Chuẩn bị xây dựng Hồ sơ Danh nhân Chu Văn An trình UNESCO
09/04/2018 | 10:37Hội thảo khoa học với chủ đề “Danh nhân Chu Văn – Con người và sự nghiệp” có ý nghĩa quan trọng trong việc định hướng lập Hồ sơ Danh nhân Chu Văn An đề nghị UNESCO cùng kỷ niệm nhân dịp 650 năm ngày mất của Danh nhân vào năm 2020.
Hội thảo do Sở VHTT Hà Nội chỉ đạo Trung tâm hoạt động Văn hóa - Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức chiều 6/4 để chuẩn bị hồ sơ danh nhân Chu Văn An gửi các cơ quan chức năng thẩm định trước khi gửi UNESCO xem xét.
Toàn cảnh Hội thảo “Danh nhân Chu Văn – Con người và sự nghiệp”.
Ảnh: Trung tâm hoạt động Văn hóa - Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Với 17 tham luận của các nhà khoa học, các chuyên gia của Viện Sử học, Viện Hán Nôm, Viện Văn học (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam), Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trung tâm hoạt động Văn hóa - Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám…, hội thảo đã tập trung nghiên cứu, đánh giá các nội dung gồm: Môi trường văn hóa, xã hội tác động đến danh nhân Chu Văn An; Nhân cách Chu Văn An; Đóng góp của Chu Văn An với văn hóa, giáo dục Việt Nam; Định hướng xây dựng hồ sơ danh nhân Chu Văn An đề nghị UNESCO kỷ niệm nhân dịp 650 năm ngày mất.
Các ý kiến của các giáo sư đầu ngành như GS Lưu Trần Tiêu, GS Lê Văn Lan, Đại sứ - Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Sanh Châu - đã thống nhất khẳng định: việc đề nghị UNESCO kỷ niệm 650 năm ngày mất của Chu Văn An (vào năm 2020) là tưởng niệm một danh nhân trong lĩnh vực giáo dục của Việt Nam.
Đây cũng là định hướng để TP Hà Nội phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan gấp rút chuẩn bị hồ sơ danh nhân Chu Văn An gửi các cơ quan chức năng thẩm định, hoàn thiện kịp gửi trình UNESCO xem xét trong năm 2019.
Danh nhân Chu Văn An (1292-1370), tên tự là Linh Triệt, tên hiệu là Tiều Ẩn, tên thụy là Khang Tiết tiên sinh, tước hiệu là Văn Trinh công. Ông người làng Quang Liệt, huyện Thanh Đàm, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Từ nhỏ, Chu Văn An đã nổi tiếng là người học giỏi, ham đọc sách, tính tình cương trực, luôn sửa mình giữ tiết tháo, không cầu danh lợi. Mặc dù học vấn tinh thông nhưng ông không ra làm quan mà mở trường ở quê nhà để dạy học. Thầy Chu Văn An là Tư nghiệp Quốc Tử Giám, trực tiếp giảng dạy cho Thái tử, sau khi mất được đưa vào thờ tại Văn Miếu . Suốt cuộc đời Thầy gắn bó với sự nghiệp dạy người để làm người, phụng sự đất nước, chính trực, thanh liêm, không cầu danh lợi. Sau khi ông mất, có 12 điểm thờ tự và đến nay tên của ông đã được đặt cho 50 trường học, 33 đường phố trên khắp mọi miền của đất nước./.
GL