Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Chia sẻ kinh nghiệm phục vụ và chuẩn bị sản phẩm, dịch vụ ẩm thực dành cho thị trường Ấn Độ

16/09/2024 | 07:33

Ngày 13/9, Sở Du lịch Đà Nẵng tổ chức tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm phục vụ và chuẩn bị sản phẩm, dịch vụ ẩm thực dành cho thị trường Ấn Độ.

Tọa đàm có sự tham gia của 2 chuyên gia là Giám đốc kinh doanh tại khách sạn Novotel Hà Nội và Melia Hà Nội với nhiều kinh nghiệm đón tiếp các đoàn khách du lịch Ấn Độ.

Hoạt động này nhằm chuẩn bị cho các cơ sở lưu trú du lịch, cơ sở ăn uống và người lao động ngành du lịch đầy đủ thông tin, kinh nghiệm thực tiễn khai thác, đón tiếp, phục vụ thị trường khách du lịch Ấn Độ, đặc biệt đảm bảo phục vụ các nhu cầu về ẩm thực khắt khe của thị trường đông dân nhất thế giới.

Đây là một trong những giải pháp để phát triển nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng phục vụ ngành du lịch thành phố Đà Nẵng cho các doanh nghiệp du lịch đã được đề ra tại Kế hoạch phát triển nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng phục vụ ngành du lịch thành phố Đà Nẵng năm 2024.

Chia sẻ kinh nghiệm phục vụ và chuẩn bị sản phẩm, dịch vụ ẩm thực dành cho thị trường Ấn Độ - Ảnh 1.

Quang cảnh buổi tọa đàm.

Phát biểu tại tọa đàm, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng Nguyễn Thị Hoài An cho biết, Ấn Độ là một trong 10 quốc gia có lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch Việt Nam lớn nhất từ đầu năm 2022 đến nay. Tại thành phố Đà Nẵng, lượng khách du lịch Ấn Độ đến thành phố tăng trưởng mạnh trong những năm vừa qua, sau 8 tháng đầu năm 2024 Đà Nẵng đã đón được hơn 135.000 lượt khách, chiếm 43,2% trong tổng số khách Ấn Độ đến Việt Nam, tăng trưởng 55% so với cùng kỳ năm 2023.

"Điểm đến Đà Nẵng ngày càng phổ biến, hấp dẫn khách du lịch Ấn Độ với nhiều loại hình du lịch đa dạng, trong đó có du lịch cưới, nghỉ dưỡng biển, du lịch văn hóa, du lịch golf và mua sắm", bà An nhấn mạnh.

Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cũng chia sẻ, trong thời gian qua, để tăng cường khai thác các thị thường khách du lịch tiềm năng, đa dạng hóa nguồn khách, thành phố Đà Nẵng đã tập trung triển khai nhiều hoạt động xúc tiến, truyền thông quảng bá mạnh mẽ, đặc biệt đối với thị trường Ấn Độ như tổ chức chương trình giới thiệu du lịch tại Ấn Độ, đón đoàn famtrip, presstrip Ấn Độ đến Đà Nẵng khảo sát sản phẩm, dịch vụ du lịch…Dự kiến từ tháng 10/2024, Vietjet Air khai thác chặng Đà Nẵng – Ahmedabad tần suất 02 chuyến/tuần.

Chia sẻ kinh nghiệm phục vụ và chuẩn bị sản phẩm, dịch vụ ẩm thực dành cho thị trường Ấn Độ - Ảnh 2.

Các chuyên gia chia sẻ các kinh nghiệm thực tế và áp dụng thực tiễn tại các cơ sở lưu trú du lịch, cụ thể đối với khách du lịch Ấn Độ đi theo đoàn, theo nhóm, khách lẻ...

Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia đã chia sẻ các kinh nghiệm thực tế và áp dụng thực tiễn tại các cơ sở lưu trú du lịch, cụ thể đối với khách du lịch Ấn Độ đi theo đoàn, theo nhóm, khách lẻ...

Các chuyên gia cho rằng thị trường Ấn Độ dù có nhiều khác biệt về văn hóa, việc đáp ứng các yêu cầu của khách về phong cách ẩm thực, lối sinh hoạt…có nhiều thách thức. Tuy nhiên, đây là thị trường rất tiềm năng và nếu hiểu cách phục vụ, công tác chuẩn bị chu đáo và có quy trình rõ ràng, nhân viên được đào tạo tốt, thông thạo tiếng Anh, nắm vững thông tin thì việc đón tiếp khách sẽ thuận lợi và mang lại nguồn khách lớn thậm chí vào những thời gian thấp điểm du lịch.

Để khai thác hiệu quả thị trường khách du lịch Ấn Độ, doanh nghiệp du lịch cần chủ động đến làm việc trực tiếp với thị trường thông qua các công ty lữ hành, các đầu mối liên hệ tại Ấn Độ vì đặc thù văn hóa Ấn Độ giao tiếp ưu tiên hình thức face-to-face, gặp gỡ trực tiếp thay vì qua điện thoại/email.

Đồng thời doanh nghiệp du lịch cũng cần chủ động tham gia các Hội chợ du lịch như OTM, SATTE, BLTM, MILT …để trực tiếp gặp gỡ, trao đổi với các đối tác về du lịch tại Ấn Độ. Khách Ấn Độ đi du lịch hiện nay đa phần trong độ tuổi trẻ nên đa phần cũng được khai thác thông qua các kênh OTA.

Chia sẻ kinh nghiệm phục vụ và chuẩn bị sản phẩm, dịch vụ ẩm thực dành cho thị trường Ấn Độ - Ảnh 3.

Đà Nẵng - “Điểm đến du lịch cưới” mới nổi của cô dâu chú rể Ấn Độ.

Về phục vụ ăn uống, các cơ sở lưu trú có thể làm việc với các nhà hàng chuyên về ẩm thực Ấn Độ để cung cấp sản phẩm, dịch vụ ẩm thực cho khách lưu trú (bao gồm 4 nhóm chính: ăn chay/không ăn chay/jain/không thịt lợn, không thịt bò), không nhất thiết phải thuê riêng đầu bếp vì mỗi vùng miền Ấn Độ có một phong cách ẩm thực khác biệt không giống nhau. Do đó thuê riêng đầu bếp cũng chưa chắc đảm bảo phục vụ được toàn bộ thị trường này. Đồng thời các cơ sở lưu trú có thể nghiên cứu bố trí riêng không gian phục vụ ẩm thực dành cho thị trường khách Ấn Độ nếu số lượng khách lớn để thuận lợi trong quá trình phục vụ cùng lúc các thị trường khác.

Việc trao đổi thông tin, xử lý các khiếu nại, phàn nàn cũng cần hết sức khéo léo, thể hiện tinh thần hiếu khách, đôi bên cùng có lợi.

Khi đã xác định cơ sở lưu trú sẽ phục vụ khách du lịch từ thị trường Ấn Độ, các đơn vị cần chuẩn bị sẵn sàng về cả cơ sở vật chất, nhân viên phục vụ và quy trình rõ ràng để đáp ứng những khác biệt về văn hóa và yêu cầu đặc biệt đối với các dịch vụ ẩm thực, thói quen ăn uống, sinh hoạt của khách./.

Đức Hoàng

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×