Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Chú trọng xây dựng các sản phẩm mới để củng cố và tạo thương hiệu du lịch đặc thù cho tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

24/01/2020 | 17:22

Những năm gần đây, du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu đã từng bước tạo dựng được thương hiệu riêng, góp phần không nhỏ vào quá trình xây dựng và phát triển kinh tế tỉnh nhà.

Chia sẻ về vấn đề này, phóng viên Báo Điện tử Tổ Quốc đã có cuộc trao đổi với ông Trịnh Hàng – Giám đốc Sở Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu.

Chú trọng xây dựng các sản phẩm mới để củng cố và tạo thương hiệu du lịch đặc thù cho tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu - Ảnh 1.

Ông Trịnh Hàng - Giám đốc Sở Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu.

Xin ông cho biết những kết quả nổi bật của ngành du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trong năm 2019?

Ông Trịnh Hàng: Năm 2019, ngành du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã thực hiện và đạt được những kết quả nổi bật.

Thứ nhất là thực hiện xuất sắc nhiệm vụ quản lý nhà nước về du lịch, trong đó có công tác thẩm định, xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch; cấp thẻ Hướng dẫn viên du lịch; thanh tra kiểm tra; công tác thông tin - xúc tiến du lịch; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch…Thực hiện hoàn thành và vượt mức các chỉ tiêu, kế hoạch UBND tỉnh giao năm 2019. Tổng lượt khách du lịch đến tỉnh năm 2019 đạt 15,55 triệu lượt, tăng 15,19% so với cùng kỳ, đạt 100,33% kế hoạch năm. Tổng thu từ khách du lịch trong năm đạt 16.558 tỷ đồng, tăng 16,16% so với cùng kỳ, đạt 100,23% kế hoạch năm.

Thứ hai là để thúc đẩy ngành du lịch phát triển, Sở đã trình UBND tỉnh ban hành các văn bản: Quyết định phê duyệt Kế hoạch thực hiện "Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030"; Quyết định thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành trong hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh năm 2019; Quyết định ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn kiểm tra liên ngành trong hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh; Quyết định ban hành Quy chế phối hợp trong công tác quản lý hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh để quản lý chặt chẽ các loại hình du lịch mới phát triển như Condotel và Homestay…; Quyết định ban hành Quy định khen thưởng các tổ chức, doanh nghiệp có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh năm 2019 để kịp thời động viên các tổ chức, doanh nghiệp du lịch hoạt động kinh doanh tiêu biểu trong năm…

Thứ ba là đề xuất Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đưa một số các dự án có vị trí chiến lược vào trong Chương trình dự án trọng điểm về du lịch của tỉnh; tham gia ý kiến để thẩm định, cấp phép quy hoạch, cấp phép đầu tư về du lịch đối với các dự án du lịch từ Vũng Tàu đến Bình Châu; tham gia xử lý các dự án chậm triển khai, thúc đẩy Chủ dự án đầu tư du lịch chuyển từ vốn đăng ký sang vốn thực hiện. Tiến hành thực hiện công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước về du lịch như thực hiện các thủ tục triển khai APP 3600; đăng ký lưu trú trực tuyến; đưa mã QR vào số hóa thông tin các điểm đến du lịch trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Thứ tư là về công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho ngành du lịch của tỉnh. Trong năm, Sở Du lịch đã tổ chức được 10 lớp đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho 357 học viên để hỗ trợ các doanh nghiệp đang kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh.

Thứ năm là thực hiện Ký kết Chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các địa phương để tạo mối liên kết phát triển các Tour - Tuyến du lịch, học tập kinh nghiệm trong công tác quản lý nhà nước về du lịch để thúc đẩy ngành du lịch phát triển. Trong năm, Sở đã tổ chức ký kết Chương trình phối hợp để phát triển du lịch nông nghiệp công nghệ cao với Hội Nông dân tỉnh; Ký kết Chương trình liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành: Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk, tỉnh Sóc Trăng, tỉnh Bình Thuận, TP.Cần Thơ và Sở Du lịch TP.Hồ Chí Minh.

Chú trọng xây dựng các sản phẩm mới để củng cố và tạo thương hiệu du lịch đặc thù cho tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu - Ảnh 2.

Ảnh minh họa. Nguồn: baodulich.net.vn

Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh đã có những chính sách và giải pháp như thế nào, thưa ông?

Ông Trịnh Hàng: Ngày 27/12/2017, BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị Quyết 09-NQ/TU về phát triển du lịch chất lượng cao tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030. Nghị quyết 09 đã xác định 03 mục tiêu và đưa 09 nhóm giải pháp cụ thể để phát triển du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu trong giai đoạn 2017-2020, định hướng để phát triển du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu đến năm 2030.

Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã ban hành Chương trình hành động của UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 27/12/2017 của BCH Đảng bộ tỉnh. Đến nay, từng cơ quan, đơn vị, địa phương đều đã có Nghị quyết và Kế hoạch thực hiện. Riêng Sở Du lịch đã tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều Kế hoạch và Quyết định liên quan như: Quyết định phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định ban hành Chương trình hành động của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 27/12/2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch chất lượng cao tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030; Quyết định phê duyệt Đề án "Đảm bảo môi trường trong hoạt động du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2018-2020"; Đề án "Đảm bảo môi trường trong hoạt động du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2018-2020"; Kế hoạch triển khai các giải pháp nhằm phục vụ công tác đón khách du lịch tàu biển trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2025; Kế hoạch triển khai thực hiện Bộ Quy tắc Ứng xử văn minh du lịch trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư về du lịch tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; Kế hoạch Phát triển sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2025; Quy chế xét tặng giải thưởng ngành du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; Quy chế phối hợp trong công tác quản lý hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh; Quyết định đoàn kiểm tra liên ngành trong lĩnh vực du lịch của tỉnh...

Hiện Sở Du lịch đang tham mưu UBND tỉnh ban hành 04 Đề án: Đề án "Phát triển du lịch cộng đồng", Đề án "Nghiên cứu thị trường và định hướng phát triển ngành du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu", Đề án "Phát triển nguồn nhân lực du lịch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu"; Đề án "Xây dựng và quảng bá thương hiệu du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu giai đoạn 2020-2030"...

Quá trình thúc đẩy ngành du lịch của tỉnh phát triển xứng tầm với vị thế và tiềm năng, tỉnh có những thuận lợi và khó khăn nào thưa ông?

Ông Trịnh Hàng: Thuận lợi thứ nhất, đó là Bà Rịa - Vũng Tàu là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam hướng ra Biển Đông của khu vực miền Đông Nam bộ, có đường địa giới chung với TP.Hồ Chí Minh ở phía Tây, với Đồng Nai ở phía Bắc, với Bình Thuận ở phía Đông, có hệ thống cảng biển và mạng lưới đường sông thuận lợi. Tỉnh còn có một hệ di tích lịch sử đa dạng với 01 di tích lịch sử Quốc gia cấp đặc biệt (Côn Đảo), 26 di tích lịch sử cấp quốc gia, 16 di tích lịch sử cấp tỉnh và nhiều di tích lịch sử về tâm linh (Lễ giỗ Liệt sĩ - Nữ Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Võ Thị Sáu; Lễ giỗ Bà Phi Yến; Lễ hội Dinh Cô – Long Hải; Lễ hội Ông Trần – Nhà lớn Long Sơn; Lễ hội Lăng Ông Nam Hải – Đình Thắng Tam, Làng cá Phước Hải) để phát triển đa dạng về du lịch gắn với văn hóa và tâm linh…Đặc biệt là tỉnh có số giờ nắng cao trong năm, rất ít khi có bão, không có mùa đông rất phù hợp cho phát triển các loại hình du lịch bao gồm du lịch nghỉ dưỡng, du lịch gắn với thể thao biển, du lịch gắn với y tế, du lịch MICE, du lịch gắn với văn hóa lịch sử tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng.

Thuận lợi tiếp theo đó là lần đầu tiên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 27/12/2017 – Nghị quyết về phát triển du lịch của tỉnh cùng các Đề án về Đảm bảo an ninh trật tự trong hoạt động du lịch, đề án về môi trường du lịch, Kế hoạch thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch, Kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và một loạt các kế hoạch khác như đã nêu ở trên. Đây là những điều kiện thuận lợi để thúc đẩy du lịch của tỉnh phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Thuận lợi thứ ba đó là về đặc điểm khí hậu, thời tiết và nguồn tài nguyên thiên nhiên. Bà Rịa-Vũng Tàu có chiều dài bờ biển trên 100km với nhiều bãi cát đẹp, hình thành nên nhiều bãi tắm ven biển; Hệ sinh thái biển và ven biển khá độc đáo, đa dạng thích hợp cho các loại hình du lịch khám phá biển như: lặn biển, câu cá, ngắm san hô; các món ăn đặc sản biển của Bà Rịa-Vũng Tàu khá phong phú và đặc sắc, được chế biến tinh tế, đáp ứng được mọi nhu cầu thưởng thức cho các đối tượng khách du lịch.

Từ những tiềm năng, lợi thế trên cùng với sự quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự nỗ lực khắc phục khó khăn của nhân dân, cộng đồng các doanh nghiệp, nhiều năm qua, Bà Rịa - Vũng Tàu đã và đang trở thành một trong những trung tâm du lịch hàng đầu của cả nước.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, bên cạnh những thuận lợi vẫn còn gặp không ít những khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ phát triển du lịch của địa phương. Đối với một số loại hình du lịch mới như Condotel, shophouse, officetel, biệt thự du lịch, homestay…chưa được quy định và hướng dẫn cụ thể để làm cơ sở trong công tác quản lý. Trong lĩnh vực đất đai liên quan đến hoạt động kinh doanh du lịch hiện nay vẫn còn gặp nhiều bất cập; các thủ tục trong đầu tư, xây dựng liên quan đến đất đai du lịch vẫn còn nhiều vướng mắc làm cho nhà đầu tư rất khó triển khai nhanh các dự án đầu tư về du lịch,…

Ngành du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp cho nên phải có nhận thức rõ từ lãnh đạo các cấp cho đến lãnh đạo các ngành để chung tay hỗ trợ cho ngành du lịch phát triển như: Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Văn hóa và Thể thao…và các địa phương.

Ông có thể cho biết những định hướng phát triển du lịch của tỉnh trong năm 2020?

Ông Trịnh Hàng: Trong năm 2020, Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ tiếp tục định hướng, tăng cường năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch, liên kết phát triển du lịch. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước về du lịch; nâng cấp mức độ giải quyết thủ tục hành chính lên cấp độ 4 đối với một số thủ tục hành chính của ngành.

Tập trung triển khai thực hiện các Kế hoạch của UBND tỉnh như Kế hoạch về triển khai Quy hoạch Tổng thể phát triển du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2025, trong đó chú trọng đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch mới khác biệt, có tính lan tỏa và có sức cạnh tranh cao gắn với xây dựng du lịch chất lượng cao để củng cố và tạo thương hiệu du lịch đặc thù của tỉnh; Đa dạng hóa các loại hình du lịch đường sông, du lịch trải nghiệm, chú trọng kêu gọi đầu tư các cảng tàu đón khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch quốc tế; Tập trung phát triển du lịch nghỉ dưỡng biển; du lịch hội nghị, hội thảo (Mice); du lịch bất động sản (Condotel); du lịch cộng đồng (Homestay); du lịch sinh thái chất lượng cao; du lịch gắn với phát triển nông nghiệp công nghệ cao; du lịch lịch sử, tâm linh; du lịch y tế...

Ngoài ra, đơn vị sẽ phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị liên quan trong việc lựa chọn một số khu đất có vị trí thuận lợi, tiềm năng để kêu gọi các nhà đầu tư có đẳng cấp quốc tế đủ năng lực, kinh nghiệm đầu tư phát triển các dự án du lịch lớn, chất lượng cao, có tác dụng thúc đẩy ngành du lịch phát triển; Huy động các nguồn lực đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở kỹ thuật phục vụ phát triển du lịch của tỉnh.

Nâng cao chất lượng phục vụ và tính chuyên nghiệp; tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các cơ sở du lịch, đặc biệt là quản lý giá dịch vụ nhằm đảm bảo môi trường du lịch phát triển bền vững; tạo môi trường du lịch lành mạnh, thân thiện, hấp dẫn du khách; nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của ngành du lịch với cộng đồng doanh nghiệp và người dân; bổ sung hoàn chỉnh hệ thống thông tin hướng dẫn du khách, các loại hình dịch vụ tại các khu, điểm du lịch. Tập trung công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao để phát triển nguồn nhân lực du lịch tỉnh đạt chất lượng theo hướng chuyên nghiệp đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; triển khai thực hiện các hoạt động tuyên truyền, xúc tiến quảng bá du lịch trong và ngoài nước; Đổi mới hoạt động xúc tiến, quảng bá hình ảnh du lịch tỉnh, nhất là xây dựng các giải pháp phù hợp để thực hiện quảng bá tại các sân bay, bến cảng, tàu khách du lịch. Phối hợp với VNPT Bà Rịa-Vũng Tàu triển khai thực hiện có hiệu quả phần mềm du lịch thông minh của tỉnh trên địa bàn tỉnh…

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Thực hiện: Hằng Đinh

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×