Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Cao Bằng: Bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững

23/11/2021 | 14:40

Di sản văn hóa (DSVH) gồm DSVH vật thể và DSVH phi vật thể, là sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Việc bảo vệ và phát huy giá trị DSVH đáp ứng nhu cầu về văn hóa ngày càng cao của nhân dân, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và đóng góp vào kho tàng DSVH thế giới.

Cao Bằng: Bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững - Ảnh 1.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nông Thanh Tùng, lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch trao Quyết định công nhận Bảo vật Quốc gia Bia Ma nhai Ngự chế của vua Lê Thái Tổ cho huyện Hòa An.

Cao Bằng - miền non nước địa linh nhân kiệt, miền đất của DSVH Việt Nam thu nhỏ, đồng bào các dân tộc nơi đây rất tự hào về những DSVH được thiên nhiên ban tặng và sự dày công tạo dựng của ông cha truyền lại. DSVH của các dân tộc tại Cao Bằng chứa đựng toàn bộ kho tri thức bản địa, mỗi dân tộc có những tri thức riêng để ứng xử với thiên nhiên, môi trường, giữa các dân tộc cùng sinh sống và phát triển.

Tất cả những tri thức tích lũy thành kho DSVH phong phú, như: Phong thủy lập bản, cấu trúc của những nếp nhà, khai phá đất đồi thành ruộng nước, đắp phai, dựng cọn, bắc lìn (máng dẫn nước) đưa nước về phục vụ đời sống, cách thiết kế trang phục, tạo hoa văn trên nền thổ cẩm dệt, tạo hoa văn trên các sản phẩm đan lát mây tre của từng dân tộc, các nghề thủ công truyền thống. Tri thức nhận thức về vũ trụ, hệ thống những phong tục, tập quán, nghi lễ gắn với tâm linh (nghi lễ chu kỳ một năm và nghi lễ vòng đời người); nghi lễ gắn với thầy mo, thầy tào, bà bụt (cấp sắc thăng chức); những làn điệu dân ca, dân vũ, truyền thuyết, ngụ ngôn, hệ thống ca dao, đồng giao, tục ngữ, thành ngữ, kinh nghiệm sản xuất; cách chế biến các món ăn, các loại dụng cụ, nông cụ, đồ gia dụng; các lễ hội truyền thống, các trò chơi dân gian, hệ thống đền chùa, am, miếu, thổ công, thần rừng, hệ thống di tích danh thắng, hệ thống di tích lịch sử của từng giai đoạn lịch sử…

Những năm qua, tỉnh coi trọng, quan tâm gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị DSVH với nhiều cách làm thiết thực. Toàn tỉnh hiện có 2.002 DSVH phi vật thể, 4 DSVH phi vật thể quốc gia gồm: Nghi lễ Then Tày, Lễ hội Nàng Hai của người Tày xã Tiên Thành, Lễ hội tranh đầu pháo thị trấn Quảng Uyên, nghề rèn truyền thống xã Phúc Sen (Quảng Hòa). Đặc biệt, di sản nghi lễ Then Tày, Nùng, Thái được ghi danh vào danh sách DSVH phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2014. 214 di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh, 91 di tích đã được xếp hạng. Trong đó có 3 di tích quốc gia đặc biệt: Khu di tích lịch sử Pác Bó, Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo, Khu di tích lịch sử Địa điểm Chiến tháng Biên giới năm 1950; 23 di tích quốc gia, 65 di tích cấp tỉnh. Ba bảo vật quốc gia (đôi chuông chùa Viên Minh, đền Quan Triều, xã Hưng Đạo, thành phố Cao Bằng; Bia Ma nhai Ngự chế của Vua Lê Thái Tổ, xã Hồng Việt, huyện Hòa An).

Cơ quan chức năng quan tâm gìn giữ và phát huy các DSVH gắn với phát triển KT - XH với nhiều cách làm phong phú, thiết thực, như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về những giá trị của DSVH dân tộc, bước đầu kiểm kê, thống kê DSVH phi vật thể của các dân tộc thiểu số; xác định, lập hồ sơ khoa học DSVH phi vật thể đưa vào danh mục DSVH phi vật thể quốc gia. Tổ chức các hoạt động sưu tầm, nghiên cứu văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc, tổ chức hội thảo khoa học góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa trong thời kỳ hội nhập. Nhiều nhà nghiên cứu của Trung ương, địa phương hoàn thành các công trình nghiên cứu có giá trị về khoa học và thực tiễn.

Đây là nguồn tư liệu quý giáo dục truyền thống văn hóa lịch sử, cách mạng và tinh thần yêu nước của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, tạo động lực quan trọng phát triển KT - XH; khơi dậy tinh thần yêu nước, tính cố kết cộng đồng, ý chí tự cường, tự hào dân tộc và khát vọng vươn lên.

Việc bảo tồn và phát huy giá trị nhân văn của DSVH ở Cao Bằng không chỉ đáp ứng nhu cầu phát triển KT - XH nói chung mà còn đáp ứng nhu cầu bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số, miền núi, là cơ sở để phát triển loại hình du lịch dân tộc học, du lịch văn hóa học, du lịch môi trường sinh thái..., mà du lịch văn hóa đang và sẽ chiếm ưu thế.

Để có thể đáp ứng được nhu cầu khai thác tour du lịch về địa danh DSVH, đáp ứng nhu cầu tham quan, nghiên cứu và tìm kiếm cơ hội kinh doanh du lịch cần bảo lưu các giá trị DSVH truyền thống trong các công trình cấu trúc của ngôi làng cổ, những cấu trúc, thiết kế trong ngôi nhà của các bản làng và lễ hội. Tổ chức các tour du lịch về các địa danh DSVH cho du khách trực tiếp trải nghiệm, trò chuyện, thưởng thức các món ăn truyền thống của dân tộc bản địa, trải nghiệm qua đêm tại các bản làng với người dân đang sống tại địa danh di sản. Tạo môi trường du lịch địa danh DSVH từ đường đi, các công trình vệ sinh, cây ăn quả, điều kiện nghỉ dưỡng và dịch vụ tối thiểu cho khách du lịch khi đến các địa danh DSVH.

Các địa danh DSVH ở Cao Bằng sẽ trở thành điểm đến trong các chương trình du lịch từ Thủ đô Hà Nội và các tỉnh phụ cận. Vì vậy, để bảo tồn và khai thác giá trị văn hóa truyền thống của các địa danh di sản là yêu cầu thực tiễn. Việc bảo lưu, giới thiệu, quảng bá những giá trị văn hóa độc đáo, đặc sắc của các dân tộc tại Cao Bằng giúp tăng thêm nguồn thu về tài chính, cải thiện đời sống cho người dân tại các địa danh di sản, góp phần giảm nghèo, nâng cao đời sống, thúc đẩy KT - XH, văn hóa tại các địa danh di sản nói riêng và xã hội nói chung.

Theo Báo Cao Bằng

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×