Cơ hội vàng cho ngành du lịch
10/03/2022 | 15:49Việc mở lại toàn bộ đường bay của Việt Nam từ ngày 15/2 và mở cửa hoàn toàn du lịch từ ngày 15/3 là tín hiệu vui sau 4 tháng thí điểm đón khách quốc tế. Đây là cơ hội vàng để ngành du lịch thức giấc, góp phần phục hồi nền kinh tế.
Tháng 11/2021, thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam) là địa phương đầu tiên đón khách quốc tế trở lại theo chương trình "Hộ chiếu vaccine", khởi đầu lộ trình mở cửa bài bản theo từng giai đoạn của Việt Nam. Kể từ đó đến ngày 8/2/2022, tức trong vòng 3 tháng, Việt Nam đã đón hơn 8.900 khách quốc tế, chủ yếu tới từ Liên bang Nga, Uzbekistan, Kazakhstan, Hàn Quốc, Singapore, Anh, Mỹ, Canada…
Trong tháng 2, khách quốc tế đến nước ta đạt 29.500 lượt người, tăng 49,6% so với tháng trước đó và tăng 169,6% so với tháng 2/2021. Tính chung 2 tháng đầu năm, khách quốc tế ước đạt 49.200 lượt người, tăng 71,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Những con số nói trên tuy rất nhỏ so với thời điểm chưa xảy ra COVID-19 nhưng là tín hiệu vui cho ngành du lịch và các đơn vị lữ hành sau 2 năm gần như đóng băng vì dịch bệnh.
Hiện nay, khi chỉ còn vài ngày nữa là đến ngày mở cửa du lịch, nhiều địa phương đã khởi động việc xúc tiến quảng bá điểm đến; đưa ra các chính sách kích cầu thu hút du khách… trong điều kiện "bình thường mới", như Đà Nẵng những ngày qua liên tiếp đón các đoàn khách MICE, các đoàn khách từ 700 khách được chào đón tại sân bay và bố trí xe dẫn đường từ sân bay về đến khách sạn lưu trú. Đáng chú ý là lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia - Quảng Nam 2022 sẽ diễn ra vào ngày 25/3 tại Đảo Ký ức Hội An (TP Hội An) khởi đầu cho sự trở lại của ngành du lịch Quảng Nam nói riêng và Việt Nam nói chung sau thời gian dài đóng băng vì COVID-19.
Mở cửa du lịch, nhưng nếu chỉ dựa vào thị trường nội địa là chưa đủ, mở cửa du lịch quốc tế mới là chuyện sống còn đối với các ngành du lịch và hàng không Việt Nam - hai ngành vốn đã bị thiệt hại chưa từng có trong 2 năm qua. Như ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng, lý giải rằng phải có khách quốc tế vì khách quốc tế lưu trú dài hơn, chi tiêu nhiều hơn…
Trước đại dịch, tức năm 2019, du lịch Việt Nam có tổng thu đạt 755.000 tỉ đồng (tương đương 32,8 tỉ USD); trong đó tổng thu từ khách du lịch quốc tế đạt 421.000 tỉ đồng (18,3 tỉ USD), tổng thu từ khách du lịch nội địa đạt 334.000 tỉ đồng (14,5 tỉ USD). Ngành du lịch đóng góp 9,2% GDP, tạo việc làm trực tiếp cho 2,5 triệu người và gián tiếp cho khoảng 2 triệu người trong các lĩnh vực gắn kết với du lịch. Du lịch quốc tế chiếm 80% số lượng hành khách hàng không quốc tế ra vào Việt Nam, nên du lịch quốc tế đóng vai trò quyết định đối với hàng không quốc tế.
Giờ đây, ngành du lịch đặt mục tiêu đón 65 triệu lượt khách trong năm 2022, trong đó có khoảng 5 triệu lượt khách quốc tế, với tổng thu khoảng 400.000 tỉ đồng. 5 triệu khách quốc tế so với hơn 18 triệu của năm 2019 thì rất nhỏ, nhưng nếu đặt trong bối cảnh thị trường hiện nay thì đó là con số lớn.
Có lẽ nhiều câu hỏi đặt ra rằng, liệu mở cửa rồi thì có đóng lại không khi số ca nhiễm mới trên thế giới vẫn tiếp tục gia tăng; cơ chế chính sách, nguồn nhân lực hậu Covid-19 như thế nào; ứng xử của các địa phương đối với du khách ra sao, đồng bộ theo chủ trương của chính phủ hay mỗi địa phương mỗi phách…
Nhìn ra ngay ở khu vực Đông Nam Á, Campuchia là một trong những quốc gia mở cửa du lịch sớm nhất sau đại dịch. Từ tháng 11/2021, chính phủ Campuchia đã cho phép các du khách quốc tế tiêm đầy đủ vaccine ngừa COVID-19 được nhập cảnh. Philippines mở cửa trở lại với du khách nước ngoài từ ngày 10/2 với việc nối lại chính sách miễn thị thực du lịch cho công dân từ 157 quốc gia như trước khi có đại dịch COVID-19.
Song, theo Straits Times, ngay trong đại dịch, hồi tháng 7/2021, Thái Lan đã chào đón du khách nước ngoài quay trở lại đảo du lịch Phuket bằng "Hộp cát du lịch". Chương trình du lịch khép kín này đã thành công với việc đón 70.000 lượt du khách, đạt doanh thu 86 triệu USD. Đầu năm nay, 3 tỉnh phía nam của Thái Lan là Surat Thani, Krabi và Phangnga đón du khách quốc tế theo hình thức tương tự. Từ tháng 11/2021, du khách nước ngoài đã tiêm đủ liều vaccine từ 46 quốc gia/vùng lãnh thổ đến Thái Lan không phải cách ly bắt buộc.
Như vậy, việc mở cửa đón khách du lịch là xu hướng của thế giới, nhất là khi nhiều nước, trong đó có các nước ASEAN, đang dần xem COVID-19 là bệnh đặc hữu. Indonesia thông báo đang chuẩn bị lộ trình từng bước chuyển đổi từ giai đoạn đại dịch sang giai đoạn bệnh đặc hữu. Malaysia sẽ bắt đầu chuyển sang coi COVID-19 là bệnh đặc hữu và mở cửa trở lại biên giới cho du khách quốc tế từ ngày 1/4. Thái Lan dự kiến coi COVID-19 là bệnh đặc hữu từ ngày 1/7.
Các nước đều tận dụng cơ hội "bình thường mới" để mở cửa trở lại, giành lợi thế đi trước. Vậy thì Việt Nam không thể đứng ngoài xu thế này. Thời cơ vàng cho ngành du lịch hay không sẽ tùy thuộc vào cam kết của Chính phủ, chính quyền các địa phương, cũng như sự kết nối, tập trung vào từng thị trường cụ thể.
Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng từng nhấn mạnh 5 quan điểm phục hồi và phát triển du lịch: (1) phục hồi và phát triển du lịch trong bối cảnh mới phải bảo đảm môi trường an toàn, xã hội khỏe mạnh và phát triển bền vững; (2) phục hồi và phát triển du lịch phải đổi mới so với thời kỳ trước đại dịch, khai thác hiệu quả hơn nữa các nguồn lực, sáng tạo sản phẩm mới thích ứng với xu thế mới, năng động trong tổ chức, quản lý và vận hành để làm chủ tình hình; (3) chất lượng nguồn nhân lực là nhân tố then chốt để tạo ra sự đổi mới và đột phá cho giai đoạn phục hồi và phát triển trong bối cảnh mới; (4) năng lực, chất lượng của hệ thống doanh nghiệp du lịch là trụ cột quan trọng để phục hồi, tiến tới phát triển; (5) công nghệ là xu thế tất yếu trong bối cảnh mới.
Bộ VHTTDL vẫn đang hoàn thiện phương án mở cửa du lịch; báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong thời gian sớm nhất, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho du khách cũng như các doanh nghiệp đón khách.
Với tất cả nền tảng và sự chuẩn bị kỹ lưỡng để sẵn sàng để mở cửa, hy vọng du lịch Việt Nam sẽ phục hồi và cất cánh.