Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Công bố danh sách xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể

18/07/2020 | 14:35

Công bố danh sách xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ ba; Triển lãm 50 tác phẩm mỹ thuật với góc nhìn đa diện về cuộc sống; Phát động cuộc thi trực tuyến về Quy tắc ứng xử... là những thông tin văn hóa nổi bật tại Hà Nội.

Công bố danh sách xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể - Ảnh 1.

Công bố danh sách nghệ nhân được đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ ba - năm 2021. Ảnh minh họa (nguồn: Báo Hà Nội mới)

Công bố danh sách xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể 

Ngày 17/7, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội công bố danh sách nghệ nhân được đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ ba - năm 2021.

Theo danh sách, có 25 nghệ nhân được đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân và 85 nghệ nhân được đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú đợt này.

Các nghệ nhân được đề nghị xét tặng danh hiệu đợt này tập trung ở nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể, như: Ca trù, hát tuồng, diều sáo, hát xẩm, múa rối, nặn tò he và tín ngưỡng thờ mẫu. Trong đó, loại hình ca trù chiếm số đông nghệ nhân, gồm: 12 nghệ nhân được đề nghị danh hiệu Nghệ nhân nhân dân và 10 nghệ nhân được đề nghị danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.

Ở loại hình di sản nặn tò he - di sản chỉ có duy nhất ở Thủ đô Hà Nội, có 18 nghệ nhân được đề nghị xét tặng các danh hiệu.

Danh sách nghệ nhân được đề nghị xét tặng các danh hiệu sẽ được công khai trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng để lấy ý kiến nhân dân trước khi trình Hội đồng xét tặng danh hiệu cấp thành phố. Thời gian lấy ý kiến là 15 ngày, kể từ ngày 17/7/2020. Các ý kiến đóng góp gửi về Phòng Quản lý di sản, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội (số 47, Hàng Dầu, Hoàn Kiếm).

Phát động cuộc thi trực tuyến về Quy tắc ứng xử

Sáng 17/7, Đảng ủy Khối các cơ quan thành phố Hà Nội đã tổ chức hội nghị triển khai phát động cuộc thi trực tuyến "Tuyên truyền Quy tắc ứng xử của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong Đảng bộ Khối các cơ quan thành phố Hà Nội" năm 2020.

Đối tượng tham gia cuộc thi là cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong Đảng bộ Khối các cơ quan thành phố Hà Nội. Người dự thi tham gia thi trực tuyến trên website cuộc thi. Phần mềm cuộc thi sẽ mở trước thời gian cuộc thi chính thức diễn ra 20 ngày để người dự thi đăng ký tài khoản và thi thử. 

Nội dung thi gồm 2 phần: Thi trắc nghiệm và tự luận. Trong đó, phần thi trắc nghiệm có 20 câu hỏi. Phần tự luận gồm 2 câu hỏi, nội dung tập trung vào việc đề xuất ý tưởng, giải pháp mang tính đột phá trong thực hiện Quy tắc ứng xử, gắn với chức trách, nhiệm vụ được giao; đề xuất các tiêu chí để xây dựng hình ảnh người cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong Đảng bộ Khối các cơ quan thành phố "Trí tuệ - Kỷ cương - Trách nhiệm - Tận tình - Thân thiện".

Ngày 30/8, phần mềm tự động sẽ lọc các bài thi bảo đảm điều kiện để đưa vào chung khảo. Ban giám khảo cuộc thi sẽ tổ chức chấm chung khảo vào ngày 20/9/2020. Lễ trao giải cuộc thi dự kiến diễn ra vào ngày 10/10/2020.

Triển lãm 50 tác phẩm mỹ thuật với góc nhìn đa diện về cuộc sống

Triển lãm mỹ thuật lần thứ tư của nhóm họa sĩ Đa diện vừa khai mạc tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội) với 50 tác phẩm.

Triển lãm quy tụ những họa sĩ quen thuộc với công chúng ở những kỳ trước như: Nguyễn Minh (Minh Phố), Nguyễn Mạnh Hùng, Chu Viết Cường, Dương Tuấn, Nguyễn Huân, Nguyễn Công Hoài, Nguyễn Minh, Doãn Hoàng Lâm, Tào Linh, Khổng Đỗ Duy, Bùi Hoàng Dương, Phạm Tuấn Phong.

Bên cạnh đó, lần này có sự tham gia của các họa sĩ Trần Huy Oánh và 3 họa sĩ quốc tế: Igors Gaivoronskis (Latvia), Helidon Haliti (Albania) và Besnik Xhenaili (Kosovo).

Với 50 tác phẩm trưng bày, theo các họa sĩ, phần lớn được sáng tác trong thời gian thực hiện cách ly xã hội phòng, chống dịch Covid-19. Vì vậy, công chúng sẽ nhận ra những thay đổi, mới mẻ cả về kỹ thuật cũng như nhận thức thẩm mỹ của từng họa sĩ.

Trong đó, nổi bật là các bức tranh hiện thực của họa sĩ Dương Tuấn, Chu Viết Cường; tranh trừu tượng của họa sĩ Phạm Tuấn Phong, Nguyễn Huân về vẻ đẹp của cuộc sống. Các tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, Khổng Đỗ Duy thể hiện năng lực sáng tạo dồi dào theo xu hướng biểu hiện trừu tượng về phố xá, cây cối. Còn họa sĩ Tào Linh, Doãn Hoàng Lâm, Nguyễn Công Hoài khai thác góc nhìn riêng biệt qua hình ảnh con người...

Triển lãm "Đa diện 4" diễn ra đến hết ngày 21/7.

Công bố danh sách xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể - Ảnh 2.

Thành lập Trung tâm UNESCO nghiên cứu và ứng dụng Phật học Việt Nam

Tại Hà Nội, Trung tâm UNESCO nghiên cứu và ứng dụng Phật học Việt Nam vừa tổ chức lễ công bố quyết định thành lập cơ quan đại diện của trung tâm tại miền Trung-Tây Nguyên.

Trung tâm UNESCO nghiên cứu và ứng dụng Phật học Việt Nam là đơn vị thành viên của Liên hiệp Các hội UNESCO Việt Nam, được thành lập năm 1999. Trung tâm hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu và ứng dụng Phật học, tập hợp trí tuệ của cộng đồng, nghiên cứu giáo lý của đức Phật, các nguyên lý Phật học một cách khoa học, có hệ thống, chắt lọc để ứng dụng vào đời sống văn hóa và tinh thần của nhân dân, ứng dụng các biện pháp nhằm góp phần giáo dục nhân cách, làm từ thiện, khuyến học, hỗ trợ sức khỏe cộng đồng.

Trong quá trình hoạt động, Trung tâm luôn hoàn thành tốt chức năng nhiệm vụ của mình, tham gia tích cực trong các hoạt động của Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam, góp phần đóng góp đầy hiểu quả cho sự phát triển chung của Liên hiệp cũng như cho sự nghiệp phát triển phong trào UNESCO phi chính phủ tại Việt Nam. 

Để phát huy những kết quả tốt đẹp đó cũng như nhu cầu của đông đảo hội viên tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam chấp thuận cho phép Trung tâm thành lập cơ quan đại diện tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Cơ quan đại diện miền Trung-Tây Nguyên của trung tâm ra đời sẽ đáp ứng nhu cầu thực tế và góp phần phát huy hơn nữa các giá trị nhân văn, tạo ra lợi ích cho cộng đồng...

Lan Anh (t/h)

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×