Cao Bằng: Bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa
10/01/2022 | 14:54Công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, công trình văn hóa trên địa bàn tỉnh được các cấp, ngành quan tâm; các di tích lịch sử, văn hóa trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống yêu nước, tạo nên điểm đến độc đáo, phục vụ khách du lịch trong và ngoài tỉnh.
Hiện toàn tỉnh có 214 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh. Trong đó, có 96 di tích được xếp hạng gồm: 3 di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, 25 di tích được xếp hạng di tích quốc gia, 68 di tích được xếp hạng di tích cấp tỉnh. Có 2 bảo vật được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia: Đôi chuông chùa Viên Minh và đền Quan Triều, xóm Đà Quận, xã Hưng Đạo (Thành phố); Bia Ma nhai Ngự chế của vua Lê Thái Tổ, xã Hồng Việt (Hòa An). Có 4 di sản được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Nghi lễ Then Tày tỉnh Cao Bằng; Lễ hội Nàng Hai, xã Tiên Thành; Lễ hội Tranh đầu pháo, thị trấn Quảng Uyên; nghề rèn truyền thống xã Phúc Sen của người Nùng An (Quảng Hòa). Công viên địa chất Non nước Cao Bằng được công nhận là Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO. Qua kiểm kê, toàn tỉnh còn 2.002 di sản văn hóa phi vật thể tồn tại gồm: tiếng nói 6 di sản, chữ viết 2 di sản, ngữ văn dân gian 150 di sản, nghệ thuật trình diễn dân gian 300 di sản, tập quán xã hội và tín ngưỡng 745 di sản, lễ hội truyền thống 200 di sản, nghề thủ công truyền thống 112 di sản, tri thức dân gian 487 di sản...
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Trương Thế Vinh, nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, Sở VH-TT&DL tham mưu UBND tỉnh ban hành quy định quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo việc tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật đối với thực hiện chế độ, chính sách, công tác quản lý, tu bổ, tôn tạo, phát huy các giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và hoạt động bảo tồn, bảo tàng trên địa bàn. Hiện nay, công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các di tích, danh lam thắng cảnh được các ngành, địa phương triển khai thiết thực, hiệu quả. Hằng năm, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia tu bổ, tôn tạo đối với một số di tích được xếp hạng cấp quốc gia; nguồn kinh phí từ tỉnh, huyện và nguồn xã hội hóa tiến hành trùng tu, tôn tạo lại một số di tích. Việc trùng tu, tu sửa được thực hiện nghiêm túc dưới sự quản lý của các cơ quan chuyên môn và theo quy định của Luật Di sản văn hóa.
Hiện nay, cơ bản hệ thống di tích của tỉnh được bảo vệ, tu bổ đảm bảo cho sự tồn tại và tính nguyên gốc của di tích. Các di tích được tu bổ, tôn tạo cơ bản khắc phục được tình trạng xuống cấp, đảm bảo an toàn lâu dài cho công trình, đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân. Nhiều di tích, danh lam thắng cảnh sau khi được tu bổ đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn, thu hút khách trong và ngoài tỉnh tham quan, góp phần phát triển KT - XH địa phương. Điển hình như các Khu di tích Quốc gia đặc biệt: Pác Bó, xã Trường Hà (Hà Quảng); rừng Trần Hưng Đạo, xã Tam Kim (Nguyên Bình); địa điểm Chiến thắng Biên giới 1950, xã Đức Long (Thạch An); chùa Trúc lâm Bản Giốc, xã Đàm Thủy (Trùng Khánh); các danh lam thắng cảnh...
Các di tích không chỉ là nơi tổ chức lễ hội, phục vụ du lịch mà còn là những "địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống yêu nước cho người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Sở VH-TT&DL phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức triển khai kế hoạch "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” gắn với học tập và giáo dục lịch sử địa phương thông qua hệ thống di sản văn hóa tỉnh. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu tại di tích cho học sinh về truyền thống lịch sử, cách mạng của địa phương và giá trị các di sản văn hóa, nâng cao ý thức cộng đồng trong gìn giữ, phát huy, quảng bá những giá trị của di tích; thế hệ trẻ, đoàn viên thanh niên có dịp được nghe, hiểu hơn và trân trọng lịch sử hào hùng của dân tộc.
Em Hoàng Thúy Hoa, học sinh lớp 7, Trường THCS Hợp Giang (Thành phố) cho biết: Thông qua những bài giảng của cô giáo trên lớp, được đi thăm Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo, em rất tự hào được đến nơi thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Qua đó, em hiểu hơn về lịch sử văn hóa, sự kiên cường, anh dũng đấu tranh chống quân xâm lược của quân dân ta. Chúng em tự nhủ sẽ cố gắng học tập thật tốt để sau này có những việc làm đóng góp thiết thực cho quê hương, đất nước.
Giám đốc Bảo tàng tỉnh Ngô Thị Cẩm Châu cho biết: Thực hiện công tác sưu tầm, kiểm kê, tuyên truyền giáo dục, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, hiện Bảo tàng tỉnh đang lưu giữ trên 10.000 tài liệu, hiện vật. Năm 2021, trình UBND tỉnh xếp hạng 2 di tích cấp tỉnh gồm: Dinh thự họ Nông, thị trấn Bảo Lạc (Bảo Lạc); di tích Bia Tổng Phườn, xã Nam Quang (Bảo Lâm). Phối hợp với Viện Khảo cổ nghiên cứu, khảo sát khảo cổ học tại thành Bản Phủ, xã Hưng Đạo (Thành phố); thành Na Lữ, xã Hoàng Tung (Hòa An); thành Phục Hòa, thị trấn Hòa Thuận (Quảng Hòa). Hoàn thiện bản thảo nội dung cuốn sách "Bức tranh văn hóa các dân tộc Cao Bằng"; phối hợp với huyện Hòa An tổ chức lễ công bố Quyết định Bảo vật Quốc gia Bia Ma nhai Ngự chế của vua Lê Thái Tổ, xã Hồng Việt (Hòa An); kiểm kê di tích và danh lam thắng cảnh tại huyện Hà Quảng, Hòa An. Xây dựng kế hoạch kiểm kê di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn các huyện Bảo Lạc, Bảo Lâm, Nguyên Bình. Trưng bày bổ sung di tích cơ quan Tỉnh ủy, phố Vườn Cam, phường Hợp Giang (Thành phố).
Để công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa đạt hiệu quả ngày càng cao, các ngành chức năng tiếp tục nghiên cứu, khảo sát, đánh giá đúng thực trạng các di sản văn hóa, trên cơ sở đó xây dựng quy hoạch tổng thể bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa một cách khoa học. Từng bước đầu tư có hiệu quả để trùng tu, tôn tạo, quản lý, khai thác, phát huy các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; làm tốt việc sưu tầm, bảo quản tài liệu, hiện vật; xử lý các nguồn thải gây ô nhiễm môi trường di tích. Đẩy mạnh xã hội hóa trong bảo tồn, phát huy giá trị của di tích lịch sử - văn hóa. Tuyên truyền, giáo dục rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm bảo vệ di tích, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong cộng đồng.