Chuyển đổi số trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản Huế
14/10/2024 | 09:54Năm 2024, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã đoạt các giải thưởng về “Top Tổ chức/Doanh nghiệp khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo”, “Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2024”. Kết quả này khẳng định những nỗ lực của đơn vị về ứng dụng công nghệ số trong bảo tồn và phát huy các giá trị di sản.
Ngày 05/10/2024, Hội Truyền thông số Việt Nam và Tạp chí điện tử VietTimes tổ chức Lễ trao Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam (Vietnam Digital Awards) năm 2024. Đây là giải thưởng thường niên, được Bộ Thông tin và Truyền thông bảo trợ, nhằm tôn vinh những tập thể, cá nhân đã góp phần thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số quốc gia.
Với “Ứng dụng công nghệ số bảo tồn, phát huy giá trị di sản, văn hóa Huế”, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế được vinh danh tại giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2024. Thời gian qua, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã triển khai nhiều giải pháp ứng dụng công nghệ số trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, thay đổi cách thức tiếp cận của người dân và du khách đối với di sản. Thông qua việc truy cập các ứng dụng, thao tác đơn giản trên điện thoại thông minh, người dân, du khách dễ dàng tìm hiểu thông tin, tiếp cận hình ảnh, tư liệu, lịch trình tham quan Quần thể di tích Cố đô Huế…
Trước đó, ngày 27/9/2024, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam vinh danh Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tại hạng mục “Top Tổ chức/Doanh nghiệp khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo”.
Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết: “Chúng tôi muốn đưa ra những nội dung mới, ứng dụng những công nghệ mới để phát huy hơn nữa tất cả những giá trị của di sản và chuyển hóa thành những giá trị kinh tế. Tất cả phục vụ cho sự phát triển chung, bảo tồn và phát huy giá trị di sản”.
Thừa Thiên Huế - Một điểm đến với 8 di sản Thế giới và khoảng 1.000 di tích lịch sử, văn hoá. Năm 2023, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Trung tâm Công nghệ Thông tin Thừa Thiên Huế, Hội Tin học Việt Nam mời các chuyên gia từ Google về công nghệ mới như: NFT, Blockchain, Web 3 và kết nối thực - số giới thiệu công nghệ và tìm hiểu công tác số hoá của Bảo tàng cung đình Huế. Đồng thời, kết nối thử nghiệm lên không gian thực - số một số hiện vật quý của Cung đình Huế. Ông Nguyễn Long, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội tin học Việt Nam cho rằng: Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã có nhiều thành công khi đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số và xây dựng các nền tảng công nghệ thực - số ứng dụng trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản.
Ông Long nói: “Kế hoạch tương lai của chúng tôi là chuẩn hóa, số hóa 3D Cung đình Huế và đưa tất cả vào môi trường kết nối thực - số, được định danh. Bước tiếp theo là đưa tất cả lên không gian mạng rộng rãi để mọi người có thể tiếp cận và xây dựng mô hình bảo tàng số. Đây là bảo tàng mà chúng ta có thể đưa tất cả lên không gian, ở bất kỳ khi nào, ở đâu, để mọi người dân Việt Nam và toàn thế giới có thể tiếp cận với di sản, di tích Cố đô Huế”.