Chợ Viềng - Nét đẹp văn hóa ngày xuân của đất và người Thành Nam
18/02/2018 | 07:30Chợ Viềng Phủ Dày (thôn Trung Thành, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản) và chợ Viềng Nam Giang (thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực) - phiên chợ cầu may vô cùng đặc biệt gắn với tín ngưỡng văn hóa của cư dân vùng lúa nước, mang những sắc thái văn hóa độc đáo của đất và người Thành Nam, là địa chỉ du xuân hấp dẫn của người dân trấn Sơn Nam Hạ cũng như du khách khắp nơi trong cả nước mỗi khi Tết đến, xuân về.
Chợ Viềng - Nét đẹp văn hóa ngày xuân của đất và người Thành Nam. Ảnh: baophapluat |
Chợ Viềng là phiên chợ cầu may, mua bán ở đây không mặc cả, là một hiện tượng khá lạ, giàu ý nghĩa văn hóa. Ai đó đến với Chợ Viềng, thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực đều có một ý niệm mua lấy may, bán lấy may, ăn lấy may, chơi cũng lấy may và như vậy người bán được hàng và khách chơi chợ ai cũng muốn mua được thứ gì đó. Bởi lẽ đó, người bán không nói thách, người mua không mặc cả, nếu “băn khoăn” về giá cả sẽ mất đi sự “linh thiêng”. Chợ Viềng mở giữa tiết tân xuân là địa chỉ cầu lộc cầu may, gắn liền với tín ngưỡng văn hoá của cư dân vùng lúa nước.
Chợ Viềng Phủ Dày (thôn Trung Thành, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản) họp vào đêm mùng 7 tháng Giêng Âm lịch. Trước khi đi thăm thú quanh chợ, mọi người vào các đền, phủ trong quần thể di tích lịch sử, văn hóa Phủ Dầy thắp hương, cầu xin thánh Mẫu phù hộ cho được mạnh khỏe, hạnh phúc trong năm mới. Giữa khung cảnh sơn thủy hữu tình, giữa tiết xuân dưới làn mưa bụi mỏng, người người chen vai thích cánh dạo quanh các khu vực bày bán các sản vật của miền quê nông nghiệp trù phú, những sản phẩm thủ công tinh xảo, đồ dùng sinh hoạt hằng ngày, đồ tế lễ… Du khách thập phương trẩy hội chợ Viềng Vụ Bản ngoài nhu cầu tâm linh về với trung tâm của tín ngưỡng thờ Mẫu còn có cơ hội thưởng thức nhiều đặc sản “bánh Gôi, xôi Báng, rượu Hầu”, đặc biệt là món “bê thui” chấm tương gừng. Ở chợ Viềng Vụ Bản, thịt bò thui được bày bán thành từng dãy hoặc xen vào các hàng bán cây giống, cây cảnh. Ai đến chợ cũng mua thịt bò thui mang về để lấy may.
Chợ Viềng là phiên chợ cầu may, mua bán ở đây không mặc cả. Ảnh: Internet |
Rời chợ Viềng Vụ Bản khi đất trời đang chuyển sang một ngày mới, du khách sẽ tiếp tục được hòa mình vào dòng người trẩy hội Viềng Nam Giang vào sáng ngày mùng 8 tháng Giêng Âm lịch.
Hàng hóa ở Chợ Viềng thật phong phú và đa dạng với sự hội tụ của hầu như tất cả những sản phẩm làng nghề có hàng trăm năm tuổi như: Làng hoa cây cảnh Vị Khê với hàng trăm các loài hoa qúy, quất nguyên thủy, cây cảnh, cây thế được Thái úy Tô Trung Tự truyền nghề từ thời nhà Lý; các sản phẩm đồ đồng đến từ làng nghề đúc đồng Đồng Quỹ, sản phẩm đồ sắt của làng nghề Vân Chàng – một làng nghề truyền thống được Lục vị Tổ Sư truyền dạy từ thời vua Trần Nhân Tông và cùng với sự góp mặt của nhiều gian hàng thủ công Mỹ Nghệ của hầu hết các làng nghề nổi tiếng đến từ các tỉnh trong nước.
Đến với Chợ Viềng Nam Trực du khách thập phương ai ai cũng ngỡ ngàng trước khoảng không gian rộng lớn nơi diễn ra cảnh mua bán đồ cổ, giả cổ với hàng ngàn mặt hàng từ đồ đồng, đồ đá, sứ, đồ gỗ… Không thiếu một thứ gì từ đồ thờ tự, đồ trang trí, đồ chơi, đồ dùng, đông tây, kim, cổ đủ loại…
Có thể nói, ai đến với những gian hàng này cũng đều không muốn rời khỏi và ai muốn mua gì, dù quý hiếm đến đâu thì ở những không gian hàng đồ cổ Chợ Viềng Nam Trực đều có và chắc hẳn du khách không thể “tay không trở về”.
Với ý nghĩa của phiên chợ bán – mua lấy may, chơi lấy may thì ở Chợ Viềng Nam Trực còn có đặc trưng riêng đó là ẩm thực “ăn lấy may”. Thịt bò thui và phở bò gia truyền của người dân nơi đây vốn đã nổi tiếng cùng với khoai lang lim chợ Chùa, lạc vỏ lụa, kẹo lạc Thượng Nông và đặc biệt là phở bò Giao Cù.
Trong ngày tháng giêng mưa xuân lất phất bay, trong tiết trời se se lạnh có lẽ không gì thú vị hơn khi mỗi du khách được thưởng thức món thịt bò thui tái nhúng nhâm nhi chén rượu nồng cay với bát phở bò “Chính gốc Giao Cù Nam Định” trên chính mảnh đất sản sinh ra món ẩm thực đặc trưng, riêng có của Nam Định nói riêng, Việt Nam nói chung. Và sau đó họ cần được thưởng thức bát nước chè xanh nóng bỏng của làng Thanh Khê xã Nam Cường nhâm nhi với kẹo lạc Thượng Nông ai cũng thấy lòng ấm hơn khi ngẫm về những nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng đầy ý nghĩa từ bao đời vẫn còn dược duy trì trên quê hương Nam Trực, để rồi khi ra về trên tay mỗi người từ các cụ già đến con trẻ đều mua cho mình năm ba thứ gì đó từ những món hàng đắt tiền như đồ cổ, cây thế hay đồ gia dụng, đến những dụng cụ nông nghiệp, cây giống…
Có thể nói, phiên chợ đặc biệt ngày xuân - chợ Viềng Nam Định là nơi hội tụ những nét đặc trưng cấu trúc xã hội, tôn giáo, tín ngưỡng, làng nghề truyền thống, ẩm thực, nghệ thuật truyền thống mang đậm nét văn hoá của nền văn minh lúa nước.
Đến với Chợ Viềng thị trấn Nam Giang, bên cạnh việc mua bán cầu may, cầu lộc, du khách còn được tham dự vào các trò chơi dân gian, các môn nghệ thuật truyền thống như: Chọi gà, đánh đu, cờ người, cờ tướng, đấu vật, múa rối cạn, rối nước, xin chữ, tò he,… Những sắc thái văn hóa đầy giá trị nhân văn về đời sống tinh thần của cư dân nông nghiệp.
Tháng Giêng từ lâu được coi là “tháng ăn chơi”, là mùa bắt đầu của những lễ hội dân gian độc đáo. Để rồi mỗi khi tới mồng 7, mồng 8 âm lịch, người ta lại nô nức rủ nhau đi Nam Định, tìm tới chợ Viềng – phiên chợ cầu may đặc biệt, nơi “mua may bán rủi” để thêm lộc về nhà mở đầu năm mới tốt lành. Người bán không cầu lỗ lãi, người mua không tham đắt rẻ. Đặc trưng rất riêng ấy đã trở thành một trong những điểm thú vị thu hút của phiên chợ bày bán cây cảnh và đồ cổ này./.
Anh Vũ (tổng hợp)