Chuyện những người lưu giữ chứng cứ lịch sử của đất nước
30/08/2022 | 16:03Những ngày chớm thu, chúng tôi có dịp được đến thăm Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Bộ Nội vụ - nơi đây đang lưu giữ hàng triệu tài liệu lịch sử của đất nước kể từ năm 1945 đến nay. Trong đó phải kể đến là hai Bảo vật quốc gia mà Trung tâm đang lưu trữ là: Tập sắc lệnh của Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 1945-1946 và Bộ sưu tập bản phác thảo mẫu Quốc huy Việt Nam (niên đại 1953 - 1955).
Như những cán bộ của Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước chia sẻ, phải thật may mắn, có duyên lắm thì chúng tôi mới được bố trí để vào tận kho lưu trữ những tài liệu quý của quốc gia, dân tộc ở Trung tâm Lưu trữ quốc gia III. Bởi nơi đây, do tính chất quan trọng của các tài liệu cũng như đặc thù của công tác lưu trữ nên không phải ai muốn cũng có thể vào được.
Đón chúng tôi ngay từ cổng của Trung tâm Lưu trữ quốc gia III nằm trên đường Phan Kế Bính, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội, với một thái độ ân cần, niềm nở, chị Luyện Thị Thu Thủy - cán bộ Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước đã chia sẻ những nguyên tắc mà chúng tôi bắt buộc phải tuân theo khi tác nghiệp tại kho lưu trữ.
Sau khi đăng ký các thủ tục cần thiết, chúng tôi được chị Thủy dẫn vào kho lưu trữ Tập sắc lệnh của Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 1945-1946 và Bộ sưu tập bản phác thảo mẫu Quốc huy Việt Nam (niên đại 1953 - 1955) - đây là hai Bảo vật quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận và cũng là tài liệu mà chúng tôi muốn tiếp cận trong chuyến thăm này.
Trước khi bước vào kho lưu trữ, do nhiệt độ thấp hơn nhiều so với bên ngoài nên tất cả mọi người đều phải mặc một chiếc áo như áo bouse trắng mà các bác sĩ vẫn thường mặc. Trong suốt quá trình tác nghiệp, máy quay, máy ảnh của chúng tôi đều không được dùng đèn để tránh ảnh hưởng đến quy trình bảo quản tài liệu nơi đây.
Các cán bộ kho lưu trữ mỗi khi lấy các tài liệu ra để chúng tôi tác nghiệp đều phải đeo găng tay trắng. Bên cạnh với hai Bảo vật quốc gia, chúng tôi còn được tiếp cận thêm bộ tài liệu về Cách mạng tháng 8 gồm 12 bức ảnh về Lễ mít tinh của quần chúng nhân dân trước Nhà hát lớn Hà Nội; Đoàn giải phóng quân Việt Bắc duyệt binh ở Quảng trường Nhà hát lớn; Đoàn xe của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ tiến vào Lễ đài vườn hoa Ba Đình…
Chia sẻ về quá trình bảo quản, lưu trữ các tài liệu quý giá này, ông Võ Thiết Cương - Trưởng phòng bảo quản, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III cho biết: "Nhiệm vụ chính của chúng tôi là đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các tài liệu lưu trữ quốc gia bằng nhiều hình thức. Dù thời tiết ở ngoài mưa hay nắng, ẩm nồm nhưng tại các kho lưu trữ, nhiệt độ quanh năm luôn từ 18 - 22 độ, độ ẩm 50%".
Để những tài liệu này có tuổi thọ dài nhất, các cán bộ phòng bảo quản thường xuyên khử trùng tài liệu, vệ sinh kho. Được Đảng, Nhà nước dành sự quan tâm nên hệ thống bảo quản, lưu giữ tài liệu ở đây được đầu ta rất hiện đại, đa số các thiết bị được nhập khẩu từ nước ngoài.
Cũng theo ông Võ Thiết Cương, tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia, khi người dân có nhu cầu tiếp cận các tài liệu sẽ phải đăng ký, sau đó các cán bộ sẽ vào kho (có mật mã riêng - PV) để lấy những tài liệu cần thiết. Ngoài những người có nhiệm vụ thì không ai được vào kho lưu trữ, bảo quản tài liệu tại đây.
Tay chầm chậm, cẩn thận lần dở những tờ sắc lệnh đã nhuốm màu thời gian để giới thiệu đến chúng tôi, bà Trần Việt Hoa - Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia III cho biết, tập sắc lệnh này có những văn bản rất quan trọng, đầu tiên của của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, có những văn bản được ký trước buổi lễ tuyên ngôn độc lập ngày 2/9.
Đây là những văn bản được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhiều thành viên Chính phủ đã ký, quy định về thể chế, chế độ của Nhà nước cũng như toàn bộ vấn đề xây dựng đất nước trong giai đoạn đầu tiên.
Bộ tài liệu này đã được bảo quản gần 80 năm, chất lượng tài liệu tương đối tốt nên chúng tôi có thể nhìn thấy được nét chữ, nét ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như các con dấu với màu mực còn tươi.
"Qua tập sắc lệnh này cũng như những tài liệu liên quan đến Cách mạng tháng 8 mà Trung tâm đang lưu trữ, có thể thấy rằng một sự chuyển tiếp trong chính sách trọng dụng nhân tài cũng như phát triển đất nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai đoạn đầu tiên của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa" - bà Hoa chia sẻ.
Ngoài Tập sắc lệnh của Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 1945-1946, hiện nay, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III cũng đang được giữ gìn những tài liệu quý báu của đất nước, đặc biệt là bộ tài liệu mang biểu tượng thiêng liêng của đất nước như quốc huy, quốc ca, quốc kỳ.
Trong đó, Bộ phác thảo mẫu quốc huy Việt Nam của họa sỹ Bùi Trang Chước mà chúng tôi được tiếp cận tại kho lưu trữ của Trung tâm Lưu trữ quốc gia III vừa được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia kể từ năm 2021. Tài liệu này có rất nhiều những mẫu phác thảo đen trắng, mẫu màu, mẫu tổng thể lẫn chi tiết, trong đó là cả quá trình lịch sử về câu chuyện ra đời của quốc huy.
Bộ sưu tập các bản phác thảo mẫu quốc huy Việt Nam được sáng tác trong thời gian 1953-1955. Họa sĩ Bùi Trang Chước đã vẽ 112 bản nghiên cứu, phác thảo và bản vẽ chì chi tiết. Trong đó, 15 bản được Ban Mỹ thuật - Ngành Văn nghệ Trung ương chọn gửi Bộ Tuyên truyền, trình Thủ tướng tháng 10/1954. Một trong số các mẫu này đã được chọn để chỉnh sửa, trở thành Quốc huy chính thức của nước Việt Nam.
Theo bà Trần Việt Hoa, bên cạnh các văn bản của Quốc hội, Chủ tịch Hồ Chính Minh, của Chính phủ trong giai đoạn đầu thành lập có thể thấy được rằng sự cần thiết phải ban hành những biểu tượng đó nhằm thể hiện Việt Nam là một đất nước độc lập, tự chủ, hoàn toàn có thể tham gia với các quốc gia trên thế giới trong những giai đoạn khó khăn của lịch sử.
"Nhìn lại những văn bản, hình ảnh mẫu quốc huy, mỗi người dân Việt Nam chắc chắn sẽ có những cảm xúc thiêng liêng và tự hào. Chúng tôi thấy được đó vừa là vinh dự, tự hào nhưng cũng là trách nhiệm thiêng liêng của cơ quan lưu trữ tiếp tục gìn giữ, phát huy tốt nhất giá trị tài liệu mang để tới cho công chúng, thế hệ trẻ hiểu biết về lịch sử dân tộc để luôn thấy được trách nhiệm cống hiến cho đất nước" - bà Trần Việt Hoa bày tỏ.
Mới chỉ cách đây vài năm, khi nghĩ về các trung tâm lưu trữ tư liệu, có lẽ trong hình dung của nhiều người vẫn hiện lên hình ảnh của những trung tâm trầm lắng với các tư liệu khô khan, xa rời công chúng và cũng không nhiều nhà nghiên cứu lui tới. Không chỉ công chúng cảm thấy điều này mà chính những người làm công tác lưu trữ cũng nhìn thấy thực trạng ấy. Thế nhưng, những bước chuyển mình trong khoảng nhiều năm trở lại đây khiến nhiều người không khỏi bất ngờ trước sự thay đổi của lĩnh vực tưởng như chỉ luôn ở "ốc đảo" của riêng mình này.
Theo ông Đặng Thanh Tùng - Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Bộ Nội vụ, với sự tiến bộ khoa học công nghệ, Chính phủ đã có chỉ đạo Bộ Nội vụ thực hiện việc chuyển đổi số mạnh mẽ trong lĩnh vực lưu trữ và đích đến cuối cùng là xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về tài liệu lưu trữ.
Cơ sở dữ liệu này không chỉ có riêng tài liệu lưu trữ do Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước đang trực tiếp quản lý mà còn cả khối tài liệu lưu trữ tại trung tâm lưu trữ lịch sử của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng như của các bộ, ngành.
Khi xây dựng thành công cơ sở dữ liệu này chúng ta sẽ có một khối lượng thông tin và tri thức khổng lồ để xã hội, người dân dễ dàng thuận lợi hơn trong việc tra cứu các tài liệu đó. Hơn thế nữa, với những công cụ phát triển về trí tuệ nhân tạo thì các cỗ máy tìm kiếm được xây dựng vào thời điểm hiện tại đã đáp ứng được bước đầu khả năng tìm kiếm tài liệu cao hơn việc tìm kiếm bằng từ khóa như cách mà chúng ta vẫn đang sử dụng ở Google.
"Trong một tương lai gần, với khả năng tìm kiếm theo ngữ nghĩa, khi tìm thông tin ở cơ sở dữ liệu quốc gia về tài liệu lưu trữ, chúng ta có thể nhận về kết quả là cả bộ thông tin tri thức hoàn chỉnh về nội dung mà bạn đọc và người dân muốn tìm kiếm. Hay nói cách khác, đây sẽ là một bước tiến tiếp theo của ngành lưu trữ khi ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để có thể đáp ứng tốt hơn yêu cầu của người dân, cơ quan, tổ chức và thực hiện đúng với ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ là tài liệu chứng cứ phải thực sự góp phần vào việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc" - Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Đặng Thanh Tùng chia sẻ.
Theo ông Đặng Thanh Tùng, tài liệu lưu trữ quốc gia là di sản tư liệu mang hồn cốt của dân tộc, bởi vì trong đó chứa đựng các giá trị thông tin, giá trị về lịch sử, chính trị, văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo cũng như về mọi mặt đời sống của dân tộc. Chỉ khi người dân có thể tiếp cận những giá trị đó một cách đơn giản, thuận tiện nhất thì giá trị của tài liệu lưu trữ mới thực sự phát huy được đúng theo ý nghĩa của nó.
Có thể nói một cách khác, tài liệu lưu trữ chính là ký ức lịch sử được ghi chép lại bằng văn bản của cả dân tộc, chính vì vậy, việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về tài liệu lưu trữ sẽ giúp cho mọi người dân, các cơ quan, tổ chức không phải chỉ trên phạm vi đất nước Việt Nam mà kể cả trên thế giới được tiếp cận với ký ức lịch sử của dân tộc chúng ta đã được rất nhiều thế hệ tận tâm gìn giữ./.