Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Cao Bằng: Du lịch xanh - Xu hướng phát triển bền vững

26/07/2023 | 09:00

Trước bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra trên phạm vi toàn cầu, du lịch xanh có trách nhiệm với môi trường đang trở thành xu hướng của thời đại. Với lợi thế, tiềm năng sẵn có, Cao Bằng chú trọng phát triển du lịch xanh, bền vững; du lịch dựa vào cộng đồng, tôn trọng giá trị tự nhiên, lịch sử, văn hóa của địa phương.

Cao Bằng: Du lịch xanh - Xu hướng phát triển bền vững - Ảnh 1.

Cao Bằng chú trọng phát triển du lịch xanh, bền vững, tôn trọng các giá trị tự nhiên, lịch sử, văn hóa của địa phương.

Từ trào lưu “sống xanh” trong cuộc sống hiện đại, ngày càng có nhiều người muốn tìm đến những địa điểm thân thiện với môi trường, được nghỉ ngơi, thư giãn và bảo đảm sức khỏe, tinh thần. Những chuyến trải nghiệm ở nơi rừng núi, sông, suối, bản làng xa xôi giúp du khách khám phá nhiều điều mới mẻ, thêm yêu quê hương, đất nước và văn hóa của các vùng miền.

Du lịch xanh có thể hiểu là du lịch có trách nhiệm với môi trường tự nhiên; thông qua hoạt động du lịch góp phần bảo tồn, gìn giữ văn hóa bản địa; tạo việc làm và cải thiện sinh kế cho người dân địa phương. Du lịch xanh được coi là “kim chỉ nam” cho phát triển du lịch bền vững khi tài nguyên du lịch được khai thác hợp lý, tăng trưởng gắn với bảo vệ môi trường. Đồng thời, giúp nâng cao dân trí và sức khỏe cộng đồng thông qua các hoạt động tuyên truyền, giáo dục môi trường, văn hóa lịch sử và nghỉ ngơi, giải trí.

Tham chiếu vào khái niệm du lịch xanh ấy, nhìn về mảnh đất Cao Bằng với đầy đủ mọi tiềm năng, lợi thế. Cảnh quan núi đá vôi trùng điệp, thung lũng, hang động, dòng sông, hồ nước xanh ngát, các hóa thạch, trầm tích biển… tạo nên sự độc đáo của Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng, nơi du khách có thể tìm hiểu lịch sử địa chất trên 500 triệu năm của trái đất. “Viên ngọc xanh” vùng Đông Bắc của Tổ quốc còn chứa đựng nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể giá trị; nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như: thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, núi Mắt Thần, hồ Thang Hen, Vườn Quốc gia Phja Oắc - Phja Đén… Mỗi bản làng đều là điểm dừng chân lý tưởng cho những du khách ưa thích khám phá thiên nhiên, trải nghiệm, tìm hiểu nền văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc.

Những năm gần đây, ngành du lịch tỉnh có bước phát triển đáng kể, trong đó, số lượng khách du lịch ngày càng gia tăng; các khu, điểm du lịch, cơ sở dịch vụ du lịch được mở rộng cả về số lượng và quy mô. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của hoạt động du lịch cũng ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường tự nhiên, môi trường xã hội, do đó, phát triển du lịch xanh, du lịch có trách nhiệm với môi trường là giải pháp cần thiết để hướng tới sự bền vững. Trưởng Phòng Quản lý nghiệp vụ du lịch Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nông Thị Tuyến cho biết: Để du lịch phát triển bền vững, việc tạo dựng môi trường du lịch xanh - sạch - đẹp, an toàn, thân thiện với du khách là một trong những yếu tố có tính quyết định. Hiện nay, tỉnh đang hoàn thiện chính sách quản lý và khuyến khích đầu tư phát triển du lịch sinh thái, du lịch xanh; định hướng phát triển du lịch theo hướng bền vững; triển khai đề án xây dựng hệ thống xử lý, phân loại rác thải tại các khu, điểm du lịch... Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ di sản địa chất, di sản văn hóa, cảnh quan thiên nhiên và môi trường trên địa bàn tỉnh. Tập trung tuyên truyền, tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của người dân, khách du lịch về bảo vệ môi trường du lịch; đa dạng các hình thức quảng bá văn hóa truyền thống, văn hóa ứng xử.

Các khu, điểm du lịch đều có nhà vệ sinh công cộng và đầu tư thùng rác các loại; thành lập đội vệ sinh môi trường chuyên cắt tỉa, chăm sóc cây xanh, thu gom, vận chuyển rác từ các điểm du lịch đến nơi tập kết rác thải. Khuyến khích các nhà hàng, khách sạn, homestay sử dụng công nghệ xanh, vật liệu thân thiện môi trường, tiết kiệm nhiên liệu. Việc xây dựng những cơ sở lưu trú phải đảm bảo đúng quy định, không phá vỡ cảnh quan môi trường xung quanh. Quan tâm đầu tư phát triển các loại hình du lịch sinh thái, trải nghiệm, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp; trồng các tuyến đường hoa đào, hoa trạng nguyên, hoa ban…

Cao Bằng: Du lịch xanh - Xu hướng phát triển bền vững - Ảnh 2.

Du khách hòa mình vào thiên nhiên tại Cao Bằng.

Chị Nguyễn Kim Phương, chủ Tày’s Homestay, làng đá Khuổi Ky, xã Đàm Thủy (Trùng Khánh) chia sẻ: Homestay của tôi ưu tiên sử dụng các sản phẩm, vật dụng làm từ đá, gỗ, mây, tre, nứa. Bên cạnh đó, tôi vận động bà con trong làng khôi phục nghề thủ công đan lát truyền thống, trước tiên tập trung vào bện ghế rơm và đan nón lá người Tày. Du khách đến lưu trú, trải nghiệm tại đây được hòa mình với cuộc sống của bà con địa phương; tham gia các hoạt động thú vị, gần gũi với tự nhiên như gặt lúa, hái măng, bắt cá…

Anh Lý Đạo Huy, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Cao Bằng Travel bày tỏ: Một số nơi làm dịch vụ du lịch vẫn chưa chú trọng đưa ra những biển báo, thông điệp bảo vệ môi trường đối với khách du lịch, hoặc nếu có thì rất ít, chưa đúng trọng tâm. Vì vậy, muốn phát triển du lịch xanh cần phải tuyên truyền để người làm du lịch cũng như du khách “xanh” ngay từ trong ý thức. Đến với mỗi điểm tham quan, cắm trại, hướng dẫn viên của công ty đều nhắc nhở khách không xả rác bừa bãi, không hái hoa, bẻ cành, phá hoại cảnh quan.

Có thể nói, sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và tinh thần chủ động của các thành phần tham gia du lịch, từ chính quyền địa phương, doanh nghiệp tới cộng đồng, du khách chính là tiền đề cơ bản để phát triển du lịch xanh ở miền Non nước Cao Bằng.

Theo Báo Cao Bằng

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×