Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Cô Tô - Quảng Ninh: Sớm đưa các sản phẩm du lịch mới vào hoạt động

11/03/2025 | 14:59

Năm 2025, huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu đón trên 300.000 lượt khách, đặc biệt phấn đấu tăng thời gian lưu trú, mức chi tiêu của du khách. Để thực hiện được mục tiêu này, các cấp chính quyền đã nỗ lực, cùng chung tay với doanh nghiệp xây dựng nhiều sản phẩm mới, chủ động tháo gỡ khó khăn, sẵn sàng đón đầu mùa du lịch hè năm nay.


Cô Tô - Quảng Ninh: Sớm đưa các sản phẩm du lịch mới vào hoạt động - Ảnh 1.

Hạ tầng du lịch tại đảo Cô Tô được đầu tư đồng bộ, giúp du khách di chuyển thuận tiện

Theo dự báo của các chuyên gia du lịch, xu hướng của khách Việt trong năm 2025 hướng tới các chuyến du lịch nghỉ dưỡng, trải nghiệm và khám phá những điểm đến mới lạ. Vì vậy, Cô Tô vẫn là một trong những điểm đến yêu thích của du khách trong dịp hè, nhất là đối tượng khách trẻ. Để thu hút và đón đầu thị trường khách, địa phương đã lên kế hoạch khai thác sản phẩm du lịch mới, bao gồm các loại hình tour tham quan đảo, khám phá thiên nhiên hoang sơ, tham gia các hoạt động thể thao giải trí trên biển, tham quan hệ sinh thái rừng... Các dịch vụ vận chuyển, ăn uống đặc trưng, các chương trình trải nghiệm văn hóa địa phương, các hoạt động bảo tồn biển, giáo dục bản tồn, các tour du lịch xanh, tour du lịch net zero...

Các sản phẩm này được xây dựng theo quan điểm thông suốt của huyện Cô Tô trong thời gian qua: Không đánh đổi môi trường lấy lợi ích trước mắt nhằm đảm bảo phát triển du lịch theo hướng bền vững, không tăng về số lượng du khách mà chú trọng đến chất lượng. Điều đó, đòi hỏi các doanh nghiệp du lịch phải đầu tư, nâng cấp chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm du lịch tại cơ sở để thu hút khách.

Năm 2025, dự kiến huyện Cô Tô sẽ triển khai 5 sản phẩm du lịch mới. Trong đó, Trung tâm tổ chức sự kiện Sứa Palace sẽ cung cấp dịch vụ gala diner, tiệc hội nghị, hội thảo cho các công ty, lữ hành, khách du lịch đến Cô Tô với sức chứa từ 60 đến 500 khách. Ngoài ra, còn có hoạt động tham quan, du lịch trên các đảo: Cô Tô Con, Hòn Cá Chép, Hòn Sư Tử trên địa bàn xã Đồng Tiến; cắm trại đêm tại Thanh Lân. Các doanh nghiệp cũng đang đầu tư Khu tổ hợp vui chơi thể thao giải trí trên biển kết hợp ngắm hoàng hôn tại bãi biển Tình Yêu bao gồm các hoạt động thể thao nước: Lướt ván diều, lướt sóng, cano, mô tô nước, dù bay, chèo thuyền kayak, chèo SUP cùng các trò chơi giải trí, hoạt động nhóm, dịch vụ thể thao ngoài trời, thể thao dưới biển, dịch vụ ẩm thực… Tour du lịch hành trình vì biển đảo quê hương tại thôn Đảo Trần hứa hẹn thu hút đông học sinh, sinh viên khi tổ chức tham quan Cột cờ chủ quyền, chùa Trúc Lâm Đảo Trần, tìm hiểu đời sống nhân dân, chiến sĩ trên đảo.

Trước mắt, để đưa các sản phẩm này vào hoạt động, các đơn vị, doanh nghiệp mong muốn được hướng dẫn kịp thời về thủ tục pháp lý về công bố vùng nước hoạt động vui chơi giải trí dưới nước tại các bãi biển để tổ chức, quản lý, khai thác, vận hành tổ chức hoạt động tham quan, du lịch các đảo (tour các đảo). Các đơn vị đề xuất huyện tăng cường chuyển đổi số, phát triển cơ sở dữ liệu về du lịch trên các nền tảng số dùng chung nhằm tăng hiệu quả tuyên truyền, quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch Cô Tô. Đồng thời, đảm bảo cung ứng điện, nước sinh hoạt cho nhân dân và du khách, đặc biệt trong những ngày cao điểm.

Hiện nay, toàn huyện Cô Tô có trên 300 cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, trong đó có gần 200 cơ sở lưu trú với trên 2.500 phòng nghỉ, 40 cơ sở ăn uống và 40 điểm giải trí. Để sớm đưa các sản phẩm du lịch mới vào hoạt động cũng như gỡ khó cho các doanh nghiệp, huyện Cô Tô đã tổ chức các chương trình hội nghị, lắng nghe ý kiến của người dân, doanh nghiệp, đồng hành cùng doanh nghiệp thực hiện các thủ tục pháp lý.

Theo ông Đỗ Huy Thông, Phó Chủ tịch UBND huyện, ngay từ cuối năm 2024, huyện đã xây dựng kế hoạch triển khai các sản phẩm du lịch mới. Đồng thời, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch, tháo gỡ khó khăn trong việc đăng ký, đăng kiểm, phòng cháy chữa cháy; xây dựng phương án đảm bảo điện, nước các tháng cao điểm để đảm bảo công tác phục vụ du khách tham quan quanh huyện đảo. Bên cạnh đó, rà soát bổ sung quy hoạch các khu, điểm du lịch để kêu gọi, thu hút đầu tư; chú trọng hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ hoàn thiện hồ sơ, pháp lý các điều kiện kinh doanh trên các lĩnh vực.

Cô Tô - Quảng Ninh: Sớm đưa các sản phẩm du lịch mới vào hoạt động - Ảnh 2.

Đảo Cá Chép là điểm đến yêu thích của du khách

Huyện cũng kêu gọi các cơ sở dịch vụ phải đoàn kết, thống nhất, cạnh tranh lành mạnh, tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ theo hướng chuyên nghiệp, bài bản, đáp ứng nhu cầu của du khách; kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về kinh doanh du lịch. Đặc biệt phải chú trọng đến việc giữ gìn, bảo vệ môi trường bằng những hoạt động thiết thực, đồng thời tăng cường công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực môi trường. Qua đó, đảm bảo thực hiện mục tiêu khôi phục lại hoạt động du lịch sau ảnh hưởng bão và xây dựng Cô Tô là điểm đến an toàn, môi trường thân thiện, xanh sạch đẹp, sản phẩm du lịch đặc sắc.

Theo Báo Quảng Ninh 

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×