Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Cao Bằng: Quan tâm giáo dục ý thức bảo vệ di sản văn hóa cho thế hệ trẻ

14/02/2022 | 09:03

Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 200 di sản văn hóa vật thể, 2.000 di sản văn hóa phi vật thể. Việc quan tâm giáo dục ý thức bảo vệ di sản văn hóa cũng như nâng cao hiểu biết cho thế hệ trẻ về kho tàng di sản văn hóa dân tộc được các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh chú trọng.

Cao Bằng: Quan tâm giáo dục ý thức bảo vệ di sản văn hóa cho thế hệ trẻ - Ảnh 1.

Thông qua các hoạt động ngoại khóa giúp thế hệ trẻ có sự trải nghiệm và nâng cao hiểu biết về nét đẹp văn hóa của quê hương.

Với quan điểm lấy học sinh làm trung tâm, tận dụng khai thác nguồn học liệu tại chỗ là những di sản văn hóa xung quanh môi trường sống, gần gũi, dễ hiểu với học sinh, những năm qua, các trường học trên địa bàn tỉnh tổ chức tham quan, giáo dục ngoại khóa tại các điểm di tích như: Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó, Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo, Đền thờ Nùng Trí Cao, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Địa điểm Chiến thắng Biên giới năm 1950… Ngoài ra, học sinh được tham gia hoạt động trải nghiệm tại các sự kiện như: hội thi hát dân ca, trình diễn trang phục dân tộc, thi đấu thể thao, liên hoan hát then, đàn tính, hội khỏe Phù Đổng, ngày hội văn hóa các dân tộc Dao, Mông, ngày hội sách…

Hằng năm, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh xây dựng các chương trình tìm hiểu, học tập về di sản văn hóa vật thể và phi vật thể; liên kết với ban quản lý các di tích lịch sử, văn hóa, các làng nghề truyền thống để đưa học sinh đến học tập. Chỉ đạo các trường học có kế hoạch cụ thể về việc lồng ghép trong các tiết dạy với các nội dung liên quan đến di sản, di tích lịch sử, văn hóa. Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nà Giàng (Hà Quảng) Nông Thúy Bền cho biết: Tổ chức các tiết học thực tế gắn với các di tích lịch sử của địa phương là một hình thức giáo dục hiệu quả. Giáo viên lồng ghép kiến thức, sáng tạo phương pháp chuyển tải để học sinh hứng thú, tự giác tìm hiểu, trân trọng giữ gìn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa của địa phương một cách hiệu quả, thiết thực hơn.

Vào các ngày lễ lớn của dân tộc, địa phương, các trường học đều tổ chức hoạt động về nguồn, tham quan di tích lịch sử, giúp gia đình chính sách; cho học sinh viết bài giới thiệu về lịch sử hình thành, biện pháp bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị di tích; tổ chức giao lưu, tọa đàm, nói chuyện truyền thống với các cựu chiến binh, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, những “nhân chứng sống” của lịch sử nhân dịp các ngày lễ, dịp kỷ niệm lớn của đất nước. Nhiều trường học chủ động nhận chăm sóc các điểm di tích lịch sử, nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn.

Em Nguyễn Trà My, học sinh Trường Tiểu học Hợp Giang (Thành phố) chia sẻ: Tại các buổi ngoại khóa tuyên truyền về Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng, em và các bạn được tham gia các hoạt động văn nghệ, trình diễn trang phục các dân tộc: Tày, Nùng, Mông, Dao đỏ, Lô Lô, nghe tuyên truyền về Công viên địa chất Non nước Cao Bằng, trải nghiệm thực tế các trò chơi dân gian, thi bày các gian hàng giới thiệu những nét văn hóa độc đáo trong trang phục, những đặc sản của địa phương. Em và các bạn tiếp tục giới thiệu, tuyên truyền về các giá trị của công viên địa chất cũng như cách bảo vệ, giữ gìn những nét đẹp văn hóa đó tới bạn bè, người thân trong gia đình.

Cao Bằng: Quan tâm giáo dục ý thức bảo vệ di sản văn hóa cho thế hệ trẻ - Ảnh 2.

Gian hàng giới thiệu về các giá trị đặc sắc của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng của học sinh Trường Tiểu học Hợp Giang (Thành phố).

Để nâng cao nhận thức, giới thiệu sâu sắc và toàn diện về di sản văn hóa, truyền thống lịch sử văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, truyền thông, giới thiệu di sản văn hóa đến nhân dân và khách tham quan với nhiều hình thức, như: triển lãm lưu động, triển lãm chuyên đề nhân dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị, văn hóa của trung ương, của tỉnh, nói chuyện chuyên đề lịch sử kết hợp trình chiếu Powerpoint tại các trường học; tuyên truyền luật, giới thiệu di sản văn hóa trên Bản tin văn hóa, thể thao, du lịch và trên các phương tiện thông tin đại chúng; xây dựng các video theo chủ đề tuyên truyền trên các trang thông tin điện tử; tích cực đẩy mạnh phong trào phối hợp liên ngành “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, đưa trò chơi dân gian vào trường học... góp phần giáo dục cho thế hệ trẻ niềm tự hào về quê hương, dân tộc.

Giám đốc Bảo tàng tỉnh Ngô Thị Cẩm Châu cho biết: Do hiện nay, tỉnh chưa có nhà trưng bày hiện vật nên đơn vị chú trọng công tác tuyên truyền lưu động; tổ chức triển lãm phục vụ các lễ hội xuân, ngày hội dân tộc Mông, các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị quan trọng của tỉnh, ngành, tại các địa phương với các chủ đề như: giới thiệu một số nét đặc trưng văn hóa của 53 dân tộc thiểu số Việt Nam và dân tộc Mông tỉnh Cao Bằng; thành tựu kinh tế, văn hóa - xã hội tỉnh; du lịch và Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng; Bác Hồ với nhân dân các dân tộc Cao Bằng; Đảng bộ tỉnh Cao Bằng - tự hào những chặng đường; một số hình ảnh về văn hóa, xã hội và Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng; triển lãm ảnh chuyên đề “Chiến dịch Biên giới 1950”…

Bên cạnh đó, nhiều địa phương tích cực triển khai các hoạt động chống xâm hại di tích, bảo vệ, tôn tạo, phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa. Đoàn Thanh niên các cấp thường xuyên tổ chức dọn vệ sinh, trồng hoa, cây xanh tại các điểm di tích; tổ chức các buổi tham quan, tìm hiểu ý nghĩa, giá trị của các di tích lịch sử văn hóa tại địa phương nhằm giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng của quê hương, đất nước. Huy động mọi lực lượng trong xã hội cùng tham gia vào bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Theo Báo Cao Bằng

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×