Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Cao Bằng: Lợi nhuận kép từ du lịch trải nghiệm

10/11/2021 | 08:43

Với lợi thế về địa hình, phong cảnh, khí hậu, cây trồng, vài năm trở lại đây, trên địa bàn tỉnh xuất hiện các mô hình nông nghiệp gắn với du lịch trải nghiệm thu hút du khách gần xa. Điều này không chỉ góp phần nâng cao giá trị nông sản mà còn tạo việc làm, tăng thu nhập, thúc đẩy chuyển dịch sản xuất nông nghiệp thuần túy sang dịch vụ, mở ra hướng đi mới cho phát triển kinh tế ở địa phương.

Cao Bằng: Lợi nhuận kép từ du lịch trải nghiệm - Ảnh 1.

Các mô hình du lịch nông nghiệp kết hợp trải nghiệm góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho nhiều lao động.

Cách Thành phố khoảng 10 km, với diện tích rộng gần 2 ha, vườn nho Hạ đen của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Công nghệ xanh CAB tại xóm Đà Quận, xã Hưng Đạo đang là địa điểm thu hút du khách ở mọi lứa tuổi đến tham quan, trải nghiệm. Ông Đặng Nhật Quân, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Công nghệ xanh CAB cho biết: Giống nho Hạ đen được Công ty trồng từ tháng 4/2019, mỗi năm cho 2 vụ nho tháng 6 - 8 và tháng 10 - 12. Sản lượng trung bình từ 2 - 5 tấn/vụ, tạo việc làm cho 8 lao động thường xuyên với mức lương 4,5 triệu đồng/người/tháng.

Công ty bắt đầu mở cửa vườn nho đón khách từ cuối tháng 10/2020, mở cửa từ thứ Hai đến Chủ nhật. Khi đến tham quan, ngoài được thoải mái dạo chơi trong khu vườn trĩu quả, thỏa thích khám phá và thưởng thức nho tươi, du khách được những người làm vườn hướng dẫn cách thu hoạch và được tự tay cắt những chùm nho tươi ngon về thưởng thức hoặc làm quà cho bạn bè, người thân với mức giá 150.000 đồng/kg. Trung bình mỗi ngày vườn nho đón khoảng hơn 100 lượt khách, ngày cuối tuần từ 300 - 400 lượt khách và bán hơn 1 tạ nho/ngày.

Anh Hoàng Văn Tuấn (Thành phố) cho biết: Thấy mọi người chia sẻ trên Facebook nên tôi đưa cả gia đình lên đây chơi. Vườn nho rộng, thoáng mát, nho trĩu quả, nhiều màu sắc, là bối cảnh để chụp những bức ảnh đẹp. Bé nhà tôi rất hào hứng khi có cơ hội được trải nghiệm thu hoạch nho, tôi thấy địa điểm này phù hợp với những gia đình có con nhỏ.

Khu du lịch sinh thái Công ty TNHH Kolia - Kolia Organic Farm có quy mô 40 ha trồng nhiều loại cây phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng như: chè chất lượng cao, cải bắp, su su, rau bí và các loại hoa ôn đới... Mô hình được khách các tỉnh ưa chuộng, số lượng khách đến tăng dần. Dịp cao điểm, Khu du lịch sinh thái Kolia thu hút hơn 1.000 lượt khách/ngày. Du khách đến đây có thể thỏa sức nhìn ngắm phong cảnh nguyên sơ, hít thở không khí trong lành, tìm hiểu về lịch sử, nguồn gốc cây chè, trải nghiệm tự hái chè, sao chè, đóng gói, thưởng thức những món ngon từ lá chè…

Cao Bằng có phong cảnh sơn thủy hữu tình, còn nhiều diện tích đất nông nghiệp thích hợp phát triển nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao, kết hợp phát triển du lịch. Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh có nhiều đơn vị, cá nhân đầu tư, phát triển mô hình du lịch nông nghiệp, mang đến trải nghiệm thú vị cho du khách. Tiêu biểu như: hành trình khám phá vườn hạt dẻ, thu hoạch hạt dẻ; trải nghiệm gặt lúa, bắt cá tại làng du lịch cộng đồng Khuổi Ky, xã Ðàm Thủy; trải nghiệm hái quả trong vườn quýt ở xã Quang Hán (Trùng Khánh); các mô hình tham quan, hái dâu ở vườn dâu tây xã Hưng Ðạo (Thành phố)...thu hút đông đảo khách trong và ngoài tỉnh đến trải nghiệm, khám phá.

Cao Bằng: Lợi nhuận kép từ du lịch trải nghiệm - Ảnh 2.

Trẻ em tham quan, trải nghiệm vườn nho Hạ đen tại xóm Đà Quận, xã Hưng Đạo (Thành phố).

Du lịch nông nghiệp là nguồn tài nguyên vô tận để tạo ra các sản phẩm hấp dẫn khi biết tổ chức và khai thác, ngoài yếu tố thiên nhiên, đây còn là sản phẩm của trí tuệ và kinh nghiệm của chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người dân trong việc đầu tư, phát triển các làng nông nghiệp truyền thống, các trang trại trải nghiệm sản phẩm nông nghiệp đặc trưng. Các mô hình du lịch nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đều phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho nhiều lao động địa phương. Đồng thời, sự kết hợp giữa nông nghiệp với du lịch cũng tạo ra cơ hội quảng bá, đầu ra tại chỗ cho sản phẩm nông nghiệp và tạo thêm sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, thân thiện với môi trường...

Tuy nhiên, để tạo thuận lợi thu hút đầu tư, phát triển du lịch nông nghiệp địa phương hiệu quả, bền vững, các cơ sở du lịch nông nghiệp trên địa bàn cần thực hiện và tuân thủ các quy định của Luật Ðất đai, Luật Du lịch, thực hiện nghiêm các quy định đối với việc thu phí, lệ phí. Mặt khác, cần lựa chọn cây trồng phù hợp, áp dụng quy trình sản xuất an toàn, khai thác được các giá trị về di tích, cảnh quan, phong tục, tập quán, văn hóa của người dân địa phương…

Du lịch nông nghiệp trải nghiệm đã và đang đem lại hiệu quả bước đầu, phát triển đúng hướng, từng bước đa dạng hóa sản phẩm du lịch, góp phần xây dựng thương hiệu "Du lịch Non nước Cao Bằng" mang đậm bản sắc văn hóa và dấu ấn riêng của thiên nhiên, con người Cao Bằng.

Theo Báo Cao Bằng

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×