Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Cao Bằng: Nâng cao chất lượng hướng dẫn viên du lịch

05/10/2020 | 13:44

Với mục tiêu xây dựng du lịch Cao Bằng phát triển bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ngành du lịch tỉnh đã và đang triển khai nhiều giải pháp, trong đó đặc biệt quan tâm công tác xây dựng và phát triển đội ngũ hướng dẫn viên (HDV) du lịch, hướng đến sự hài lòng cho du khách khi đến tham quan, trải nghiệm du lịch tại tỉnh.

Cao Bằng: Nâng cao chất lượng hướng dẫn viên du lịch - Ảnh 1.

Hướng dẫn viên Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó, xã Trường Hà (Hà Quảng) thuyết minh cho du khách.

Là một trong những điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh, hằng năm, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó, xã Trường Hà (Hà Quảng) đón hàng nghìn lượt khách đến tham quan. Sự tăng trưởng về số lượng khách du lịch kéo theo nhu cầu được hướng dẫn, thuyết minh về điểm đến này ngày càng lớn. Do đó, công tác chuẩn hóa đội ngũ thuyết minh viên đã được Ban Quản lý các di tích Quốc gia đặc biệt tỉnh thực hiện ngay từ khâu tuyển dụng. Trong quá trình hoạt động, các HDV được cập nhật thông tin, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ là những nội dung thuyết minh cơ bản trong khu vực di tích nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của du khách.

Giám đốc Ban Quản lý các di tích Quốc gia đặc biệt tỉnh Đào Văn Mùi cho biết: Hiện tổng số lao động du lịch trực tiếp tại các di tích Quốc gia đặc biệt có 46 người, trong đó, lao động làm công tác hướng dẫn, thuyết minh có 16 người, tất cả đều được đào tạo qua các trường cao đẳng, đại học thuộc các ngành du lịch, văn hóa, khoa học xã hội.

Ngoài việc quan tâm đến kỹ năng tuyên truyền, diễn giải truyền cảm và cách lựa chọn phương pháp, nội dung thuyết minh phù hợp với từng đối tượng, chúng tôi tạo điều kiện để đội ngũ hướng dẫn, thuyết minh được tham gia các lớp tập huấn du lịch nhằm nâng cao khả năng hướng dẫn, khả năng thuyết trình, đáp ứng cơ bản nhu cầu của du khách trong và ngoài nước.

Theo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VHTT&DL), toàn tỉnh hiện có 2.028 lao động du lịch trực tiếp, trong đó lao động làm công tác hướng dẫn du lịch chỉ chiếm khoảng 2,1%. Cụ thể, có 25 HDV (10 HDV du lịch quốc tế và 15 HDV du lịch nội địa) được Sở VHTT&DL cấp thẻ và quản lý.

Đa số HDV tốt nghiệp chuyên ngành du lịch có trình độ cao đẳng, đại học, còn lại tốt nghiệp các chuyên ngành khác nhưng đều được đào tạo và cấp chứng chỉ nghiệp vụ HDV du lịch. Song thực tế, đội ngũ HDV, thuyết minh viên trên địa bàn tỉnh còn thiếu về số lượng, nhất là số HDV thành thạo nhiều ngoại ngữ, do đó việc truyền tải, quảng bá những giá trị văn hóa, di tích, thắng cảnh đến với bạn bè và du khách quốc tế còn hạn chế.

Mặt khác, đặc thù khách du lịch đến tỉnh thường đi nhỏ lẻ nên nhu cầu sử dụng HDV tại chỗ không nhiều, dẫn tới đội ngũ này ở nhiều khu, điểm du lịch không có điều kiện hoạt động để trau dồi, rèn luyện nghề nghiệp cũng như tích lũy thêm kinh nghiệm.

Từng bước khắc phục những hạn chế, yếu kém, đưa hoạt động hướng dẫn vào nề nếp, thời gian qua, Sở VHTT&DL nỗ lực trong việc đào tạo, chuẩn hóa đội ngũ HDV bằng cách mở các lớp tập huấn HDV tại điểm dành cho HDV du lịch nội địa và quốc tế, bổ sung, cập nhật kiến thức chuyên môn, đủ tiêu chuẩn hành nghề theo quy định của Nhà nước, đáp ứng yêu cầu cấp đổi thẻ HDV du lịch khi hết hạn.

Thực tế cho thấy, du lịch Cao Bằng đã và đang góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tạo thêm nhiều việc làm và mở ra những cơ hội tìm kiếm đầu tư mới cho tỉnh nói chung và ngành du lịch nói riêng. Để nâng cao hơn nữa chất lượng đội ngũ HDV, ngành du lịch tỉnh cần định hướng cụ thể, rõ ràng nhu cầu phát triển nguồn nhân lực du lịch cho từng giai đoạn, nâng cao chất lượng đào tạo HDV du lịch tại tỉnh; tăng cường bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp, đạo đức nghề nghiệp cho HDV.

Bên cạnh đó, các điểm, khu du lịch và các công ty lữ hành tiếp tục quan tâm đào tạo đội ngũ thuyết minh viên, HDV, đặc biệt là nâng cao trình độ ngoại ngữ để phục vụ du khách nước ngoài. Ngoài ra, cần xây dựng cơ chế, chính sách thu hút, khuyến khích, tạo điều kiện để các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành trong và ngoài tỉnh đưa du khách về tỉnh, tạo cơ hội hoạt động, rèn luyện nâng cao trình độ cho đội ngũ HDV du lịch.

Điều 58 Luật Du lịch quy định để được hành nghề HDV du lịch quốc tế và HDV du lịch nội địa, người hành nghề phải có đồng thời 3 điều kiện sau: Có thẻ HDV du lịch; có hợp đồng lao động với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch hoặc là hội viên của tổ chức xã hội - nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch đối với HDV du lịch quốc tế và HDV du lịch nội địa; có hợp đồng hướng dẫn với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc văn bản phân công hướng dẫn theo chương trình du lịch (đối với HDV du lịch tại điểm, phải có phân công của tổ chức, cá nhân quản lý khu du lịch, điểm du lịch).


Theo Báo Cao Bằng

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×