Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Cao Bằng: Nhân lực du lịch - “chìa khóa” góp phần phát triển du lịch bền vững

01/11/2021 | 09:45

Đối với ngành du lịch, nhân lực được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng cần thiết đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng, nâng cao và hoàn thiện các sản phẩm du lịch cũng như dịch vụ du lịch. Tuy nhiên, hiện nay công tác này tại tỉnh còn nhiều vấn đề đặt ra đòi hỏi phải có thêm nhiều giải pháp hiệu quả mang tầm nhìn chiến lược và tổ chức thực hiện quyết liệt để hướng đến sự chuyên nghiệp và phát triển du lịch bền vững.

Cao Bằng: Nhân lực du lịch - “chìa khóa” góp phần phát triển du lịch bền vững - Ảnh 1.

Hướng dẫn viên giới thiệu với du khách các thông tin về Di tích lịch sử đồn Phai Khắt, xã Tam Kim (Nguyên Bình).

Theo đồng chí Đàm Thị Hiền, Phó trưởng Phòng Quản lý du lịch, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, những năm qua, tỉnh có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển du lịch, như: Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ; triển khai các kế hoạch phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hằng năm, giai đoạn; tổ chức Hội thi hướng dẫn viên du lịch giỏi cấp tỉnh năm 2020…Từ năm 2016 đến nay, Sở phối hợp tổ chức 47 lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch cho trên 3.500 học viên là lãnh đạo phòng văn hóa - thông tin các huyện, Thành phố; quản lý, nhân viên lễ tân các cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch, nhà hàng, khách sạn, nhà khách trên địa bàn tỉnh. Thông qua tập huấn, hội thi, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch cho các cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch, khách sạn, nhà hàng, các khu, điểm du lịch, hướng tới mục tiêu đưa nhân lực du lịch tỉnh đạt tiêu chuẩn nghề theo quy định. Đồng thời, giúp các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch có kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ vận dụng vào điều kiện thực tế để thực hiện tốt công việc kinh doanh, đáp ứng nhu cầu phục vụ khách du lịch.

Du lịch tỉnh có những bước phát triển, ngày càng trở thành điểm đến yêu thích của du khách, trong đó có khách quốc tế. Điều đó phần nào khẳng định rằng chất lượng nguồn nhân lực ngày càng được nâng cao. Đến nay, toàn tỉnh có trên 2.200 người lao động trực tiếp tại các khu, tuyến, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống, lữ hành, vận chuyển khách du lịch, tăng 127,7% so với năm 2016. Trong đó, hơn 500 người được đào tạo về kỹ năng, nghiệp vụ du lịch, chiếm 25% tổng số nhân lực; số người có khả năng sử dụng ngoại ngữ giao tiếp với du khách khoảng hơn 80 người, chiếm hơn 3,5% tổng số nhân lực.

Qua những số liệu thống kê trên có thể thấy nguồn nhân lực du lịch của tỉnh còn nhiều bất cập, như: Chất lượng nguồn nhân lực du lịch còn thấp cả về năng lực quản lý, nghiệp vụ chuyên môn và năng lực sử dụng ngoại ngữ, chưa tương ứng với yêu cầu phát triển của ngành; nhân lực ở các khách sạn, nhà hàng và các cơ sở lưu trú vẫn đang trong tình trạng thiếu lao động lành nghề, phổ biến nhất là các cơ sở lưu trú, nhà hàng nhỏ, lao động không đúng chuyên ngành, phần đông là lao động phổ thông và qua truyền nghề, huấn luyện tại chỗ; kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ, tính chuyên nghiệp thấp; trình độ ngoại ngữ, đặc biệt là ngoại ngữ chuyên ngành rất yếu. Một số nhân viên thực hiện nghiệp vụ vẫn còn nhiều thiếu sót, tinh thần thái độ phục vụ chưa thật sự chu đáo, thân thiện, nhiệt tình; kỹ năng giao tiếp còn hạn chế. Kỹ năng thuyết trình, dẫn chương trình còn yếu; thiếu kỹ năng tổ chức sự kiện và nhất là kỹ năng hoạt náo viên, chưa gây ấn tượng tốt đẹp đối với du khách.

Bà Hoàng Thị Lan, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch quốc tế Bản Giốc (Trùng Khánh) chia sẻ: Bất cứ địa phương hay doanh nghiệp nào cũng mong muốn sở hữu được đội ngũ nhân lực chất lượng cao. Chính vì vậy, các doanh nghiệp dịch vụ du lịch thương hiệu ngày càng kiểm soát chặt chẽ chất lượng nguồn nhân lực ngay từ đầu vào; chú trọng đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, nhân lực du lịch của tỉnh tuy đã tăng về số lượng nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.

Yêu cầu phát triển của ngành và xu thế hội nhập quốc tế đòi hỏi thời gian tới tỉnh phải có những giải pháp hiệu quả để phát triển nguồn nhân lực du lịch, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao, như: Đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá về du lịch của tỉnh nói chung và vai trò quan trọng của chất lượng nguồn nhân lực du lịch nói riêng, tạo sự chuyển biến nhận thức của các cấp, các ngành, doanh nghiệp, người lao động và toàn xã hội về vị trí, vai trò quan trọng của ngành du lịch và đặc biệt là vị trí, vai trò, tầm quan trọng của đào tạo nguồn nhân lực du lịch theo nhu cầu xã hội phục vụ sự phát triển bền vững của du lịch tỉnh.

Xây dựng chiến lược phát triển tổng thể về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, kịp thời cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật về đào tạo du lịch; có cơ chế chính sách quản lý đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ nhân tài, sử dụng hiệu quả lao động, đi đôi với việc đẩy mạnh kiểm tra, thanh tra hoạt động đào tạo du lịch.

Tiến hành tổ chức điều tra, khảo sát, phân tích nhu cầu thực tế, định hướng đào tạo, lập kế hoạch đào tạo, thiết kế các chương trình đào tạo phù hợp cho từng nhóm đối tượng cụ thể. Đối với doanh nghiệp sử dụng lao động, ngành du lịch cần chủ động trong việc định hướng, phát triển chính sách nhân sự bền vững. Tăng cường vai trò của Hiệp hội Du lịch tỉnh trong hoạt động đào tạo.

Theo Báo Cao Bằng

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×