Cao Bằng: Xây dựng văn hóa đọc trong giới trẻ
20/05/2019 | 17:04Đọc sách là một trong những cách thức giúp con người thư giãn, tích lũy kiến thức, tăng cường khả năng tư duy, sáng tạo. Tuy nhiên ngày nay, cuộc sống hiện đại với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin đã tác động không nhỏ tới văn hóa đọc, nhất là giới trẻ.
Thiếu nhi đến đọc sách tại gian trưng bày sách của Thư viện tỉnh.
Đến các nhà sách trên địa bàn thành phố Cao Bằng, có thể thấy tình trạng chung là người mua sách và bạn đọc rất ít, trong khi tại các quầy hàng lưu niệm, vẽ tranh, tô tượng, đồ chơi lại khá đông khách. Tại cửa hàng sách - thiết bị giáo dục của Công ty cổ phần Sách và Thiết bị trường học, khu vực bán sách vắng bóng người mua. Anh Hoàng Minh Ngọc, quản lý cửa hàng cho biết: Công ty có nhiều loại sách nhưng ít người mua, thường thì đầu năm học, chủ yếu phụ huynh đến mua sách giáo khoa và các thiết bị giáo dục cho con em.
Thư viện tỉnh là nơi có đầy đủ các chủng loại sách, các phòng đọc được trang bị bàn ghế đầy đủ, thoáng mát và sạch sẽ. Nhưng người đến đọc sách rất ít, các hoạt động tại Thư viện tỉnh vẫn còn trầm lắng, đọc sách tại thư viện chưa thực sự trở thành nhu cầu thường xuyên của mọi người. Vào những ngày thường, số lượng học sinh đến thư viện chỉ lác đác, một phần vì các em bận học, mặt khác các em vẫn chưa thực sự có thói quen đọc sách hằng ngày. Có thể thấy, trong cuộc sống hiện đại với quá nhiều hình thức truyền tải thông tin, những cuốn sách từng là nguồn tri thức quý báu của các thế hệ đi trước gần như bị giới trẻ ngày nay lãng quên. Khi được hỏi về khả năng ghi nhớ tin tức, thông tin trên mạng, một số bạn trẻ lại lúng túng bởi vì các em thường chỉ đọc những tin tức gói gọn trong vài trăm ký tự, thiếu độ sâu về cảm xúc, không những không giúp cho việc sáng tạo, mà còn làm mất dần khả năng chủ động trong tư duy.
Thời gian qua, tỉnh ta chú trọng thực hiện nhiều giải pháp nâng cao văn hóa đọc cho các đối tượng, đặc biệt là giới trẻ. Không chỉ tổ chức các triển lãm sách, ngày hội sách, các thư viện, phòng đọc, nhà văn hóa đã đưa ra nhiều biện pháp thiết thực nhằm thu hút đông đảo bạn đọc. Đây là dấu hiệu đáng mừng nhằm phát triển thói quen đọc sách, trở thành nhu cầu thường ngày của mỗi người để trau dồi kiến thức, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.
Theo Giám đốc Thư viện tỉnh Hoàng Thị Lan Hương, để thu hút việc đọc sách của học sinh, sinh viên, hằng năm Thư viện tỉnh triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền với hình thức phong phú, đa dạng như: Tuần lễ đọc sách, Ngày hội sách; trưng bày sách báo tại đơn vị, ngành nhân các ngày lễ lớn của địa phương và đất nước...; phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, các nhà sách trên địa bàn tổ chức trưng bày, giới thiệu và bán sách giảm giá cho bạn đọc, kết hợp tổ chức các hoạt động vui chơi, hỏi nhanh, đáp nhanh về vai trò của sách báo...
Ngoài ra, Thư viện tỉnh còn tổ chức nói chuyện tại các trường THCS và THPT trên địa bàn Thành phố để giới thiệu về sách, báo tại thư viện và thủ tục, cách thức làm thẻ cho các em khi muốn mượn, đọc sách tại thư viện. Từ đầu năm đến nay, Thư viện tỉnh cấp 265 thẻ thư viện, đón tiếp trên 1.400 lượt bạn đọc, phục vụ trên 15.000 lược sách báo cho độc giả. Riêng trong tháng 4, Thư viện bổ sung 1.437 bản, nhập cơ sở dữ liệu sách mới 324 bản, phối hợp xây đựng tủ sách cho các xã phấn đấu về đích nông thôn mới năm 2019, nâng tổng số sách báo hiện nay của Thư viện lên gần 200.000 bản với đầy đủ thể loại…
Để tạo thói quen đọc sách cho học sinh, nhiều trường tiểu học trên địa bàn tỉnh, các tổ chức, phụ huynh học sinh hỗ trợ, đầu tư xây dựng mô hình "Thư viện thân thiện", góp phần làm thay đổi nhận thức của giáo viên và học sinh trong việc phát huy vai trò của thư viện. Mô hình thư viện thân thiện không chỉ đem lại hứng thú đọc sách cho các em nhỏ mà còn xây dựng ở các em thói quen đọc sách, tự tìm tòi và sáng tạo.
Với phương châm lấy phòng đọc thân thiện làm nền tảng, không gian đọc được thiết kế hài hòa, bắt mắt, thái độ của nhân viên thư viện nhẹ nhàng, gần gũi cùng trang thiết bị tiện lợi, hấp dẫn..., mô hình thư viện thân thiện thực sự đem đến cho học sinh nhiều cơ hội tiếp cận sách báo, thông tin một cách tự giác và tích cực. Mô hình thư viện thân thiện trong trường học đã góp phần định hướng và khôi phục văn hóa đọc, nhất là trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay./.