Triển lãm "Dấu ấn nghệ thuật Phật giáo trên gốm sứ Bát Tràng" đã đưa đến cho người xem rất nhiều cảm xúc.
Nằm trong chuỗi các hoạt động của tuần lễ Đại lễ Phật đản kéo dài từ 8/5 đến ngày 15/5, Ban tổ chức Đại lễ Phật đản PL.2566 – DL.2022 tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức triển lãm “Dấu ấn nghệ thuật Phật giáo trên gốm sứ Bát Tràng” tại không gian Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán Huế (đường Lê Lợi, TP Huế).
Theo TT.Thích Kiên Tuệ - Trưởng Ban Văn hóa GHPGVN tỉnh Thừa Thiên Huế, chương trình triển lãm nhằm gợi nhớ lại lịch sử đức Phật Thích Ca Mâu Ni, bậc thầy vĩ đại về từ bi và trí tuệ, hòa bình và thiện cảm; đồng thời chiêm ngưỡng nghệ thuật gốm sứ Bát Tràng trong việc gửi tâm huyết vào các sản phẩm để quảng bá Phật pháp.
Các tác phẩm tại triển lãm đã dùng nghệ thuật gốm sứ đương đại để chuyển thể, làm mới lại từ nguyên bản, hoặc sáng tạo nhiều tác phẩm khác nhau có giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật Phật giáo… nhằm góp phần trong việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa quý hiếm của dân tộc nói chung và của Phật giáo nói riêng.
Lấy cảm hứng từ nét đẹp văn hóa của Phật giáo, các nghệ nhân đã tạo tác phom dáng, hình hài, sắc màu... nhắn nhủ những thông điệp cao thượng, tinh thần từ bi của đạo Phật và cho ra đời những tác phẩm nghệ thuật đáng trân trọng.
Triển lãm được tổ chức với mong muốn sẽ truyền đạt những thông điệp ý nghĩa trong lời Phật dạy, điều này sẽ được hiện thị trên các ngôn ngữ của hiện vật như các tượng Phật, Bồ-tát, La-hán, Tổ sư, các loại pháp khí thờ cúng, chung, thạp, bình, đĩa, đèn thấu quang, hoa sen, tranh chăn trâu….
Đèn sứ thấu quang vẽ Địa Tạng Vương Bồ Tát.
Chuông Tứ Linh.
Chiếc đĩa sứ vẽ lại Đức Phổ Hiền Bồ Tát.
Thạp chum vuốt tay khắc thủ công cảnh chùa quê.
Liên đăng bảo, tác phẩm của Nghệ nhân ưu tú Trần Nam Tước.
Tranh sứ Phật thuyết kinh Kim cang chuyển thể từ mộc bản của thiền sư Thạch Liêm.
Triển lãm đã đưa đến cho người xem rất nhiều cảm xúc bởi những câu chuyện liên quan đến Phật giáo.
Lê Chung