Cao Bằng: Khai thác văn hóa ẩm thực để phát triển du lịch
04/05/2022 | 08:52Văn hóa ẩm thực có vai trò nhất định trong hoạt động xúc tiến, quảng bá hình ảnh, phát triển du lịch địa phương. Ẩm thực không chỉ đơn thuần đóng vai trò phục vụ nhu cầu ăn uống mà trở thành mục đích của du khách trong hành trình khám phá, thưởng thức những hương vị truyền thống đặc sắc.
Văn hóa ẩm thực độc đáo
Non nước Cao Bằng nổi tiếng với những di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh đẹp tự nhiên và luôn ghi dấu ấn trong lòng du khách bởi nhiều món ăn ngon cùng nền ẩm thực phong phú, đa dạng. Văn hóa ẩm thực nơi đây là sự kết hợp đan xen, hài hòa giữa ẩm thực dân tộc truyền thống, ẩm thực đường phố và ẩm thực các vùng, miền.
Ẩm thực dân tộc là bức tranh đa màu sắc, thể hiện nét riêng về tín ngưỡng, phong tục, tập quán của đồng bào vùng cao. Những sản vật gắn liền với điều kiện tự nhiên, đời sống, sản xuất và tính chất mùa vụ. Đặc biệt, văn hóa ẩm thực dân tộc Tày, Nùng còn thể hiện sự tinh tế, khéo léo và ẩn chứa giá trị nghệ thuật. Mảnh đất Cao Bằng gạo trắng, nước trong với nhiều món ăn ngon, đủ để gây thương nhớ cho du khách. Khi nói về các sản vật quý của miền sơn cước, chắc hẳn ai cũng biết đến hạt dẻ Trùng Khánh ngọt thơm, bùi ngậy, dù chế biến luộc, rang, sấy hoặc ninh với chân giò, thịt gà vẫn giữ nguyên hương vị. Góp thêm phần hấp dẫn còn có món lợn sữa quay mác mật, vịt quay 7 vị nổi tiếng hay món bánh khẩu sli, bánh khảo ngọt ngào. Ngoài ra, còn nhiều món ăn trứ danh khác như: phở chua, xôi ngũ sắc, bánh cuốn, lạp sườn hun khói, xôi trám đen, xôi hạt dẻ, thạch đen… cùng các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng: hạt dẻ Trùng Khánh, miến dong Phja Đén, chè tiên Kolia, gạo nếp Hương Bảo Lạc, đường phên Bó Tờ…
Ẩm thực đường phố với những món ăn không quá cầu kỳ, sang trọng nhưng luôn tạo được sự hứng thú, ấn tượng đối với du khách. Chỉ cần bước ra đường, “sà” vào bất kỳ quán ăn nào mình muốn, hương vị ẩm thực đường phố Cao Bằng chắc chắc sẽ khiến du khách không thể nào quên. Bánh áp chao nóng hổi, vàng ruộm chấm với nước giấm chua ngọt kèm đu đủ bào mỏng, bánh mì pate giòn tan thêm chút rau thơm, dưa chuột thái lát và tương ớt cay đầu lưỡi, chân gà nướng thơm lừng, đậm vị, hay các món bánh tẻ, bánh đúc nóng, bánh cao chằng thơm ngon, lạ miệng..., tất cả tạo nên sự đa dạng, độc đáo riêng biệt.
Với sự phát triển, hội nhập và giao thoa văn hóa, ẩm thực Cao Bằng có điều kiện hội tụ tinh hoa của cả ba miền Bắc - Trung - Nam. Hương vị bún chả, bánh cuốn Hà Nội, bánh xèo miền Trung, bánh tráng nướng, cơm tấm, chè Sài Gòn, lẩu cá kèo, trứng chén nướng miền Tây… đã “ghi điểm” và được người dân địa phương lẫn khách du lịch yêu thích. Ngoài ra, các món ăn đại diện cho nền ẩm thực nước ngoài như: cơm cuộn, kim chi, đồ nướng Hàn Quốc, sushi Nhật Bản, pizza, mỳ Ý, đồ nướng Trung Hoa… cũng đóng góp vào sự phong phú của ẩm thực phố núi.
Sản phẩm du lịch hấp dẫn
Ẩm thực là một trong những sản phẩm chiến lược để thu hút du khách. Du lịch ẩm thực đang trở thành xu hướng mới trên thế giới. Bên cạnh việc mang đến những trải nghiệm vị giác khác lạ, ẩm thực còn giúp du khách cảm nhận được nét độc đáo của văn hóa bản địa, tạo ấn tượng về các điểm đến. Ngoài những thông tin cần thiết như: cảnh quan, dịch vụ lưu trú, phương tiện di chuyển, điều kiện giao thông, nhiều du khách rất quan tâm đến ăn món gì ngon, địa điểm ăn uống phù hợp với hành trình du lịch. Du lịch ẩm thực là cơ hội lớn để thúc đẩy kinh tế, tạo điều kiện gia tăng chuỗi giá trị trong nông nghiệp, sản xuất và chế biến thực phẩm để quảng bá hình ảnh của địa phương đến gần hơn với du khách gần xa.
Thời gian gần đây, việc phát huy giá trị ẩm thực bản địa vào hoạt động du lịch bắt đầu được các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp du lịch lữ hành quan tâm đầu tư. Một số khách sạn, nhà nghỉ, homestay trên địa bàn đã kết nối dịch vụ lưu trú với dịch vụ ẩm thực, hệ thống nhà hàng, quán ăn, quán cà phê. Đặc biệt, ngay tại thành phố Cao Bằng đã hình thành tour du lịch ẩm thực với hành trình khám phá, trải nghiệm phố đi bộ - chợ ẩm thực tại Phố đi bộ Kim Đồng, phường Hợp Giang vào thứ Sáu, thứ Bảy hằng tuần. Du khách có dịp hòa mình vào những hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian thú vị, thưởng thức món ăn truyền thống và chọn mua các loại đặc sản. Anh Mai Đình Giang, du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: Ẩm thực Cao Bằng có nhiều món ăn mới lạ, lần đầu tiên tôi được nếm thử. Tôi rất thích hương vị hạt dẻ, thạch đen, rượu ngô men lá và dự định mua về làm quà tặng người thân, bạn bè.
Phát triển du lịch cộng đồng là cơ hội tốt nhất để giá trị văn hóa ẩm thực được phát huy. Khi khách du lịch đến trải nghiệm homestay, những chủ nhà hiếu khách luôn sẵn lòng chế biến các món ăn đặc sản địa phương phục vụ du khách. Chị Mạc Thị Khon, chủ Quang Thuận homestay, làng đá Khuổi Ky, xã Đàm Thủy (Trùng Khánh) cho biết: Để đáp ứng nhu cầu tham quan của du khách, đặc biệt là khách nước ngoài, người Tày ở làng Khuổi Ky đã nỗ lực học tập, thay đổi tư duy làm du lịch. Trong đó, chú trọng khâu chế biến, giới thiệu các món ăn dân tộc, đảm bảo lịch sự, chu đáo, bày biện đẹp mắt. Các đoàn khách du lịch đến đây rất thích thú khi được nếm thử món ăn ngon trong không gian văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc, lắng nghe điệu Then, đàn tính du dương.
Tuy nhiên, đánh giá một cách tổng thể thì các sản phẩm ẩm thực mang thương hiệu Cao Bằng chưa thực sự phát huy giá trị tương xứng. Du lịch ẩm thực tại tỉnh ta giàu tiềm năng nhưng chưa tạo được dấu ấn rõ nét. Ẩm thực truyền thống hay các món đặc sản dân tộc được sản xuất nhiều trong mùa vụ, dịp Tết, lễ hội. Hầu hết món ăn được nhiều du khách biết đến chỉ chế biến theo quy mô nhỏ tại quán ăn, nhà hàng, điểm lưu trú có phục vụ ăn uống. Việc tổ chức các hoạt động chuyên biệt về ẩm thực như lễ hội văn hóa ẩm thực, hội chợ ẩm thực, cuộc thi ẩm thực giữa các nhà hàng, đầu bếp… chưa được chú trọng và thực hiện quy mô.
Để định vị thương hiệu du lịch từ ẩm thực, cần phát triển những sản phẩm du lịch ẩm thực liên kết theo mô hình “từ trang trại đến bàn ăn” để du khách hòa mình vào cuộc sống đời thường sinh động của người dân bản địa. Đồng thời, xây dựng chiến dịch quảng bá rộng rãi về văn hóa ẩm thực địa phương thông qua các kênh truyền hình, Internet, mạng xã hội, ấn phẩm du lịch, những sự kiện văn hóa, du lịch, hội chợ triển lãm trong và ngoài nước…