Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Cơ hội chiêm ngưỡng những hiện vật vô giá: Quốc hiệu và Kinh đô Đại Việt qua các thời kỳ lịch sử

20/06/2019 | 07:46

Những hiện vật vô giá chứng minh Quốc hiệu Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử sẽ được trưng bày, giới thiệu với công chúng từ hôm nay, 20/6 tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, số 1 Tràng Tiền, Hà Nội.

Trưng bày "Quốc hiệu và Kinh đô Đại Việt qua các thời kỳ lịch sử" do Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (Bộ VHTTDL) phối hợp với Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, Bảo tàng TP Hà Nội và các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hoá, Trung tâm Bảo tồn di sản Thành Nhà Hồ chính thức khai mạc ngày 20/6, tại Hà Nội.

Những hiện vật lịch sử vô giá

"Quốc hiệu và Kinh đô Đại Việt qua các thời kỳ lịch sử" được giới thiệu theo ba chủ đề chính: Quốc hiệu Văn Lang, Âu Lạc và thời kỳ dựng nước đầu tiên; Thời kỳ quân chủ phong kiến độc lập và Sau Cách mạng tháng Tám 1945 đến nay.

Cơ hội chiêm ngưỡng những hiện vật vô giá: Quốc hiệu và Kinh đô Đại Việt qua các thời kỳ lịch sử - Ảnh 1.

Đầu phượng thế kỷ 11-13

Đây là lần đầu tiên, công chúng được tiếp cận một cách hệ thống, đầy đủ và toàn diện với những biểu tượng, tư liệu mang giá trị lịch sử, khẳng định chủ quyền lãnh thổ và niềm tự hào về lịch sử dân tộc.

Các hiện vật với chủ đề Quốc hiệu Văn Lang, Âu Lạc và thời kỳ dựng nước đầu tiên, hiện vật trưng bày là khuôn đúc mũi tên, hiện vật đá 2.500-2.000 năm cách ngày nay, được khai quật tại thành Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội.

Những hiện vật đặc biệt phong phú ở chủ đề Thời kỳ quân chủ phong kiến độc lập. Thời kỳ này gồm Quốc hiệu Đại Cồ Việt và Kinh đô Hoa Lư dưới các triều Đinh, Tiền Lê, đầu triều Lý, các hiện vật tiêu biểu được trưng bày là đầu rồng, chất liệu đất nung, thế kỷ 10 - 11, vật liệu trang trí kiến trúc được tìm thấy tại Cố đô Hoa Lư, Ninh Bình; cột khắc kinh Phật đỉnh Tôn thắng Đà la ni, dựng năm 973, tìm thấy tại cố đô Hoa Lư, Ninh Bình.

Ở nội dung trưng bày Quốc hiệu Đại Việt và Kinh đô Thăng Long dưới các triều Lý, Trần, công chúng có cơ hội được chiêm ngưỡng những biểu tượng, hiện vật đặc biệt như lá đề hình rồng, gốm men trắng, thế kỷ 11-13, vật liệu trang trí kiến trúc, hiện vật đã được tìm thấy tại Khu vực Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội. Bên cạnh đó là hiện vật đầu phượng, đất nung, thế kỷ 11 – 13, vật liệu trang trí kiến trúc, tìm thấy tại khu vực Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội.

Quốc hiệu Đại Ngu (chữ "Ngu" nghĩa là sự yên vui) với Kinh đô An Tôn dưới Triều Hồ, các hiện vật tiêu biểu được trưng bày gồm: trang trí bờ nóc, hình rồng trong khuôn lá đề, chất liệu đất nung, thế kỷ 14 - 15, vật liệu trang trí kiến trúc khai quật tại di tích Đàn Nam Giao, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa; Gạch xây thành khắc minh văn, đất nung, thế kỷ 14 - 15, khai quật Thành Nhà Hồ, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa. Qua khai quật đã phát hiện được các loại gạch có ghi tên hơn 300 địa danh hành chính trong cả nước có đóng góp trong việc xây dựng Thành nhà Hồ.

Cơ hội chiêm ngưỡng những hiện vật vô giá: Quốc hiệu và Kinh đô Đại Việt qua các thời kỳ lịch sử - Ảnh 2.

Xi vẫn (1 trong 9 loài con của rồng)- hiện vật từ thế kỷ 15

Hiện vật tiêu biểu cho phần trưng bày nội dung Quốc hiệu Đại Việt và Kinh đô Đông Đô dưới các triều Hậu Lê (Lê Sơ), Mạc, Lê Trung Hưng là bát, đĩa trang trí hình rồng, gốm men trắng, hoa lam, thế kỷ 15, được tìm thấy tại khu vực Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội; hiện vật Xi vẫn (một trong chín loài con của rồng), đất nung, thế kỷ 15, vật liệu trang trí gắn trên nóc mái công trình kiến trúc, khai quật tại di tích Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội.

Nội dung Quốc hiệu Đại Việt và Kinh đô Phú Xuân dưới triều Tây Sơn được trưng bày với Bảo vật quốc gia Trống đồng Cảnh Thịnh, Thời Tây Sơn, niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 8, 1800. Quốc hiệu Việt Nam, Đại Nam và Kinh đô Huế dưới triều Nguyễn có trưng bày Bảo vật quốc gia Ấn "Đại Nam Thụ thiên vĩnh mệnh truyền quốc tỷ", ngọc, niên hiệu Thiệu Trị năm thứ 7 (1847). Đây là ngọc tỷ quý và lớn nhất trong sưu tập Bảo vật triều Nguyễn, không chỉ dùng trong Đại lễ Tế Giao hằng năm ở Đàn Nam Giao (Kinh đô Huế) mà còn dùng đóng trên những bản sắc mệnh ban cho các chư hầu, những việc ban bố cho thiên hạ, và được coi là bảo tỷ truyền quốc. Bên cạnh đó, cũng ở nội dung này, hiện vật tiêu biểu là tượng rồng, chất liệu vàng, gỗ, niên hiệu Thiệu Trị năm thứ 2 (1842) thuộc sưu tập hiện vật cung đình triều Nguyễn.

Thời kỳ Sau Cách mạng tháng Tám 1945 đến nay, công chúng cũng có cơ hội được xem nhiều hình ảnh, hiện vật lịch sử đặc biệt giá trị như: hình ảnh "Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945, tuyên bố trước toàn thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; hình ảnh "Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa VI, ngày 2/7/1976 quyết định đổi tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và đặt thủ đô tại Hà Nội.

Cơ hội chiêm ngưỡng những hiện vật vô giá: Quốc hiệu và Kinh đô Đại Việt qua các thời kỳ lịch sử - Ảnh 3.

Tượng rồng triều Nguyễn (năm Thiệu Trị thứ 2- 1842)

Khẳng định niềm tự hào dân tộc

Theo ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, quốc hiệu là tên chính thức được dùng trong quan hệ ngoại giao, pháp lý, thương mại… biểu thị tính chính thống của một vương triều hay Chính phủ của mỗi quốc gia. Quốc hiệu cũng thể hiện quốc thể, chủ quyền lãnh thổ, thể chế chính trị của một dân tộc trên trường quốc tế. Cùng với Quốc hiệu, Kinh đô (Thủ đô) luôn được các nhà nước đặc biệt coi trọng. Việc Bảo tàng Lịch sử quốc gia giới thiệu một trưng bày đầy đủ và hệ thống về "Quốc hiệu và Kinh đô Đại Việt qua các thời kỳ lịch sử" ngoài ý nghĩa khẳng định chủ quyền, lịch sử đất nước qua các thời kỳ còn là dịp đem đến cho công chúng một cái nhìn toàn diện, có hệ thống về lịch sử đất nước dân tộc, góp phần khơi dậy lòng tự hào, tình yêu đối với đất nước.

Cơ hội chiêm ngưỡng những hiện vật vô giá: Quốc hiệu và Kinh đô Đại Việt qua các thời kỳ lịch sử - Ảnh 4.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa năm 1945

Trải qua hàng ngàn năm, đất nước Việt Nam đã mang nhiều Quốc hiệu tương ứng với từng giai đoạn lịch sử. Việc đặt Quốc hiệu của các triều đại phong kiến thể hiện lòng tự tôn dân tộc với các danh xưng như Đại Cồ Việt, Đại Việt, Đại Nam, Việt Nam... Việc lựa chọn vùng đất để đặt kinh đô cũng đặc biệt được coi trọng với vai trò là trung tâm chính trị, quân sự, kinh tế và văn hóa của cả một đất nước trong từng giai đoạn lịch sử nhất định.

Công chúng có thể thưởng lãm trưng bày "Quốc hiệu và Kinh đô Đại Việt qua các thời kỳ lịch sử" đến tháng 10/2019./.

Hà An

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×