lớn đến sự phát triển du lịch ở Khánh Hòa về lâu dài. Hiện nay, từ TP. Hồ Chí Minh đến Nha Trang chỉ còn đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo (70km) là chưa hoàn thành. Nếu đoạn này hoàn thành, thời gian di chuyển từ TP. Hồ Chí Minh đi Nha Trang được rút ngắn hơn rất nhiều. Khi ấy, du khách có nhiều chọn lựa hơn về phương tiện đi du lịch, thuận lợi hơn trong việc đi du lịch bằng xe cá nhân. Theo thông tin của phóng viên, những ngày gần đây, lượng khách từ các tỉnh phía nam gọi điện đến khách sạn, khu nghỉ dưỡng ở Nha Trang để tìm hiểu giá phòng trong mùa hè này tăng cao hơn trước rất nhiều. Các khách sạn, khu nghỉ dưỡng cũng đã tuyển thêm nhân lực, đào tạo để chuẩn bị cho mùa du lịch hè. Nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng ở khu vực Bãi Dài (huyện Cam Lâm) ghi nhận lượng khách đặt phòng tăng cao, trong đó Khu nghỉ dưỡng Alma gần như đóng kênh bán lẻ.
Về lâu dài, sự thay đổi về thói quen du lịch sau đại dịch Covid-19 cùng sự thuận lợi về giao thông sẽ tác động lớn đến du lịch Khánh Hòa. "Khách sẽ ngày càng ít đi các tour du lịch trọn gói, thay vào đó sẽ đi bằng xe cá nhân, đặt phòng vào sát những ngày cuối tuần, các dịp lễ. Các tour du lịch di chuyển bằng đường bộ cũng sẽ có thêm ưu thế so với tour bằng đường hàng không… Chính vì vậy, các doanh nghiệp phải nắm bắt để có sự chuyển đổi, chuẩn bị nhân lực cho phù hợp. Du lịch Khánh Hòa cần đảm bảo chất lượng dịch vụ du lịch, có giải pháp để tạo môi trường du lịch văn minh, thân thiện… để thu hút du khách", ông Võ Quang Hoàng cho biết.