Chuẩn bị diễn ra Liên hoan nghệ thuật Hát Văn và Hát Chầu Văn Hà Nội 2018
10/05/2018 | 13:29Liên hoan Hát Văn và Hát Chầu Văn do Sở Văn hoá và Thể thao (VHTT) Hà Nội tổ chức nhằm bảo tồn, phát huy các loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống của dân tộc.
Vòng chung khảo Liên hoan hát Văn và Hát Chầu Văn Hà Nội 2018 sẽ được tổ chức từ ngày 15 đến 19/5.
Cụ thể, vào ngày 15 và 16/5, tại sân khấu ngoài trời thuộc phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, các đơn vị tham gia tranh tài thuộc các quận Hà Đông, Ba Đình, Tây Hồ, Nam Từ Liêm và các huyện: Phú Xuyên, Thạch Thất, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Đông Anh, Thanh Oai. Vào ngày 17/5, sân khấu ngoài trời Cổng làng thôn Hạ, xã Liên Trung, huyện Đan Phượng sẽ là nơi tranh tài của các đơn vị thuộc các huyện Đan Phượng, Phúc Thọ, Hoài Đức, Quốc Oai và quận Long Biên. Vào ngày 18 và 19/5, tại sân khấu ngoài trời thuộc phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, các đơn vị tham gia biểu diễn thuộc các quận Bắc Từ Liêm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Thường Tín, Hoàn Kiếm, Cầu Giấy và các huyện Sóc Sơn, Thanh Trì.
Đối với biểu diễn Hát Văn, nội dung quy định gồm: ca ngợi Đảng quang vinh, Bác Hồ kính yêu; ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước và con người; ca ngợi những thành tựu của đất nước trong công cuộc hội nhập và phát triển.
Đối với biểu diễn Hát Chầu Văn là diễn xướng các giá đồng thường được các thanh đồng sử dụng hầu Thánh tại các đền, miếu, phủ. Hát Chầu Văn được trích trong các giá hầu. Khi đưa Hát Chầu Văn lên sân khấu phải thể hiện bằng hình thức sân khấu hóa và có tính nghệ thuật cao. BTC cũng lưu ý, trong quá trình biểu diễn không được phán truyền hoặc thực hiện các hành vi phản cảm, mê tín dị đoan, không sử dụng tiền để phát lộc cho khán giả. Yêu cầu mỗi đơn vị tham gia một chương trình từ 25 đến 30 phút.
Tham gia Liên hoan là các nghệ nhân dân gian, diễn viên không chuyên đang sinh hoạt, lao động và học tập trên địa bàn Thủ đô. Đặc biệt, liên hoan sẽ không giới hạn độ tuổi.
Về cơ cấu giải thưởng, căn cứ vào kết quả đánh giá của Ban Giám khảo, Ban Tổ chức sẽ trao giải thưởng gồm giải A1, giải A2, khuyến khích và các giải đặc biệt cho các chương trình, tiết mục và cá nhân đạt kết quả tốt trong Liên hoan. Cụ thể, Giải A1 chương trình gồm 12 giải; Giải A2 chương trình gồm 7 giải; Giải A1 tiết mục (song ca, tốp ca, giá hầu) có 25 giải; Giải A2 tiết mục (song ca, tốp ca, giá hầu) có 25 giải; Giải A1 đơn ca có 12 giải; Giải A2 đơn ca có 12 giải; 5 giải đặc biệt và 5 Giải phong trào…
Theo ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội cho biết Liên hoan nghệ thuật Hát Văn và Hát Chầu Văn là hoạt động văn hóa nhằm bảo tồn, kế thừa và phát huy các giá trị nghệ thuật của loại hình Hát Văn và Hát Chầu Văn đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của quần chúng nhân dân trong việc tôn vinh và quảng bá các giá trị nghệ thuật văn hóa dân gian, văn hóa tín ngưỡng cao đẹp của dân tộc trong giao lưu, hội nhập và phát triển. Liên hoan là dịp để các nghệ nhân, diễn viên gặp gỡ, học tập, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, giới thiệu với công chúng, du khách về di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn Thủ đô. Bên cạnh đó, Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội cũng yêu cầu các đơn vị quận, huyện, thị xã tập luyện chọn lọc tiết mục xuất sắc tham gia Liên hoan cấp Thành phố./.
Hà An