Chờ đón "bữa tiệc" đầy màu sắc
17/11/2021 | 14:22Công tác chuẩn bị cho sự kiện nghệ thuật đặc sắc của quốc gia, LHP Việt Nam lần thứ XXII gần như đã hoàn tất. Hôm nay 17.11, những đại biểu, nghệ sĩ và diễn viên của điện ảnh Việt Nam sẽ đến với mảnh đất Cố đô, hứa hẹn một kỳ LHP thành công và an toàn trong bối cảnh đặc biệt.
LHP lần thứ XXII không chỉ là sự kiện của tỉnh, mà còn là sự kiện lớn của quốc gia nên dù dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn quyết tâm tổ chức thành công, chu đáo và kỹ lưỡng...
Chuẩn bị chu đáo
Những ngày gần đây, các đơn vị đã ra quân chỉnh trang, tổng vệ sinh, dọn dẹp khuôn viên Nhà hát sông Hương và Học viện Âm nhạc Huế cùng các khu vực lân cận. Đoàn công tác của Viện phim Việt Nam cũng đã đến khảo sát, chuẩn bị mặt bằng cho không gian triển lãm ảnh sẽ diễn ra trong khuôn khổ LHP. Ông Hoàng Thanh Sơn, Phó Giám đốc Học viện Âm nhạc Huế thông tin, Nhà hát sông Hương có quy mô 900 chỗ ngồi, trong điều kiện giãn cách hiện nay sẽ phục vụ tối đã 400 đại biểu. Hiện nhân lực của đơn vị này đã chuẩn bị chu đáo mặt bằng và trang thiết bị cần thiết phục vụ cho các sự kiện, trong đó sự kiện chính và quan trọng nhất là lễ Bế mạc và trao giải.
Theo kế hoạch, trong ngày hôm nay (17.11), khoảng 260 đại biểu chủ yếu từ Hà Nội và TP Hồ Chí Minh sẽ có mặt tại TP Huế. BTC đã lên kế hoạch đón tiếp chi tiết và đảm bảo an ninh, an toàn đối với những người tham dự. Ba khách sạn gồm: Silk Path, Azerai La Residence và Sài Gòn Morin (ở trục đường Lê Lợi, gần Nhà hát sông Hương) sẽ là nơi lưu trú của các đại biểu, nghệ sĩ, đạo diễn, diễn viên. Các khách sạn này đã được kiểm dịch và tập huấn về công tác phòng, chống dịch cho đội ngũ nhân viên. Ngay sau khi các đại biểu check-in tại khách sạn, lực lượng y tế sẽ thực hiện test Covid-19 lần 1; trước khi tham gia chương trình Bế mạc và trao giải, các đại biểu sẽ thực hiện test lần 2. Việc thực hiện mô hình “một cung đường hai điểm đến” sẽ đảm bảo an toàn cao nhất cho đại biểu và lực lượng tham gia phục vụ tại LHP.
Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế, thành viên Ban Chỉ đạo LHP thông tin, những công tác tổ chức từ khâu đón tiếp, di chuyển, tham gia các sự kiện của các đại biểu đã được chuẩn bị chu đáo. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh diễn biến khó lường nên địa phương sẽ áp dụng phương án “bong bóng”. Dù có những khó khăn nhất định, nhưng Thừa Thiên Huế quyết tâm tổ chức thành công sự kiện này.
Mở ra nhiều cơ hội cho Huế
Mặc dù một số chương trình cộng đồng trong khuôn khổ LHP đã được tạm dừng và điều chỉnh nhằm đảm bảo an toàn dịch tễ, song các sự kiện còn lại bên lề cũng hứa hẹn đưa lại những dấu ấn tích cực trong lòng các đại biểu, nghệ sĩ, diễn viên tham dự.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế thông tin: Ngoài triển lãm ảnh Di sản và bạn, Sở Du lịch cũng sẽ tổ chức 2 chương trình tour khám phá, trải nghiệm khép kín dành cho các đại biểu với những điểm đến ấn tượng, đặc sắc từng là bối cảnh phim trường. Đây được xem là cơ hội quảng bá vùng đất, thắng cảnh, con người và văn hóa đến với các đoàn làm phim. “Tỉnh Thừa Thiên Huế đang xây dựng và phát triển 2 đề án Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam và Huế - Kinh đô Ẩm thực, nên LHP lần này cũng là cơ hội để chúng tôi quảng bá các đề án này. Trong đó, chương trình du lịch sẽ mang đến trải nghiệm với áo dài ngũ thân; đồng thời, hướng dẫn các khách sạn xây dựng chương trình ẩm thực Huế để giới thiệu đến các đại biểu lưu trú. Ngoài ra, chương trình dạ tiệc cũng chọn lựa các món ăn đặc trưng nhất của Huế để chiêu đãi”, ông Phúc nói.
Thừa Thiên Huế đang tích cực quảng bá nhằm hướng đến xây dựng một phim trường, qua đó thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa. LHP lần này sẽ mở ra cơ hội cho Huế khi nhiều nhà làm phim, đạo diễn, diễn viên nổi tiếng sẽ tham dự. Không chỉ những “bom tấn” của Việt Nam gần đây đã chọn Huế làm bối cảnh chính, như: Gái già lắm chiêu, Kiều, Mắt biếc…, mà từ nhiều năm trước đã có những bộ phim nổi tiếng quay tại Huế. Có thể kể đến Cô gái trên sông của đạo diễn Đặng Nhật Minh, giải Bông sen Bạc và Bông sen Vàng cho nữ diễn viên chính tại LHP năm 1988; Trăng nơi đáy giếng của đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn, Cánh diều Bạc năm 2008 và giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất cho diễn viên Hồng Ánh; Em còn nhớ hay em đã quên (1992) của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần và Phi Tiến Sơn… Trong khuôn khổ LHP lần này, BTC cũng sẽ trình chiếu lại những bộ phim nói trên.
“Thừa Thiên Huế có đầy đủ tiềm năng để phát triển thành phim trường, bởi Huế không chỉ là vùng đất bề dày về lịch sử văn hóa, mà còn có núi, có sông, có biển, có thành thị xen lẫn các công trình kiến trúc cổ kính, cung điện, đền đài nguy nga… Đây là nơi hội tụ nhiều nội dung, yếu tố để khai thác cho phim ảnh”, đạo diễn phim Gái già lắm chiêu V, Trần Nguyễn Bảo Nhân nhận xét.
Giám đốc Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Phan Thanh Hải cũng nhấn mạnh: Trong LHP và sau sự kiện này, chúng tôi sẽ đẩy mạnh công tác quảng bá về những hình ảnh đẹp, bối cảnh đẹp của Huế. Đồng thời, sẽ xây dựng cơ chế chính sách, tạo điều kiện thuận lợi tối đa để các nhà làm phim đến với Huế, ngoài việc xây dựng bối cảnh để làm phim thì còn hướng đến việc xây dựng một phim trường ở Huế từ các nhà đầu tư lớn.
Vận động người dân mặc áo dài trong thời gian diễn ra LHP
Sở VHTT Thừa Thiên Huế vừa có văn bản gửi UBND TP Huế, các Sở, ban, ngành và các đơn vị liên quan về việc vận động, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên và quần chúng nhân dân mặc áo dài trong suốt thời gian diễn ra LHP Việt Nam lần thứ XXII. Hoạt động này nhằm thiết thực chào mừng các sự kiện lớn của Huế nói riêng và đất nước nói chung trong dịp này, đồng thời tăng cường quảng bá Áo dài truyền thống Huế, hướng tới xây dựng hồ sơ công nhận Áo dài truyền thống Huế là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia và đề nghị UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa thế giới.