Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Cao Bằng: Đẩy mạnh phong trào xây dựng nếp sống văn minh

02/05/2019 | 11:50

Phong trào xây dựng đời sống văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang trên địa bàn tỉnh Cao Bằng những năm vừa qua đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, được nhân dân đồng tình hưởng ứng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Cao Bằng: Đẩy mạnh phong trào xây dựng nếp sống văn minh - Ảnh 1.

Đám cưới được tổ chức theo nếp sống mới với tinh thần văn minh, tiết kiệm.

Với quyết tâm xây dựng đời sống văn hóa mới trong cộng đồng dân cư, việc triển khai thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh trong việc cưới, việc tang luôn được các cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện và mang lại hiệu quả thiết thực. Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội thường xuyên triển khai các hoạt động tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang gắn với việc thực hiện đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách đạo đức Hồ Chí Minh; phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"; Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh". Đồng thời, nắm bắt tình hình, xử lý những khó khăn, bức xúc mới nảy sinh ở cơ sở; nêu gương, nhân rộng mô hình hay, việc làm thiết thực của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên; kịp thời phê phán những hiện tượng tiêu cực, hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan và các tệ nạn xã hội.

Đẩy mạnh việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, mỗi xóm, khu dân cư đều tập trung triển khai xây dựng hương ước, quy ước, coi đây là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá thi đua, khen thưởng hằng năm. Vì vậy, việc tổ chức lễ cưới được nhân dân tổ chức đúng quy định Luật Hôn nhân và Gia đình, tình trạng thách cưới, tảo hôn đã giảm đáng kể. Lễ cưới có xu hướng đơn giản hóa các thủ tục, nghi lễ, rút gọn thời gian nhưng vẫn đảm bảo vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm, phù hợp với phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc.

Cán bộ, công chức, viên chức không đi dự lễ cưới trong giờ làm việc. Nhiều gia đình sử dụng trang phục truyền thống trong lễ cưới… Việc tang được tổ chức với những nghi lễ đơn giản nhưng vẫn giữ được tính trang nghiêm, chu đáo, phù hợp với truyền thống đạo lý dân tộc, bảo đảm quy định vệ sinh môi trường và trật tự an toàn xã hội. Trong tang lễ không mở loa đài, kèn trống quá công suất và quá giờ quy định.   

Ông Đinh Văn Từ, Trưởng Ban công tác Mặt trận xóm Bản Là, xã Đức Long (Thạch An) chia sẻ: Bản Là có 75 hộ, 180 nhân khẩu. Nhiều năm nay, xóm không còn tồn tại những hủ tục lạc hậu, việc cưới, việc tang đều được tổ chức theo nếp sống mới. Thực tế trước đây, nhà nào có việc cưới hoặc tang đều tổ chức ăn uống linh đình tốn kém, thủ tục rườm rà kéo dài nhiều ngày liền. Từ ngày được tuyên truyền về thực hiện văn minh trong việc cưới việc tang, bà con đã dần có sự chuyển biến, ý thức tiết kiệm, đổi mới nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc.

Bí thư Đảng ủy xã Đức Long (Thạch An) Hà Thế Lâm cho biết: Để tạo được sự đồng thuận trong nhân dân, hằng năm ở các xóm đều xây dựng và chỉnh sửa quy ước, hương ước phù hợp với tiêu chí xây dựng nông thôn mới; lấy các nội quy làm cơ sở tiêu chuẩn bình xét các danh hiệu gia đình văn hóa, làng văn hóa; tổ chức cho nhân dân đăng ký, ký cam kết thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang. Cùng với đó là nêu cao vai trò gương mẫu "Cán bộ đi trước, làng nước theo sau"... Khó khăn buổi đầu là vậy nhưng đến nay đã trở thành nếp sống mới trong mỗi người dân. Các đám tang đều do đại diện thôn, xóm phối hợp với các đoàn thể tổ chức.

Việc triển khai thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh trong việc cưới, việc tang góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong cộng đồng dân cư, đáp ứng được nguyện vọng của quần chúng nhân dân, góp phần xây dựng nếp sống văn minh, tiến bộ và đã tạo thành phong trào. Xây dựng đời sống văn hóa mới trong cộng đồng dân cư đạt được những kết quả tốt, năm 2018 toàn tỉnh có 103.488 gia đình đạt danh hiệu văn hóa, đạt 83,6%; 1.338 xóm, tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa, đạt 53,8%.

Tuy nhiên, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang vẫn còn tồn tại không ít khó khăn. Do quan niệm cưới hỏi là một trong ba việc lớn của đời người nên vẫn có tư tưởng phải làm sao cho cầu kỳ, long trọng. Nhiều gia đình ở Thành phố tổ chức đám cưới phô trương, dựng rạp lấn chiếm vỉa hè, lề đường. Hình thức tổ chức lễ cưới theo nếp sống mới, hiện đại, như cha mẹ báo hỷ, tổ chức tiệc ngọt trong lứa tuổi thanh niên; tổ chức đám cưới tập trung… chưa được thực hiện phổ biến. Một số gia đình để thi hài người chết quá giờ quy định, kèn, trống gây ồn ào khu dân cư; giấy vàng mã rãi quá nhiều, làm mất mỹ quan, ô nhiễm môi trường…

Thiết nghĩ, để có thể thay đổi tập quán, thói quen đã ăn sâu vào tiềm thức con người qua nhiều thế hệ không phải chuyện một sớm một chiều. Sự quan tâm, vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và sự ủng hộ của quần chúng nhân dân là biện pháp hữu hiệu nhất để đưa việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang đạt hiệu quả cao, bền vững. Cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến và tổ chức thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội gắn với việc xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa. Tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời ngăn chặn, phê phán những biểu hiện cổ hủ, xa hoa lãng phí, hiếu danh, vụ lợi…

Theo baocaobang.vn

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×