Công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại SEA Games 31 cần linh hoạt theo tình hình thực tế
28/01/2022 | 10:28Chiều 27/1, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn đã có buổi làm việc với Bộ Y tế về các nội dung liên quan đến công tác chuẩn bị và tổ chức SEA Games 31.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang có diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, công tác phòng chống dịch tại SEA Games 31 được xem là mục tiêu hàng đầu.
Phát biểu mở đầu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) khẳng định: "Việc lùi thời điểm tổ chức giải giúp chúng ta có thời gian thêm chuẩn bị, nhưng tình hình dịch hiện nay đã khác với năm ngoái. Chúng tôi lo ngại về chủng mới Omicron, có thể trong thời gian tới lên khá nhanh. Mục tiêu y tế của chúng ta lần này ngoài việc cấp cứu, phản ứng với những trường hợp khẩn…thì phòng chống dịch được đặt lên hàng đầu. Trong đó, chúng ta phải xác định là bảo vệ thật tốt cho VĐV, ưu tiên số 1 cho những đối tượng này".
Theo đề xuất từ phía Bộ Y tế người nhập cảnh, các quan chức, cán bộ, VĐV các đoàn thể thao quốc gia tham dự SEA Games 31 phải có kết quả xét nghiệm âm tính với bằng phương pháp PCR trong vòng 72 giờ trước khi nhập cảnh vào Việt Nam và có chứng nhận xét nghiệm do cơ quan có thẩm quyền của quốc gia thực hiện cấp. Đồng thời phải có giấy chứng nhận tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19 hoặc giấy xác nhận đã từng nhiễm bệnh
Những đối tượng trên cũng phải có giấy chứng nhận bảo hiểm y tế quốc tế còn hiểu lực hoặc cam kết chi trả chi phí điều trị của quốc gia cử (hoặc BTC) trong trường hợp người nhập cảnh bị mắc Covid-19.
Sau khi nhập cảnh và đáp ứng đủ điều kiện, các VĐV sẽ được đưa về nơi lưu trú, quá trình di chuyển theo kế hoạch, phương án đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch đã quy định. Mọi hoạt đông sẽ được thực hiện theo cơ chế "khép kín" gồm: Di chuyển từ nơi lưu trú - sân tập, điểm tập luyện, nơi thi đấu, sân vận động - nơi lưu trú.
Đối với các thành viên trong đoàn quốc tế, việc xét nghiệm sẽ được tiến hành tại nơi cư trú lần 1 vào ngày đầu khi nhập cảnh. Các lần tiếp theo được thực hiện khi có kết quả xét nghiêm âm tính trong vòng 72 giờ trước khi tham gia thi đấu.
Còn với các VĐV, HLV của Việt Nam, BTC sẽ tiến hành xét nghiệm 2 lần trước khi thi đấu (lần 1 trước 7 ngày trước khi thi đấu, lần 2 là trước 1-2 ngày thi đấu). Các lần tiếp theo được thực hiện khi có kết quả xét nghiêm âm tính trong vòng 72 giờ trước khi tham gia thi đấu.
"Nếu xuất hiện trường hợp F0 thì phải có đầu mối đường dây nóng. Chúng tôi đề nghị BTC bố trí khách sạn, địa điểm tập trung và điều trị, sẽ rất tốt nếu mỗi khách sạn có khu vực cách ly riêng cho các ca nhiễm. Nếu ca nhiễm chuyển nặng thì chuyển bệnh viện điều trị. Bộ Y tế sẽ có phương án cụ thể cho trường hợp này. Sau khi điều trị xong thì có thi đấu được hay không phụ thuộc BTC. Nếu bệnh nhân khỏi bệnh thì phối hợp để đưa về khách sạn" - đại diện Bộ Y tế tham dự buổi làm việc nhận định.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Trần Đức Phấn nhấn mạnh, công tác phòng chống dịch là vấn đề được các quốc gia quan tâm đặc biệt trong các buổi làm việc. Trong thời gian tới, tình hình dịch có thể thay đổi nên BTC và Bộ Y tế cần phải linh hoạt trong công tác phòng chống dịch.
"Việc phòng chống dịch sẽ tùy thuộc vào tình hình thực tế. Chúng ta phải chủ động trong việc này. Công tác phòng chống dịch tại SEA Games 31 có thể học hỏi như nước chủ nhà Nhật Bản tổ chức Olympic Tokyo 2020 vừa qua, các quy định có thể thay đổi theo từng thời điểm tùy theo diễn biến thực tế và sẽ được BTC thông báo hàng ngày. Tôi đề nghị Bộ Y tế sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể để BTC có thể thông tin kịp thời tới các quốc gia tham dự" - ông Trần Đức Phấn nói.