Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Cao Bằng: Hiệu quả từ xã hội hóa thể dục thể thao

01/10/2018 | 16:25

Những năm gần đây, phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” trên địa bàn tỉnh có những bước chuyển biến tích cực cả về số lượng và chất lượng, góp phần không nhỏ làm nên thành tích chung của thể thao Cao Bằng.

Bên cạnh sự đầu tư của các cấp, ngành, ngày càng có nhiều tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động xã hội hóa thể dục thể thao (TDTT), thúc đẩy phong trào TDTT phát triển sâu rộng.

Sân cỏ nhân tạo (SCNT) phục vụ môn bóng đá là một trong lĩnh vực XHH thể thao được nhiều tổ chức, cá nhân quan tâm đầu tư. 5 năm trở lại đây, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh đã đầu tư xây dựng gần 20 SCNT với kinh phí hàng chục tỷ đồng. Ông Phạm Văn Ngọc, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Ngọc Hòa, chủ SCNT Ngọc Hòa, cho biết: Vốn đam mê môn bóng đá, lại thấy từ trước năm 2013, ở Thành phố chỉ có 1 sân vận động, các em học sinh, thanh niên địa phương không có nơi tập luyện bóng đá nên quyết định đầu tư hơn 2 tỷ đồng xây dựng 3 SCNT. Bình quân mỗi ngày, sân bóng của tôi thu hút khoảng hơn 100 người tham gia tập luyện và thi đấu giao hữu. 

Anh Nông Văn Thành, phường Sông Hiến (Thành phố) thường xuyên tham gia đá bóng giao hữu, chia sẻ: Từ khi có SCNT giúp tôi và nhiều thanh niên thỏa đam mê chơi bóng. Nếu không có SCNT của những doanh nghiệp, cá nhân đầu tư thì rất khó tìm ra địa điểm chơi bóng thường xuyên cho tôi. Mong thời gian tới sẽ có thêm nhiều SCNT để đáp ứng nhu cầu chơi môn bóng đá ngày càng cao của thanh thiếu niên trong tỉnh.

Cùng với sự đầu tư xây dựng các sân thể thao, hiện nay, lĩnh vực XHH tổ chức các giải đấu thể thao được các cơ quan, đơn vị tham gia thực hiện. Các cơ quan, đơn vị đứng ra tổ chức, kêu gọi các nhà tài trợ giải đấu để tổ chức các môn thể thao yêu thích. Điển hình như Giải Việt dã tranh cúp Báo Cao Bằng; giải cầu lông tranh Cúp Phát thanh - Truyền hình Cao Bằng; các giải quần vợt, bóng bàn, bóng chuyền hơi, bóng đá… với kinh phí XHH từ vài chục triệu đồng đến vài trăm triệu đồng mỗi giải đấu. Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nhờ đa dạng XHH sân chơi thể thao, nhất là việc tổ chức các hoạt động XHH TDTT đã huy động được nhiều doanh nghiệp, cá nhân đầu tư xây dựng sân chơi thể thao mới, có mức đầu tư cao như sân quần vợt, bể bơi, SCNT, các phòng tập thể dục thẩm mỹ, thể hình… với kinh phí đầu tư từ hàng trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng. Toàn tỉnh hiện có hàng trăm sân chơi TDTT, 75 CLB TDTT cơ sở bố trí rộng khắp địa bàn tỉnh được khai thác, sử dụng triệt để công năng, góp phần đáp ứng nhu cầu giải trí, vui chơi, rèn luyện TDTT cho nhân dân, đưa số người luyện tập TDTT thường xuyên hiện nay lên 25%, tỷ lệ gia đình luyện tập TDTT thường xuyên chiếm 15%. 

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Ngọc Văn Chắn cho biết: Thời gian tới, ngành tiếp tục tham mưu cho tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, các cơ chế, chính sách của Nhà nước về XHH TDTT, làm cho mọi người, đặc biệt là cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng có nhận thức sâu sắc và đầy đủ về công tác XHH trong lĩnh vực TDTT. Kịp thời động viên, khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác XHH, đồng thời rút kinh nghiệm và nhân rộng các mô hình tiêu biểu. Cùng với đó, ngành cũng đang tạo mọi điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân hình thành các cơ sở TDTT ngoài công lập và thành lập các hội về TDTT. Từ đó, tạo điều kiện cho các tầng lớp xã hội, nhất là đối với người nghèo, các đối tượng chính sách, người dân khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được nâng cao mức hưởng thụ, tập luyện TDTT.

Theo baocaobang.vn

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×