Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của Bộ VHTTDL năm 2022

06/12/2022 | 15:41

Thực hiện Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (Nghị định số 55/2019/NĐ-CP), Nghị định số 55/2011/NĐ-CP của Chính phủ ngày 04/7/2011 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế và Chương trình công tác năm 2022, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã triển khai hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ năm 2022.

Công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của Bộ VHTTDL năm 2022 - Ảnh 1.

Tháng 7/2022, Vụ Pháp chế - Bộ VHTTDL phối hợp với Sở Du lịch Thừa Thiên Huế tổ chức Hội nghị hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch. Ảnh: thuathienhue.gov.vn

Việc triển khai hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ tiếp cận thông tin pháp luật chính xác, kịp thời và phù hợp với nhu cầu của doanh  nghiệp, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục hậu quả của đại dịch Covid-19, phục hồi và phát triển; thực hiện giải đáp vướng mắc và hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định tại văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi  quản lý nhà nước của Bộ đáp ứng yêu cầu tại Nghị định số 55/2019/NĐ-CP. Trong năm 2022 trọng tâm hỗ trợ pháp lý trong lĩnh vực du lịch nhưng phải đảm bảo các doanh nghiệp trong lĩnh vực văn hóa, thể thao được hỗ trợ tối đa khi có nhu cầu. Đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước của Bộ; nâng cao năng lực của các cơ quan, tổ chức thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ. Phổ biến, bồi dưỡng kiến thức pháp luật về ngành, lĩnh vực cho doanh nghiệp; phổ biến, tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, công chức quản lý nhà nước cũng như các doanh nghiệp về quyền và nghĩa vụ trong hoạt động kinh doanh, các quy định của pháp luật đáp ứng yêu cầu tại Nghị định số 55/2019/NĐ-CP. Bên cạnh đó, tham vấn, đối thoại, tọa đàm với doanh nghiệp, gặp gỡ, tiếp xúc để trao đổi, tháo gỡ vướng mắc của doanh nghiệp, tiếp nhận các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp để hoàn thiện hệ thống pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ. Đặc biệt chú ý đối thoại với các doanh nghiệp về việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ, quy định của pháp luật về du lịch.

Theo đó, các hoạt động hỗ trợ đã thực hiện gồm: Ban hành Công văn gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh về việc tổ chức các hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường trong điều kiện bình thường mới (Công văn số 497/BVHTDL-VHCS ngày 18/02/2022); chỉ đạo, hướng dẫn về công tác chuẩn bị phục vụ mở cửa lại hoạt động du lịch (Công văn số 597/BVHTTDL-TCDL ngày 25/02/2022)… trong đó có nội dung hỗ trợ doanh nghiệp du lịch trên địa bàn đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, phát triển sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu của khách du lịch sau 2 năm dịch COVID-19; ban hành Công văn chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ, các Sở tăng cường tổ chức thực thi pháp luật trong lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch trong đó có nội dung chú trọng đối thoại với người dân, doanh nghiệp về vướng mắc, bất cập trong thực thi chính sách, pháp luật về văn hóa, thể thao và du lịch (Công văn số 863/BVHTTDL-PC ngày 17/3/2022). Bên cạnh đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Tổng cục Du lịch) đã tổ chức thu thập đề xuất của doanh nghiệp về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để phục hồi du lịch (Công văn số 997/TCDL-VP ngày 22/6/2022 của Tổng cục Du lịch)…

Thường xuyên chỉ đạo các cơ quan, đơn vị lấy ý kiến đối tượng điều chỉnh của văn bản (trong đó có các hiệp hội, doanh nghiệp) trong quá trình xây dựng văn bản QPPL. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các đối tượng trong quá trình xây dựng văn bản, Bộ đã kịp thời có biện pháp tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình thực thi các văn bản QPPL nhằm cải thiện thực chất môi trường đầu tư kinh doanh.

Công bố và đăng tải kịp thời các điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính mới được ban hành, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ lên Cổng thông tin điện tử của Bộ và website của các cơ quan, đơn vị trực thuộc; ban hành văn bản khuyến cáo, hướng dẫn doanh nghiệp tuân thủ pháp luật.

Tổ chức Hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và đối thoại nhằm hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại tỉnh Thừa Thiên-Huế (tháng 7/2022) và tỉnh Lào Cai (tháng 10/2022), trong đó tập trung tập huấn bồi dưỡng kiến thức pháp luật về hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực du lịch và đối thoại về triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ, quy định của pháp luật về du lịch.

Thực hiện biên soạn, đăng tải tin, bài lên mục Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên Cổng thông tin điện tử của Bộ; thực hiện truyền thông về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp của Bộ trên các báo ngành, báo về pháp luật, báo về doanh nghiệp.

Triển khai Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 07/3/2022 của Chính phủ; Nghị quyết số 32/NQ-CP ngày 15/3/2022 của Chính phủ; Công điện số 513/CĐ-VPCP ngày 19/01/2022 của Chính phủ về việc xây dựng lộ trình mở cửa lại an toàn, khoa học, hiệu quả đón khách du lịch quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Phương án số 829/PA-BVHTTDL ngày 15/3/2022 về mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới và tập trung chỉ đạo, tổ chức hoạt động nhằm mở cửa du lịch an toàn, hiệu quả trên tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ "thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19"; phê duyệt Đề án "Phát triển nguồn nhân lực du lịch thích ứng với tác động của đại dịch COVID-19 giai đoạn 2021-2030" (Quyết định số 3624/QĐ-BVHTTDL ngày 21/01/2022). Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan tổ chức nhiều sự kiện nhằm phát động, công bố mở cửa du lịch trong điều kiện bình thường mới và truyền thông thông điệp "Live fully in Vietnam" trong giai đoạn mở cửa thị trường.

Nhìn chung, công tác hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp được tiến hành thường xuyên, liên tục, nghiêm túc đảm bảo đáp ứng mục tiêu, yêu cầu quy định tại Nghị định số 55/2019/NĐ-CP; đảm bảo sự tham gia kịp thời, có trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ có liên quan trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; thực hiện tốt việc phối hợp hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp với hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật để giúp doanh nghiệp nắm bắt và thực hiện đúng quy định của các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành, các cam kết tại các điều ước quốc tế mới là thành viên; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, giữa cơ quan nhà nước với tổ chức đại diện của doanh nghiệp trong việc tổ chức hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Các câu hỏi, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp được tháo gỡ, giải đáp kịp thời; vấn đề bất cập của quy định pháp luật trong lĩnh vực quản lý của Bộ được tổng hợp, kịp thời được sửa đổi, bổ sung góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong khi đảm bảo nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước của Bộ.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc như: Quy định về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tuy đã được điều chỉnh song vẫn có một số hoạt động khó triển khai thực hiện, nhất là việc tư vấn pháp luật của mạng lưới tư vấn viên pháp luật ở địa phương, cũng như kinh phí đảm bảo cho hoạt động này (Thông tư 64/2021/TT-BTC không quy định kinh phí cho hoạt động này ở địa phương) trong khi thực tiễn các doanh nghiệp ở địa phương rất cần tư vấn pháp luật.

Hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp cần có kinh phí để đảm bảo, tuy nhiên kinh phí cho hoạt động này còn rất hạn hẹp, chỉ có nguồn chung từ ngân sách nhà nước (ngân sách sự nghiệp) chi cho công tác pháp chế, chưa huy động được các nguồn khác, chưa có sự từ các nguồn ngân sách khác.

Việc cải cách thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp còn nhiều bất cập vì một số thủ tục hành chính muốn cải cách cần phải có thời gian sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật, do đó cần sự vào cuộc đồng bộ của các Bộ, ngành trung ương đề xuất sửa đổi quy định của pháp luật nhằm cải cách thủ tục hành chính về hoạt động đầu tư, kinh doanh.

Sự phối hợp trong hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giữa các Bộ, ban, ngành còn chưa chặt chẽ và thường xuyên do chưa có cơ chế phối hợp, chủ yếu do từng cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ triển khai mà chưa có sự gắn kết giữa nhiều lĩnh vực với nhau. Đội ngũ cán bộ phụ trách công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại các cơ quan nhà nước chủ yếu thực hiện nhiệm vụ kiêm nhiệm nên còn lúng túng trong việc hỗ trợ pháp lý khi doanh nghiệp có yêu cầu.

Qua việc triển khai hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ năm 2022 đã tạo chuyển biến căn bản về nhận thức pháp luật, ý thức tìm hiểu, tuân thủ pháp luật trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; nâng cao hiểu biết, ý thức và thói quen tuân thủ pháp luật; hạn chế rủi ro, vướng mắc pháp lý trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả trong thực thi pháp luật. Đồng thời phổ biến, tuyên truyền về công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; cập nhật cơ sở dữ liệu về vụ việc, vướng mắc pháp luật trên  trang thông tin điện tử hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; khắc phục cơ bản tình trạng doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận với thông tin pháp luật. Từ đó góp phần thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 08/01/2022 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022; cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cái thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022./.

PV

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×