Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Cao Bằng: Văn học nghệ thuật góp phần chấn hưng giá trị văn hóa bản địa trong kỷ nguyên số

13/06/2023 | 09:26

Văn hóa Việt Nam là thành quả hàng nghìn năm lao động, sáng tạo của các thế hệ cùng sinh sống. Đó là toàn bộ những giá trị văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần, văn hóa tổ chức đời sống xã hội được hình thành, gìn giữ, trao truyền qua thời gian và không gian, tâm hồn và trí tuệ, bản lĩnh và khí phách… tất cả được kết tinh trong những giá trị văn hóa dân tộc, tạo thành bản sắc văn hóa Việt Nam, góp phần định vị nền văn hóa dân tộc trên bản đồ văn hóa thế giới.

Cao Bằng có sự đa dạng về dân tộc, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 90%, với 8 dân tộc chính: Tày, Nùng, Mông, Dao, Sán Chỉ, Lô Lô, Hoa, Kinh cùng sinh sống, trong đó, dân tộc Tày, Nùng chiếm hơn 80% dân số, dân tộc Kinh chiếm hơn 5%. Vì vậy, văn hóa của người bản địa là nền văn hóa mang đậm nét văn hóa miền núi, với tất cả những biểu hiện đa dạng và phong phú, tinh tế và sâu sắc.

Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, văn hóa là một trong những nhân tố đóng góp mang tính quyết định thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đối với con người mộc mạc miền núi cũng vậy, chính hồn cốt được “đúc, rèn” qua từng thế hệ đã tạo nên tính cách con người Cao Bằng đầy phóng khoáng, nghĩa tình, trung hậu và có lòng yêu nước nồng nàn. Không phải ngẫu nhiên mà Hồ Chủ tịch chọn quê hương Cao Bằng là mảnh đất để trở về gây dựng phong trào cách mạng sau hơn 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước. Bên cạnh vị trí chiến lược thì yếu tố văn hóa, yếu tố con người đã tạo dựng Cao Bằng trở thành cái nôi cách mạng của cả nước, từ đó đặt nền móng cho sự trưởng thành của Đảng, của quân và dân ta, đưa cách mạng đi đến thành công.

Đồng hành cùng văn hóa, văn học nghệ thuật Cao Bằng chính là thành tố chính góp phần quan trọng trong việc bảo tồn, gìn giữ văn hóa bản địa qua từng thế hệ. Văn hóa được bảo tồn qua đời sống sinh hoạt hằng ngày, chắt lọc, lưu truyền trong dân gian từ xa xưa qua từng câu hát, làn điệu dân ca, từ lời ru của bà, của mẹ, từ câu chuyện giải nghĩa sự hình thành đất trời “Báo Luông - Slao Cải”, sứ mệnh kết nối cả cõi vĩnh hằng “Khảm hải” hay những câu chuyện ngụ ngôn răn đời, răn người bỏ ác, tìm khôn... Ngay từ thủa ban đầu, những văn nghệ sĩ đến từ dân gian địa phương chính là những người đầu tiên đặt nền móng cho việc bảo tồn văn hóa dân tộc.

Sáng tác văn học nghệ thuật của văn nghệ sĩ Cao Bằng từ xưa đến nay luôn gắn bó mật thiết với vùng đất mà họ sinh ra và lớn lên. Chiều sâu cội nguồn ấy là cái nôi, là gốc rễ nuôi dưỡng tâm hồn, cốt cách, thấm vào trang văn như một lẽ tự nhiên, hình thành nên cảm thức, lối viết và khai mở “đặc sản” văn hóa trong sáng tạo của mỗi con người. Người đọc tác phẩm tức là đang đọc những giá trị văn hóa mà văn nghệ sĩ phản ánh. Trong thời đại kỷ nguyên số, sự phát triển mạnh mẽ của Internet ảnh hưởng rất lớn đến đời sống xã hội, để phát huy truyền thống tốt đẹp của văn hóa bản địa cũng như khám phá, kích hoạt “đặc sản” văn hóa, văn nghệ sĩ địa phương phải nỗ lực đảm nhiệm vai trò là cầu nối, tích cực chuyển tải, giới thiệu, quảng bá hơi thở, sức sống và giá trị của địa phương, đồng thời tuyên truyền các hoạt động văn hóa, bảo tồn giá trị văn hóa.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 diễn ra trên toàn thế giới tác động trực tiếp, sâu sắc đến đời sống của con người, mọi rào cản giữa các quốc gia về văn hóa cũng bị xóa bỏ, đặt ra không ít thách thức với mỗi quốc gia trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa. Đặc biệt là nguy cơ xâm lăng, lai căng văn hóa, phai nhạt bản sắc, tính dân tộc bị lãng quên, quá trình hội nhập văn hóa là tất yếu, phù hợp với quy luật phát triển của xã hội. Tuy nhiên, trước tính chất hai mặt, tích cực lẫn tiêu cực của cuộc cách mạng công nghiệp, cần phải biến thách thức thành cơ hội, vừa bảo vệ, gìn giữ, xây dựng nền văn hóa phù hợp với thực tiễn của đất nước, vừa tiếp xúc, giao lưu, đối thoại về văn hóa với nhiều nước khác để đa dạng, đậm đà nền văn hóa dân tộc, vững chãi tiến lên phía trước. Văn nghệ sĩ không đứng ngoài dòng chảy này, vừa phát huy, gìn giữ bản sắc, vừa không ngừng đổi mới nội dung, chủ đề, đối tượng..., đây cũng là xu thế chung phù hợp với yêu cầu hiện đại hóa, đổi mới văn hóa.

Cao Bằng: Văn học nghệ thuật góp phần chấn hưng giá trị văn hóa bản địa trong kỷ nguyên số - Ảnh 1.

Tạp chí Non nước Cao Bằng. Ảnh: Thế Vĩnh

Dưới sự chỉ đạo, định hướng, phối hợp tạo điều kiện của UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, văn nghệ sĩ dưới mái nhà chung Hội Văn học - Nghệ thuật đã và đang góp phần bảo tồn, gìn giữ văn hóa bản địa. Với diễn đàn chính là Tạp chí Non nước Cao Bằng (tiền thân là tờ Phja Bjoóc), văn nghệ sĩ địa phương không ngừng sáng tạo, xây dựng những trang viết dày dặn về chuyên môn, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Văn nghệ sĩ chủ động làm mới mình, định hướng sáng tác đến cội nguồn văn hóa dân tộc, định hình chất vùng cao, chất “Cao Bằng” trong từng ấn phẩm, từng tác phẩm. Tạp chí Non nước Cao Bằng cụ thể hóa bằng việc mở mới các chuyên mục “Sắc màu Non nước Cao Bằng”, “Ảnh đẹp Non nước vùng cao”, “Nghiên cứu - Sưu tầm”, “Tác giả - Tác phẩm”... Mỗi ấn phẩm luôn quan tâm tuyển chọn tác phẩm mang đậm sắc thái địa phương, độ đậm đặc về sắc màu các dân tộc miền núi chiếm hơn 80%, tạo dấu ấn đậm nét trong lòng bạn đọc.

Bản chất của văn hóa luôn có sự tương tác, thẩm thấu qua lại giữa các giá trị, sự hội nhập, giao lưu văn hóa giữa các bản địa là tất yếu. Do đó, văn học nghệ thuật không chỉ là dừng ở hoạt động quảng bá, khơi dậy văn hóa bản địa của mình mà đang có xu hướng vượt ra bên ngoài, tiếp nhận nguồn văn hóa nội, ngoại sinh. Từ đây, tiếng nói văn nghệ sĩ sẽ thể hiện cái riêng của văn hóa bản địa, đồng thời lưu giữ, quảng bá, giới thiệu văn hóa Việt Nam một cách sinh động, hiệu quả. Chính tính mở, tính đa dạng giàu bản sắc của các hoạt động văn học nghệ thuật địa phương đã bồi đắp thêm di sản văn hóa dân tộc, đổi mới cải tiến những giá trị văn hóa theo hướng hiện đại nhưng vẫn phù hợp với truyền thống của dân tộc, làm nên thương hiệu văn hóa Cao Bằng, qua đó, đặt ra những giải pháp, bài học nhằm nâng cao hoạt động, ý thức gìn giữ di sản văn hóa theo đúng tinh thần “đại chúng hóa” từng được đề cập tại Đề cương văn hóa 1943 do cố Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo. Quan điểm “sự nghiệp văn hóa là của toàn dân, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng”, tính chất nền văn hóa mới Việt Nam là dân tộc về hình thức, tân dân chủ về nội dung, 3 nguyên tắc của nền văn hóa mới Việt Nam là “dân tộc hóa”, “khoa học hóa, “đại chúng hóa” và được Chủ tịch Hồ Chí Minh đúc kết “văn hóa soi đường cho quốc dân đi” mãi mãi là quan điểm, là mục tiêu, là phương châm và nguyên tắc để cùng với chính trị và kinh tế, giúp dân tộc ta, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, tất cả vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Theo Báo Cao Bằng

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×