Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Cao Bằng với công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa phi vật thể

16/07/2018 | 10:24

Những năm qua, công tác khôi phục, gìn giữ, bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) luôn được các cấp, ngành và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh quan tâm. Tuy nhiên, công tác khôi phục, bảo tồn các DSVHPVT còn rất nhiều khó khăn, trong đó, vấn đề bảo tồn, phát huy các DSVHPVT đã được công nhận quốc gia hiện nay hầu như còn bỏ ngỏ.

Hiện tỉnh Cao Bằng có 2 di sản văn hóa phi vật thể đã được công nhận Di sản phi vật thể Quốc gia, gồm: Nghi lễ Then của người Tày Cao Bằng được Bộ Văn hóa,Thể thao và Du lịch (VHTTDL) phê duyệt trở thành DSVHPVT Quốc gia năm 2014; Lễ hội Nàng Hai xã Tiên Thành (Phục Hòa) được Bộ VHTTDL phê duyệt trở thành DSVHPVT Quốc gia theo Quyết định số 2459/QĐ-BVHTTDL ngày 20/6/2017.


Các Nàng Trăng thực hiện nghi lễ trong Lễ hội Nàng Hai, xã Tiên Thành.

Nghi lễ Then Tày ở Cao Bằng được công nhận DSVHPVT Quốc gia càng khẳng định mảnh đất Cao Bằng được coi là nơi khởi nguồn của Then, nơi có rất nhiều thầy Then giỏi nghề, hát hay, đàn giỏi, thực hành các nghi lễ đúng quy cách cổ truyền. Còn Lễ hội Nàng Hai xã Tiên Thành là một trong những lễ hội dân gian truyền thống mang đậm nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Tày, thể hiện tín ngưỡng phồn thực, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân lao động, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc. 

DSVHPVT tiềm ẩn trong con người - trong nghệ nhân, trong môi trường thực hành. Vì vậy, bảo tồn và phát huy DSVHPVT chính là bảo vệ con người, đặc biệt là nghệ nhân và phải có môi trường để văn hóa phi vật thể - nghệ nhân bộc lộ ra. 

Trong Lễ hội Nàng Hai vừa qua, chúng tôi đã đến xã Tiên Thành để tìm hiểu cả quá trình chuẩn bị và diễn ra lễ hội. Để tổ chức lễ hội phải mất rất nhiều thời gian chuẩn bị cả sức lực, vật lực bởi các nghi lễ đã bắt đầu từ Tết Đắp nọi (cuối tháng Giêng âm lịch) kéo dài đến ngày diễn ra lễ hội 22/3 âm lịch. Trong đó, việc chọn hơn 30 người tham gia đảm nhận vai các Mụ Nàng; chọn 1 người có tuổi làm Mẻ Cốc, là người am hiểu các nghi lễ và thuộc các khúc hát cầu mùa…; 2 thiếu niên đóng vai Khủ Tiến, có nhiệm vụ mở đường cho đoàn Nàng Trăng dâng lễ lên trời… hiện rất khó khăn vì những phụ nữ biết hát các làn điệu làm lễ ngày càng lớn tuổi mà các cô gái trẻ không mặn mà để học hỏi. Đặc biệt, hơn 35 năm nay, người làm “Mẻ Cốc” (Mẹ Trăng) -  “linh hồn” của Lễ hội Nàng Hai chỉ có duy nhất bà Đinh Thị Toàn, xóm Nưa Khau đảm nhiệm.

Nghi lễ Then Tày được công nhận DSVHPVT Quốc gia đã gần 5 năm nhưng đến nay vẫn chưa làm cho cả nước biết Nghi lễ Then Tày độc đáo, trường tồn và lan tỏa thế nào. Sức sống của nghi lễ Then Tày mới chỉ được tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu một số trích đoạn để trình diễn tại các liên hoan, hội diễn văn nghệ chuyên và không chuyên hay thông qua phương tiện thông tin đại chúng… nên chưa thật sự giúp các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh được tiếp xúc, tìm hiểu và nhận thức đúng giá trị cốt lõi của nghi lễ then Tày. Mặt khác, sức sống, sự lan truyền của nghi lễ Then Tày không thể căn cứ vào số lượng người biết nhiều mà cần được gìn giữ, bảo tồn và phát huy ở hệ thống các nghi lễ, làn điệu cổ truyền. Chưa kể đến việc hiện nay thiếu hụt một lượng lớn những nghệ nhân có sự am hiểu, chất giọng chuẩn mực để có thể phục dựng nghi lễ Then Tày đúng nguyên bản. 

Theo bà Nông Thị Hiếu, Phó trưởng Phòng Quản lý văn hóa, Sở VH-TT&DL, có rất nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khiến các DSVHPVT Quốc gia nói riêng và kho tàng DSVHPVT phong phú của tỉnh hiện vẫn chưa được bảo tồn, phát huy hiệu quả. Đó là những tác động mạnh mẽ của cơ chế thị trường đã và đang làm mai một và biến dạng không ít DSVHPVT; nhận thức về vai trò quan trọng của di sản và trách nhiệm của toàn xã hội đối với DSVHPVT chưa đầy đủ, không ít di sản đang đứng trước nhiều thách thức, chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, giữa hiện đại hóa, đô thị hóa với bảo tồn di sản; kinh phí đầu tư của Nhà nước và xã hội cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị DSVHPVT chưa đáp ứng nhu cầu thực tế; các chính sách với nghệ nhân đã được quan tâm, nhưng chưa triển khai kịp thời, đặc biệt là những chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân có tài năng xuất sắc, nắm giữ và có công bảo vệ và phát huy giá trị DSVHPVT truyền thống tiêu biểu…

Thời gian tới, để phát huy DSVHPVT cần gắn với phát triển du lịch nhưng phải quảng bá, giới thiệu theo một cách khác và nên bắt đầu từ người quản lý cũng như sự giáo dục đại chúng trong vấn đề bảo tồn, phát huy DSVHPVT Quốc gia để người dân tiếp nhận đúng đắn nhất về giá trị văn hóa di sản. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của toàn xã hội về DSVHPVT Quốc gia và xử lý nghiêm minh các hành vi làm hủy hoại, biến dạng di sản văn hóa. Trước mắt, tiếp tục tôn vinh nghệ nhân, khuyến khích nền tảng văn hóa gia đình, niềm tự hào trong gia đình và họ tộc, tạo điều kiện cho các nghệ nhân truyền thụ di sản văn hóa cho thế hệ sau. Có chính sách, giải pháp hỗ trợ những nghệ nhân gặp khó khăn, tạo môi trường cho các nghệ nhân phát triển, để họ chuyên tâm làm phong phú văn hóa cộng đồng… Những điều này mới mang lại giá trị lớn cho hình ảnh và sức sống của di sản.

Theo baocaobang.vn

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×