Chàng trai xứ Huế vẽ quê hương lên nón lá để quảng bá đến du khách
04/10/2022 | 14:51
Với niềm đam mê hội họa, Phan Quang Nhật là chiếc “cầu nối” để bạn bè, du khách gần xa biết đến Huế nhiều hơn thông qua những bức tranh giản dị trên từng chiếc nón lá.
Nằm cạnh di tích Hổ Quyền, căn nhà nhỏ của anh Phan Quang Nhật (30 tuổi, phường Thủy Biều, TP Huế) thời gian gần đây là điểm dừng chân của không ít du khách khi đặt chân đến Huế.
Nhiều người biết đến Nhật với nghề vẽ tranh trên nón, công việc này đã gắn bó với anh gần 6 năm qua.
Nhật kể, vì đam mê hội họa nên trước đây có theo học nghề vẽ tranh lụa từ một người quen. Sau này khi nghề vẽ tranh lụa không còn thịnh hành nữa, anh chuyển sang tìm hướng đi mới cho riêng mình.
Trong một lần dạo chơi trên cầu Trường Tiền, thấy các thiếu nữ thướt tha trong tà áo dài cùng vành nón lá bên dòng sông Hương, ý tưởng vẽ tranh trên nón lá đã hình thành trong đầu chàng trai trẻ này. "Nón lá Huế nổi tiếng cả nước, nhiều du khách đến Huế còn muốn tìm mua về, tại sao mình không vẽ lên đó để vừa quảng bá nón lá vừa quảng bá quê hương?", anh Nhật nói.
Nghĩ là làm, Phan Quang Nhật bắt tay vào việc pha màu, mày mò vẽ tranh trên chất liệu hoàn toàn mới mẻ. Hơn một năm trải qua không ít lần thất bại, những sản phẩm đầu tiên của anh đưa ra thị trường được nhiều người đón nhận.
Hình ảnh được Nhật chọn đưa lên nón lá chủ yếu là phong cảnh làng quê Việt Nam, cây đa, con đò, người phụ nữ với đôi quang gánh, người ngư phủ quang lưới...
Để du khách biết đến Huế nhiều hơn, anh còn chọn các hình ảnh như chùa Thiên Mụ, cầu Trường Tiền, dòng sông Hương... để đưa lên nón lá.
Theo Phan Quang Nhật, để hoàn thiện một bức tranh trên nón lá phải trải qua nhiều công đoạn, từ vẽ lớp phong nền, vẽ thô đến vẽ từng chi tiết nhỏ. Tùy vào kích cỡ nón và tranh trên nón vẽ gì mà thời gian hoàn thành cũng khác nhau.
"Mỗi chiếc nón mình đều đặt rất nhiều tâm huyết vào đó, đã làm thì phải làm cẩn thận, đến nơi đến chốn. Khi đã hoàn thành thì đó phải là một sản phẩm chất lượng, như một tác phẩm nghệ thuật để có thể để lại ấn tượng trong lòng du khách", anh Nhật chia sẻ.
Sản phẩm tranh nón lá của Nhật có nhiều kích cỡ, chủng loại và được bán với giá thành từ 70 - 150 nghìn đồng/chiếc. Đối với những sản phẩm được khách đặt với các yêu cầu riêng thì bán với giá cao hơn.
Trung bình, mỗi ngày Nhật có thể vẽ 20-30 sản phẩm. Có những ngày ý tưởng đến cuồn cuộn, Nhật vẽ hết chiếc này đến chiếc khác, quên cả thời gian.
Nhật khoe, hiện tranh vẽ nón lá của mình đã tỏa đi khắp cả nước, nhiều nhất là các trung tâm du lịch lớn: Hà Nội, TPHCM, Nha Trang, Đà Nẵng, Ninh Bình... Nhiều nhà hàng, khách sạn, quán cà phê đặt hàng của anh để trang trí.
Gần một năm trở lại đây, căn nhà nhỏ của Nhật thường xuyên đón nhiều du khách trong và ngoài nước tìm đến để tìm hiểu và trải nghiệm vẽ tranh trên nón lá.
Nhiều đoàn du khách, đặc biệt là khách nước ngoài bày tỏ sự thích thú khi tìm hiểu về chiếc nón lá của Huế. Du khách được tự mình vẽ tranh trên nón lá và mang về để làm quà lưu niệm.
Với mong muốn đưa hình ảnh chiếc nón lá, đưa hình ảnh đất nước Việt Nam đến với bạn bè trong và ngoài nước, Nhật cho hay, trong thời gian tới sẽ kết nối nhiều hơn với các đơn vị lữ hành đón khách đến để trải nghiệm. "Mình luôn sẵn sàng đón mọi người đến để tham quan trải nghiệm vẽ tranh trên nón lá, chụp hình lưu niệm như ở làng hương Thủy Xuân. Hy vọng rằng, điều đó sẽ góp được một phần nhỏ bé để quảng bá hình ảnh của Huế đến bạn bè gần xa, đón nhiều khách đến Huế hơn nữa ", Nhật cười hiền nói.
Lê Chung