Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Cao Bằng: Danh hiệu UNESCO vươn mình trong nhịp xuân mới

04/02/2025 | 08:35

Bước vào xuân mới năm 2025, hai danh hiệu UNESCO nghi lễ Then của người Tày Cao Bằng và Công viên địa chất (CVĐC) Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng tiếp tục vươn mình, thúc đẩy hình thành thương hiệu riêng cho Cao Bằng, đóng góp tích cực phát triển kinh tế - xã hội thông qua thu hút khách du lịch, công nghiệp văn hóa, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng XIII.

Then từ cội nguồn đến “sức hút” trong nhịp sống hiện đại 

Miền Non nước Cao Bằng cứ mỗi độ xuân về rộn ràng tiếng hoan ca từ cội nguồn lời hát Then - đàn tính được hình thành từ lâu đời trong đời sống lao động tập thể và nhu cầu hưởng thụ văn hóa của cộng đồng người Tày. Hát Then - đàn tính là sự tổng hòa của nhiều hoạt động nghệ thuật như múa, đàn, hát trở thành loại hình dân ca đặc sắc, là một hình thức sinh hoạt văn hóa, thường được các thầy cúng thực hiện trong các nghi lễ thờ cúng của các gia đình như lễ giải hạn (chữa bệnh), lễ cầu an, lễ chúc thọ, lễ chúc tụng, lễ cấp sắc… Hát Then là phương tiện giúp những người tham gia lễ thể hiện tâm tư, tình cảm, giao lưu giải trí và gắn kết cộng đồng, có vị thế quan trọng trong sinh hoạt tín ngưỡng của người Tày. Vì thế hát Then hòa mình vào dòng chảy lịch sử dân tộc, là dấu ấn, tích hợp các giá trị văn hóa, phản ánh tinh thần cộng đồng, sự đoàn kết tương trợ giữa các thành viên trong gia đình, dòng họ và rộng ra là trong làng bản.

Từ giá trị, ý nghĩa đặc sắc, năm 2014, nghi lễ Then của người Tày Cao Bằng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ngày 12/12/2019, di sản thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam (trong đó có nghi lễ Then Tày Cao Bằng) được UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Phát huy giá trị hát Then - đàn tính trong đời sống xã hội hiện đại, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Tô Thị Trang cho biết: Những năm qua, Sở triển khai nhiều công trình nghiên cứu, sưu tầm, làm phim tư liệu…, xây dựng cơ sở dữ liệu số hóa về Then Tày, đồng thời tổ chức nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật quy mô, trong đó lấy hát Then - đàn tính làm chủ đạo trong các sự kiện văn hóa, chính trị lớn của đất nước, tỉnh, công tác đối ngoại; định kỳ tổ chức Liên hoan hát Then - đàn tính tỉnh 2 năm một lần với sự tham gia của các nghệ nhân, diễn viên quần chúng yêu hát Then - đàn tính, các tiết mục tham gia là những làn điệu Then cổ, Then cải biên, độc tấu đàn, trích đoạn nghi lễ Then, múa sluông chầu của dân tộc Tày, Nùng… Tham gia các hội thi, hội diễn, liên hoan, ngày hội văn hóa do Bộ VHTTDL tổ chức cấp khu vực. Đặc biệt, đẩy mạnh phong trào văn hóa, văn nghệ hát Then - đàn tính tại cơ sở, các điểm dịch vụ du lịch đã tăng sức hấp dẫn thu hút khách du lịch đến trải nghiệm.

Cao Bằng: Danh hiệu UNESCO vươn mình trong nhịp xuân mới - Ảnh 1.

Màn biểu diễn hát Then - đàn tính đặc sắc tại Hội nghị quốc tế lần thứ 8 của Mạng lưới Công viên địa chất Toàn cầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2024 tại Cao Bằng (tháng 9/2024)

Nghệ sĩ Ưu tú Hoàng Kim Tuế, Phó Chủ tịch Hội Bảo tồn dân ca các dân tộc tỉnh phấn khởi cho biết: Hội bảo tồn dân ca các dân tộc tỉnh phát triển được 10 chi hội ở các huyện với trên 2.000 hội viên, trong đó, hát Then - đàn tính là chủ đạo được nhiều nghệ nhân cơ sở say mê hưởng ứng, sưu tầm và sáng tác lời mới trên 200 bài hát, truyền dạy cho trên 600 hội viên, đặc biệt có nhiều thanh, thiếu niên đam mê hát Then. Cá nhân tôi dù cao tuổi nhưng vẫn tham gia biểu diễn hát Then - đàn tính với thế hệ trẻ trong các sự kiện văn hóa, du lịch lớn trong và ngoài tỉnh để lan tỏa lời ngọt ngào đậm chất nhân văn đến với khán giả gần xa.

Anh Lê Thanh Hùng, du khách từ Thành phố Hồ Chí Minh phấn khởi nói: Qua xem trên mạng “Cao Bằng miền cổ tích”, xem tiktok Phố đi bộ Kim Đồng có biểu diễn hát Then ngọt ngào, nên kỳ nghỉ tết này tôi lựa chọn đến Cao Bằng trải nghiệm. Được nghe lời hát Then ngọt ngào giữa đời thường và tìm hiểu về hát Then đã bồi đắp cho tôi nhiều giá trị nhân văn, yêu mến Cao Bằng.

Đến nay, nhiều điểm dịch vụ du lịch Cao Bằng xây dựng chương trình hát Then - đàn tính là hoạt động văn nghệ chính để đón khách du lịch. Chị Lý Thị Điệp, chủ homestay Yến Nhi, diễn viên hát Then quần chúng, làng đá Khuổi Ky, xã Đàm Thủy (Trùng Khánh) cho biết: Cao Bằng tổ chức màn trình diễn hát Then - đàn tính lập kỷ lục Guinness Việt Nam (tháng 10/2023), lan tỏa trên mạng xã hội, thu hút khách nước ngoài đến thác Bản Giốc, làng đá Khuổi Ky nhiều hơn. Các đoàn khách đến yêu cầu nghe hát Then, mua đàn tính về làm đồ lưu niệm. Bản thân tôi mỗi lần được hát Then lại thấy tự hào được gửi đi những thông điệp, giá trị nhân văn của người Tày cổ đến với bạn bè gần xa.

Danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO tiến tới thương hiệu du lịch

Công viên địa chất Non nước Cao Bằng sở hữu và phát huy danh hiệu CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng, từ năm 2018 đến nay xây dựng 5 tuyến du lịch trải nghiệm CVĐC, góp phần tích cực thúc đẩy tăng nhanh khách du lịch trong nước và quốc tế đến với Cao Bằng đạt 5 triệu lượt khách giai đoạn năm 2018 - 2024.

Chị Angaz, du khách Ba Lan đến Cao Bằng trải nghiệm du lịch CVĐC Non nước Cao Bằng cho biết: Năm 2023, tôi lên mạng xem giới thiệu về CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng thực hiện tốt các khuyến nghị của UNESCO còn bảo tồn nhiều cảnh thiên nhiên hùng vĩ, thơ mộng, hoang sơ là quá trình kiến tạo vỏ trái đất từ 500 triệu năm trước. Vì vậy, tôi đến Cao Bằng dự kiến chỉ ở 2 ngày rồi đi tỉnh khác. Nhưng sau khi đi trải nghiệm du lịch CVĐC tuyến phía Đông “Vẻ đẹp xứ sở thần tiên”- ngắm thác Bản Giốc - động Ngườm Ngao, Mắt Thần núi (Trùng Khánh) thấy cảnh đẹp quá nên quyết định lưu lại thêm 2 ngày để đi trải nghiệm tuyến phía Bắc “Hành trình về với nguồn cội”, thăm Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó, Cúc đá tay cuộn Kéo Yên và cung đường quanh co trên lưng núi đá Lục Khu (Hà Quảng). Mỗi tuyến CVĐC có một vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ riêng và văn hóa bản địa đặc sắc. Tôi sẽ còn trở lại Cao Bằng để trải nghiệm 3 tuyến CVĐC chưa đi.

Cao Bằng: Danh hiệu UNESCO vươn mình trong nhịp xuân mới - Ảnh 2.

Nghệ nhân dệt Thổ cẩm dân tộc Tày, xóm Luống Nọi, xã Ngọc Đào (Hà Quảng) trình diễn dệt thổ cẩm tại không gian văn hóa các dân tộc, Hội nghị quốc tế lần thứ 8 của Mạng lưới CVĐC toàn cầu khu vực Châu Á Thái Bình Dương năm 2024 tại Cao Bằng (9/2024)

Theo Giám đốc Ban Quản lý CVĐC Non nước Cao Bằng Vi Trần Thùy: qua hơn 6 năm thực hiện tốt các khuyến nghị của UNESCO về bảo tồn, phát huy các giá trị di sản địa chất và di sản văn hóa bản địa gắn với bảo vệ tài nguyên môi trường trong vùng CVĐC, góp phần xây dựng thương hiệu Cao Bằng trên nhiều lĩnh vực như: thúc đẩy du lịch Cao Bằng phát triển theo hướng du lịch xanh bền vững với những giá trị di sản đặc sắc riêng có. Cao Bằng được báo chí nước ngoài bình chọn trong top có nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp của châu Á. CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng được Hội đồng mạng lưới CVĐC Toàn cầu UNESCO (GNN) và bạn bè quốc tế chọn làm mô hình mẫu về bảo tồn và phát huy các giá trị di sản. Đặc biệt, tại Hội nghị quốc tế lần thứ 8 của mạng lưới CVĐC toàn cầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2024 tại Cao Bằng tháng 9/2024, Hội đồng GNN và Bộ Ngoại giao chọn CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng là hình mẫu để xây dựng “Tuyên bố Cao Bằng” với 8 nội dung đưa ra các khuyến nghị thực hiện giải quyết các vấn đề toàn cầu, gồm: bảo vệ tài nguyên thiên nhiên môi trường, chống biến đổi khí hậu; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa bản địa; nâng cao vai trò và tạo sinh kế mới từ bảo vệ và phát huy giá trị di sản CVĐC cho đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững… “Tuyên bố Cao Bằng” sẽ trình lên UNESCO và Hội đồng Liên Hợp Quốc để khuyến nghị các quốc gia giải quyết các vấn đề toàn cầu. Qua đó, nâng cao uy tín của Cao Bằng với bạn bè quốc tế, thúc đẩy du lịch xanh, kinh tế xanh bền vững thu hút khách đến Cao Bằng ngày càng tăng.

Anh Phạm Văn Hùng, chủ homestay Mộc tại điểm di sản địa chất Mắt Thần núi (Trùng Khánh) cho biết: Thực hiện khuyến nghị của UNESCO trong kinh doanh đem lại nhiều lợi ích cho tôi. Vì đầu tư dịch vụ homestay không quá tốn kém tài chính, dựa vào cảnh thiên nhiên có sẵn, làm nhà sàn gỗ đơn sơ theo kiến trúc người Tày, Nùng, trồng thêm cây xanh, hoa bốn mùa… tạo được không gian nghỉ ngơi hòa mình với cảnh đẹp thiên nhiên hoang sơ. Do vậy, cơ sở homestay của tôi đã thu hút nhiều khách trong nước và quốc tế yêu thích, lựa chọn. Đồng thời, mỗi du khách đến đây, tôi tiếp tục lan tỏa hiệu ứng về bảo vệ thiên nhiên môi trường.

Bà Susan May, chuyên gia của CVĐC Toàn cầu UNESCO Hakusan Tederigawa, Nhật Bản đến Cao Bằng trải nghiệm bày tỏ: Tôi đi trải nghiệm làng nghề làm hương thơm Phja Thắp, rèn dao thủ công Pác Rằng, làm giấy bản Dìa Trên, xã Phúc Sen (Quảng Hòa) và ngắm kỳ quan thiên nhiên thác Bản Giốc, Mắt Thần núi… Cao Bằng vẫn giữ được cảnh đẹp hoang sơ, hùng vĩ, những làng nghề thủ công truyền thống mấy trăm năm… Cao Bằng xứng đáng với tên gọi “viên ngọc xanh” thực hiện tốt khuyến nghị UNESCO và tôi sẽ giới thiệu với bạn bè của mình đến thăm “miền cổ tích” Non nước Cao Bằng.

Ông Guyni Martini, chuyên gia cao cấp, thư ký mạng lưới CVĐC Toàn cầu UNESCO nhận định: Cao Bằng đồng thời sở hữu và phát huy hai danh hiệu UNESCO là Nghi lễ Then Tày và CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng mở ra cơ hội cho Cao Bằng giao lưu, hợp tác quốc tế về công nghiệp văn hóa, du lịch xanh bền vững, tham gia các diễn đàn, hội thảo, tọa đàm trong nước, khu vực và quốc tế trong mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO. Danh hiệu UNESCO là chiến lược ngoại giao văn hóa, thúc đẩy quan hệ hợp tác Cao Bằng với hơn 45 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tại Hội nghị APGN-8 tổ chức tại Cao Bằng, Sở VHTTDL Cao Bằng ký kết nghĩa, hợp tác văn hóa, du lịch, hoạt động VCĐC với CVĐC của Pháp, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan... Đây là một kênh dẫn truyền quan trọng để thúc đẩy công nghiệp văn hóa Cao Bằng phát triển.

Theo Báo Cao Bằng 

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×