Cao Bằng: Di tích lịch sử, văn hóa - nguồn lực để phát triển du lịch
08/02/2022 | 15:11Là mảnh đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, giữ vị trí trọng yếu nơi biên cương Tổ quốc, ngay từ thời kỳ đầu dựng nước, Cao Bằng là “phên dậu” vững chắc của cả nước, là vùng đất “địa linh nhân kiệt”. Cao Bằng được biết đến với nhiều danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp, mang đậm nét hoang sơ, hệ thống hang động cùng kho tàng văn hóa phi vật thể phong phú, các di sản địa chất độc đáo có giá trị quốc tế không chỉ về mặt nghiên cứu khoa học, mà còn có giá trị rất lớn về phát triển du lịch.
Tài nguyên phát triển du lịch
Cùng với nhiều tài nguyên du lịch khác thì hệ thống di tích lịch sử, văn hóa được xác định là một trong những yếu tố quan trọng tạo cơ sở để khai thác xây dựng các sản phẩm du lịch mang nhiều nét độc đáo, đặc trưng riêng của địa phương để thu hút khách du lịch. Đó còn là những địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng, bồi đắp tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ, góp phần phát triển ngành du lịch.
Hiện nay, toàn tỉnh có 215 di tích, trong đó có 3 di tích quốc gia đặc biệt, 25 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 68 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Các khu di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó (Hà Quảng), rừng Trần Hưng Đạo (Nguyên Bình), địa điểm Chiến thắng Biên giới năm 1950 (Thạch An) là những di tích lịch sử có giá trị đặc biệt quan trọng, gắn liền với sự nghiệp hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và sự trưởng thành, phát triển của Quân đội nhân dân Việt Nam. Bên cạnh đó, các di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu khác như: thành nhà Mạc, đền vua Lê, chùa Đống Lân, chùa Đà Quận…; những di tích lịch sử, văn hóa khảo cổ thành cổ Na Lữ, Phục Hòa, cố đô Cao Bình, các di chỉ khảo cổ Ngườm Bốc, Ngườm Vài... là những nét văn hóa độc đáo, tiềm năng du lịch hấp dẫn của vùng đất cổ Cao Bằng.
Hà Quảng là huyện nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh, có nhiều di tích lịch sử cách mạng, địa chỉ đỏ như: Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó, Khu di tích lịch sử Kim Ðồng, điểm di tích hang Phja Nọi, di tích Lũng Loỏng, Nà Sác (Trường Hà), Ngườm Gảng, Khuổi Slấn (xã Ngọc Đào), Phja Toọc (thị trấn Thông Nông)… Những năm gần đây, một số hạng mục công trình, dự án tại các điểm di tích được Nhà nước đầu tư, trùng tu, tôn tạo. Xây dựng hoàn thành các điểm di sản văn hóa Công viên địa chất Non nước Cao Bằng. Công tác tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá hình ảnh được huyện quan tâm thực hiện.
Bên cạnh việc phát huy truyền thống cách mạng, địa phương chú trọng, nâng cao ý thức bảo vệ, phát huy các giá trị di tích lịch sử, văn hóa truyền thống của dân tộc trong cộng đồng. Đến đây, du khách có thể cảm nhận được tình đoàn kết, nồng hậu, chân chất, mến khách của người dân miền non nước hữu tình. Chị Bàn Thị Mơ, du khách tỉnh Bắc Kạn chia sẻ: Khi đến tham quan tại Hà Quảng, đặc biệt là các khu di tích, ngoài được hòa mình vào cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, nhiều màu sắc, tôi hiểu hơn về công lao vĩ đại của Bác Hồ với công cuộc đấu tranh cách mạng, giải phóng dân tộc và càng yên mến hơn mảnh đất này.
Hòa An cũng là một trong những địa phương có nhiều di tích văn hóa, lịch sử cách mạng với 64 di tích, nằm trên địa bàn các xã: Hoàng Tung, Hồng Việt, Nam Tuấn, Trương Lương, Bạch Đằng, Dân Chủ. Cùng với đó, loại hình di sản văn hóa phi vật thể đang được bảo tồn như: hát Then, đàn tính, hát quan lang tại xã Nam Tuấn, Lễ hội đền vua Lê, đền Dẻ Đoóng... Với những giá trị về địa chất, lịch sử, văn hóa bản sắc, huyện được công nhận các điểm: đền Dẻ Đoóng, hang Ngườm Bốc (Hồng Việt), đền vua Lê, hang Ngườm Slưa, vườn đá xã Hoàng Tung,… trong vùng Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng.
Quan tâm gìn giữ, bảo tồn di tích gắn phát triển du lịch
Những năm qua, các cấp, ngành của tỉnh quan tâm, chú trọng công tác quản lý, bảo tồn, tu bổ, nghiên cứu, nâng tầm giá trị di tích. Xác định rõ vai trò, trách nhiệm, quyền hạn cụ thể từ tỉnh đến cơ sở; thành lập Ban Quản lý di tích tỉnh; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là hướng dẫn viên, tăng sức hấp dẫn của di tích để phát triển du lịch; chỉ đạo chặt chẽ công tác trông coi, bảo vệ, gìn giữ cơ sở vật chất, di vật, cổ vật thuộc khu di tích; yêu cầu theo dõi hiện trạng và kịp thời báo cáo cấp trên khi có hư hỏng, xuống cấp để trùng tu, khắc phục. Quá trình tôn tạo thực hiện đúng quy định của pháp luật dưới sự kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng, bảo đảm không làm ảnh hưởng đến quy mô và giá trị vốn có của di tích. Từ đó nhiều di tích được trùng tu, tôn tạo khang trang, sạch đẹp.
Đẩy mạnh nắm bắt thông tin, tình hình của các di tích thông qua các hoạt động nghiệp vụ như: khảo sát, kiểm kê lập danh mục hệ thống di tích trên địa bàn, nghiên cứu lựa chọn những di tích có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, khoa học, quân sự…; lập hồ sơ lý lịch, khoanh vùng bảo vệ và đề nghị các cấp có thẩm quyền xếp hạng nhằm tạo ra hành lang pháp lý và khoa học trong việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích.
Song song với việc bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa, hằng năm, các địa phương triển khai các hoạt động bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của quê hương thông qua việc tổ chức lễ hội gắn với các di tích; sưu tầm, phục hồi các trò chơi dân gian. Hầu hết các lễ hội được tổ chức đúng quy định; các nghi thức trong lễ hội diễn ra tiết kiệm, phù hợp với thuần phong, mỹ tục của địa phương.
Tuy còn nhiều khó khăn, song tỉnh đã và đang phát huy hiệu quả nguồn tài nguyên phục vụ phát triển du lịch, góp phần làm thay đổi diện mạo du lịch tỉnh, bước đầu phục vụ tốt nhu cầu tham quan, trải nghiệm của du khách và nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của các tầng lớp nhân dân.
Năm 2022, ngành văn hóa, thể thao và du lịch tiếp tục bám sát sự chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh để thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm theo kế hoạch. Chú trọng tận dụng tối đa các nguồn lực xã hội để phát triển toàn diện, bền vững các lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch. Tập trung tham mưu thu hút các nhà đầu tư chiến lược, xây dựng hạ tầng theo hướng đồng bộ đa chức năng tại 3 di tích quốc gia đặc biệt, các danh thắng quốc gia, vùng Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng gắn với bản sắc văn hóa dân tộc.
Nghiên cứu, khảo sát, đánh giá đúng thực trạng các di tích lịch sử, văn hóa, trên cơ sở đó xây dựng quy hoạch tổng thể bảo vệ và phát huy giá trị di tích một cách khoa học. Từng bước đầu tư có hiệu quả để trùng tu, tôn tạo, quản lý, khai thác, phát huy các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh; làm tốt việc sưu tầm, bảo quản tài liệu, hiện vật; xử lý các nguồn thải gây ô nhiễm môi trường di tích. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong bảo tồn, phát huy giá trị di tích. Tuyên truyền, giáo dục trong các tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm bảo vệ di tích, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong cộng đồng.