Cao Bằng: Phát triển sản phẩm lưu niệm, quà tặng du lịch
20/10/2023 | 10:53Sản phẩm quà tặng du lịch góp phần làm tăng sức hấp dẫn cho điểm đến, khuyến khích chi tiêu và quảng bá hình ảnh địa phương. Tuy nhiên, thị trường quà tặng lưu niệm Cao Bằng vẫn còn nhiều “khoảng trống”, chưa đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của du khách.
Hầu hết khách du lịch mỗi khi đi tham quan, trải nghiệm đều có nhu cầu tìm hiểu, chọn mua các sản phẩm lưu niệm, vừa làm quà tặng người thân, bạn bè, vừa để gợi nhớ kỷ niệm sau chuyến hành trình. Đó có thể là sản phẩm gắn liền với điểm đến như: biểu tượng, mô hình, tranh ảnh hay đồ thổ cẩm, thủ công mỹ nghệ, trang sức, váy, áo, khăn, nón… mang giá trị văn hóa đặc trưng, kết tinh sức lao động của người dân bản địa, nghệ nhân truyền thống.
Để có một tour du lịch hoàn chỉnh, hấp dẫn dành cho du khách, không thể thiếu hoạt động mua sắm quà tặng, đặc sản vùng, miền. Việc xây dựng, đa dạng hóa các sản phẩm lưu niệm cũng là một trong những phương thức quảng bá thương hiệu du lịch, thu hút du khách và các nhà đầu tư trong nước, quốc tế.
Chị Bùi Thị Thanh Mai, du khách đến từ Hải Phòng chia sẻ: Lần đầu tiên đặt chân đến Cao Bằng, ngoài việc thăm thú những danh lam thắng cảnh nổi tiếng, trải nghiệm văn hóa ẩm thực, tôi còn mua đặc sản hạt dẻ Trùng Khánh, dao Phúc Sen, túi thổ cẩm và nón lá của dân tộc Tày.
Cao Bằng là nơi hội tụ tinh hoa văn hóa của cộng đồng các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao, Sán Chỉ, Lô Lô… với những phong tục, tập quán, tín ngưỡng, lễ hội, nghệ thuật dân gian độc đáo. Trên địa bàn tỉnh có nhiều làng nghề, ngành nghề truyền thống được gìn giữ, bảo tồn qua nhiều thế hệ như: làng rèn Phúc Sen, làng làm nón lá Hoàng Diệu, nghề làm giấy bản xóm Dìa Trên (Quảng Hòa), làng nghề dệt thổ cẩm Luống Nọi (Hà Quảng), nghề đan lát (Thạch An), nghề chạm bạc, in hoa văn bằng sáp ong (Nguyên Bình)… Với lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, văn hóa, lịch sử, con người, mỗi năm Cao Bằng đón hàng triệu lượt khách du lịch. Do đó, việc phát triển các sản phẩm lưu niệm, quà tặng theo hướng gắn với bản sắc văn hóa là rất cần thiết để tạo nét riêng, định vị hình ảnh non nước Cao Bằng trên bản đồ du lịch Việt Nam.
Thời gian qua, tỉnh quan tâm khôi phục, phát triển các làng nghề gắn với nâng tầm chất lượng sản phẩm OCOP; tăng cường tham gia, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại - du lịch nhằm trưng bày, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của địa phương. Đồng thời, khuyến khích người dân nghiên cứu, xây dựng mẫu mã, bao bì sản phẩm phù hợp với thị hiếu của khách hàng; đưa một số làng nghề tiêu biểu vào các chương trình, tour, tuyến du lịch.
Tuy nhiên, thực tế thị trường sản phẩm quà tặng, đồ lưu niệm ở tỉnh chưa phát triển tương xứng với thế mạnh du lịch vốn có. Các sản phẩm còn đơn điệu, chủ yếu là nhóm hàng nông sản, bánh kẹo, đồ uống, dược liệu, trong khi đó đồ thủ công mỹ nghệ có tính chất lưu niệm chưa nhiều. Một số mặt hàng chưa đảm bảo sự tối ưu về chất lượng, kích cỡ để du khách, nhất là du khách nước ngoài thuận tiện trong vận chuyển, bảo quản lâu dài. Thiếu thông tin, dấu hiệu để nhận biết về điểm du lịch hay mang nét đặc trưng riêng của vùng đất, cộng đồng dân tộc; kỹ năng truyền thông, quảng cáo, tiếp thị hạn chế. Người dân tại các làng nghề chưa chú trọng sản xuất mặt hàng quà tặng du lịch để quảng bá thương hiệu, tạo lợi thế cạnh tranh bền vững…
Để không bỏ ngỏ thị trường đồ lưu niệm, quà tặng du lịch đầy tiềm năng, tỉnh cần tăng cường chỉ đạo các ngành, địa phương, cá nhân, doanh nghiệp quan tâm khai thác, phát triển sản phẩm lưu niệm, quà tặng. Tăng cường tập huấn cho cộng đồng làm du lịch, người dân hiểu rõ hơn đặc trưng của nơi mình đang gắn bó, từ đó thúc đẩy sáng tạo nhiều sản phẩm lưu niệm mang bản sắc văn hóa vùng đất, con người Cao Bằng. Bên cạnh đó, cần quy hoạch, hỗ trợ về vốn, công nghệ sản xuất và có sự hướng dẫn, tư vấn về mẫu mã, kiểu dáng, chất liệu; khuyến khích sử dụng nguyên liệu thân thiện với môi trường. Tạo mối liên kết giữa cơ sở sản xuất, kinh doanh với đơn vị lữ hành du lịch trong khâu quảng bá, tiêu thụ; chú trọng đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm. Tổ chức các cuộc thi ý tưởng sáng tạo, thiết kế sản phẩm du lịch, bao bì quà tặng…
Việc phát triển và đa dạng hóa các sản phẩm lưu niệm, quà tặng không chỉ góp phần níu chân du khách mà còn là động lực để biến ngành “công nghiệp không khói” trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Những món quà tinh tế, ấn tượng sẽ tô điểm thêm vẻ đẹp, sức hấp dẫn của miền non nước Cao Bằng.