Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Cần Thơ từng bước xây dựng trở thành trung tâm du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long

14/07/2021 | 16:10

Phát triển thành phố Cần Thơ thành trung tâm du lịch và điều phối khách cho toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) theo Quyết định 2227/QĐ-TTg ngày 18 tháng 11 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng ĐBSCL đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Những năm qua, ngành du lịch đang trên đà phát triển, lượng khách du lịch đến thành phố ngày càng tăng, chất lượng và tính cạnh tranh của du lịch thành phố ngày càng được nâng cao. Du lịch ngày càng nhận được sự quan tâm của toàn xã hội. Để thúc đẩy ngành “công nghiệp không khói” phát triển, tạo sự bứt phá hơn nữa trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, Thành ủy Cần Thơ đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 01/8/2016 về đẩy mạnh phát triển du lịch, theo đó, thành phố đặt ra nhiệm vụ, mục tiêu, quá trình tổ chức thực hiện, các giải pháp, lộ trình hoàn thành và phân công rõ nhiệm vụ cho từng cơ quan liên quan. Phấn đấu từng bước đưa ngành du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, động lực thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác phát triển. 

Cần Thơ từng bước xây dựng trở thành trung tâm du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long  - Ảnh 1.

Bình minh trên Cầu Cần Thơ. Ảnh: Azerai reort

Qua 05 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 01/8/2016 của Thành ủy Cần Thơ về đẩy mạnh phát triển du lịch, ngành du lịch thành phố Cần Thơ đã có sự chuyển biến tích cực, tăng trưởng mạnh. Nhận thức của các cấp, các ngành và cộng đồng về vai trò, vị trí quan trọng của ngành du lịch ngày càng được nâng cao và có nhiều chuyển biến tích cực; sản phẩm, dịch vụ du lịch ngày càng phong phú, đa dạng, chất lượng; doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch ngày lớn mạnh về số lượng và chất lượng, tạo dựng được thương hiệu và uy tín trong nước và quốc tế; cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, hệ thống cơ sở lưu trú, cơ sở đạt chuẩn phục vụ khách du lịch ngày càng được đầu tư, đổi mới theo hướng hiện đại, cơ bản đáp ứng nhu cầu của khách du lịch; hoạt động du lịch gắn với các sự kiện, lễ hội được tổ chức ngày càng chuyên nghiệp, quy mô; tăng trưởng du lịch bình quân hằng năm đạt hơn 9%; đóng góp dịch vụ du lịch chiếm khoảng 8% trong cơ cấu GRDP của thành phố, góp phần thúc đẩy các ngành, nghề khác cùng phát triển, giải quyết việc làm góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và tăng thu ngân sách cho thành phố.

Giai đoạn 2016-2020, toàn thành phố đã đón hơn 35 triệu lượt khách, tăng trưởng bình quân hằng năm là 5,3%. Tổng thu từ dịch vụ du lịch chiếm khoảng 8% trong cơ cấu GRDP của thành phố Cần Thơ. Cùng với sự phát triển của du lịch thành phố, hệ thống cơ sở lưu trú, cơ sở đạt chuẩn phục vụ khách du lịch ngày càng được đầu tư, đổi mới theo hướng hiện đại, phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu của lượng khách du lịch ngày càng tăng. Hoạt động du lịch đã và đang chiếm vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, thúc đẩy các ngành nghề khác cùng phát triển, giải quyết việc làm góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và tăng thu ngân sách cho địa phương.

Tuy nhiên, ngành du lịch thành phố vẫn chưa phát huy hết tiềm năng và lợi thế. Nguyên nhân đầu tiên là nhận thức của một số ngành chưa thực sự coi du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên vùng, liên ngành, xã hội hóa và hội nhập quốc tế cao. Các cơ chế, chính sách phát triển du lịch chất lượng, hiệu quả chưa cao, thiếu tính kịp thời và đột phá để du lịch phát triển theo đúng bản chất của một ngành kinh tế tổng hợp. Hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch còn bất cập. Du lịch chưa được tạo điều kiện và đặt đúng vị trí cần có tương xứng là ngành kinh tế mũi nhọn của nó. Sự phối hợp liên vùng, liên ngành hiệu quả còn chưa tương xứng so với yêu cầu thúc đẩy phát triển du lịch. Sản phẩm du lịch thiếu phong phú và đa dạng cũng là một trong những nguyên nhân khiến du lịch Cần Thơ chưa thực sự phát triển.

Đặc biệt, ảnh hưởng dịch Covid-19 đã làm cho nhiều doanh nghiệp du lịch và lao động trong ngành du lịch gặp khó khăn. Việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ cho các đối tượng trong ngành du lịch bị ảnh hưởng dịch Covid-19 chưa kịp thời. Du lịch là ngành bị ảnh hưởng trực tiếp và thiệt hại nặng nhất, khả năng ứng phó và phục hồi tương đối chậm so với các ngành khác, ảnh hưởng trực tiếp đến chỉ tiêu tăng trưởng của ngành du lịch và ảnh hưởng gián tiếp đến chỉ tiêu tăng trưởng chung.

Trước những khó khăn, thách thức, du lịch thành phố cần phải chủ động thích ứng, phát huy nội lực và đẩy mạnh các hoạt động phát triển du lịch trong tình hình mới. Trên cơ sở quán triệt nội dung Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 05 tháng 8 năm 2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, hướng đến mục tiêu xây dựng và phát triển Cần Thơ thành thành phố trung tâm vùng, sinh thái, văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc sông nước vùng ĐBSCL. Đồng thời, phát triển thành phố Cần Thơ thành trung tâm du lịch và điều phối khách cho toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long theo Quyết định 2227/QĐ-TTg ngày 18 tháng 11 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng ĐBSCL đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Để phấn đấu đạt được các mục tiêu trên, đòi hỏi ngành du lịch cần tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới:

Một là, điều đầu tiên là sự thay đổi, nâng cao hơn nữa về tư duy, nhận thức đối với ngành du lịch. Du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, mang tính xã hội hóa cao chứ không chỉ đơn thuần là ngành vui chơi, giải trí.

Hai là, phải hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phát triển du lịch; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa các thủ tục về đầu tư; tạo môi trường du lịch thông thoáng để thu hút đầu tư, nhất là các địa bàn trọng điểm. Chủ động và tranh thủ các nguồn lực để đầu tư phát triển đồng bộ, hiện đại cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ phát triển du lịch.

Ba là, đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch theo hướng chuyên nghiệp nhằm vào thị trường mục tiêu phù hợp với xu hướng mới của thị trường, lấy sản phẩm du lịch và thương hiệu du lịch là trọng tâm. Tăng cường hoạt động liên kết, mở rộng hợp tác đầu tư phát triển du lịch. Xác định thị trường khách du lịch trọng điểm để liên kết nội vùng, hợp tác với các tỉnh, thành và đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong phát triển du lịch.

Bốn là, có bước đột phá, phát triển đa dạng, độc đáo các loại hình và sản phẩm du lịch phù hợp với tiềm năng, lợi thế của thành phố. Đồng thời, tập trung đầu tư, nâng cấp, nâng chất, làm mới  và đa dạng hoá các sản phẩm, loại hình du lịch theo hướng mới lạ, độc đáo, đặc sắc… như: du lịch MICE, du lịch văn hóa, du lịch sông nước; du lịch xanh, du lịch sinh thái, các loại hình du lịch đặc trưng như du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng, lưu trú tại nhà dân (homestay), du lịch trải nghiệm...

Đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong ngành du lịch; xây dựng và triển khai các đề án, dự án phát triển du lịch thông minh, mô hình quản lý điểm đến du lịch, hướng đến hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh thành phố Cần Thơ

Năm là, nhân lực là yếu tố quyết định, một đội ngũ nhân lực đủ chuẩn, chuyên nghiệp, nhiệt tình, văn minh, lịch sự, đam mê với nghề mới đáp ứng được yêu cầu phát triển du lịch trong tình hình mới. Nhân lực không chỉ cần nâng cao từ các doanh nghiệp mà cả cơ quan quản lý nhà nước về du lịch. Đòi hỏi sự quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đạt chuẩn, chuyên nghiệp.

Để ngành du lịch Cần Thơ bứt phá, là “Điểm đến du lịch lý tưởng – an toàn – thân thiện", nơi hội tụ của “Văn minh sông nước MeKong” trong thời gian tới, toàn ngành du lịch thực sự phải phải phấn đấu, nỗ lực, phải được cả hệ thống chính trị, ban ngành các cấp và mọi người dân hết lòng quan tâm, hỗ trợ, hưởng ứng, cùng đồng lòng, đồng thuận nhất định hình ảnh Cần Thơ sẽ bay xa hơn nữa; khách du lịch gần xa sẽ đến với Cần Thơ nhiều hơn nữa.

Theo canthotourism.vn

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×