Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Cần Thơ: Tận dụng lợi thế, tiềm năng để phát triển du lịch văn hóa

23/08/2023 | 10:27

Để phát triển du lịch bền vững, TP. Cần Thơ xác định phải quan tâm gìn giữ, bảo tồn, khai thác và phát huy tối đa các giá trị di sản văn hóa tiêu biểu của địa phương và vùng ĐBSCL, làm cho các giá trị văn hóa này được quảng bá mạnh mẽ và lan tỏa ngày càng sâu rộng trong đời sống. Trong xu thế đó, những năm gần đây, Cần Thơ ngày càng chú trọng khai thác lợi thế về tài nguyên văn hóa của địa phương, đưa những di sản văn hóa bản địa song hành cùng ngành du lịch, từ đó tạo ra nét đặc sắc và thương hiệu riêng của du lịch vùng đất Tây Đô.

Phát triển du lịch gắn liền với phát huy giá trị văn hóa

Để khai thác, phát huy tốt nguồn tài nguyên văn hóa của các di tích lịch sử - văn hóa, ẩm thực dân gian vùng sông nước, các làng nghề truyền thống, những năm gần đây, lãnh đạo TP. Cần Thơ đã ban hành nhiều chủ trương quan trọng. Nổi bật, Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ đã ban hành Chỉ thị số 23-CT/TU, ngày 5.6.2018 “Về tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát huy các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn thành phố”; Thành ủy Cần Thơ ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU, ngày 29.12.2021 “Về việc đẩy mạnh phát triển du lịch trong tình hình mới”. Trên cơ sở đó, UBND TP. Cần Thơ đã ban bành Kế hoạch số 117/KH-UBND, ngày 16.7.2018 “Về bảo tồn và phát huy di tích lịch sử - văn hóa, di sản văn hóa phi vật thể, làng nghề, danh lam thắng cảnh gắn với phát triển du lịch TP Cần Thơ đến năm 2020”; Kế hoạch số 89/KH-UBND, ngày 14.4.2021 “Về Bảo tồn và phát huy di tích lịch sử - văn hóa, di sản văn hóa phi vật thể, làng nghề, danh lam thắng cảnh gắn với phát triển du lịch thành phố Cần Thơ giai đoạn 2021 - 2025”…

Cần Thơ: Tận dụng lợi thế, tiềm năng để phát triển du lịch văn hóa - Ảnh 1.

Du khách đến với làng nghề bánh tráng Thuận Hưng – nơi được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Đến nay, theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP. Cần Thơ, toàn thành phố có 38 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng, trong đó có 14 di tích cấp quốc gia. Nhiều di tích, di sản văn hóa đã trở thành điểm đến thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước như: Di tích quốc gia chùa Ông (quận Ninh Kiều); Di tích quốc gia đình Bình Thủy, Di tích quốc gia Khu tưởng niệm Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa, Lễ hội Kỳ yên Thượng điền đình Bình Thủy (quận Bình Thủy); Di tích quốc gia Hiệp Thiên Cung, Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Chợ nổi Cái Răng (quận Cái Răng)…

Bên cạnh đó, Cần Thơ còn có nhiều làng nghề truyền thống đã và đang được các doanh nghiệp du lịch kết nối để tạo thành những điểm đến hấp dẫn. Nổi bật như: làng hoa Phó Thọ - Bà Bộ (quận Bình Thủy), làng nghề hủ tiếu (quận Ninh Kiều), làng nghề bánh tráng Thuận Hưng, làng nghề đan lưới Thơm Rơm (quận Thốt Nốt)... Từ những làng nghề này, ngành du lịch, các doanh nghiệp lữ hành và cộng đồng cư dân địa phương đã phối hợp tạo ra nhiều tour, tuyến du lịch gắn kết giữa tham quan làng nghề với tìm hiểu, trải nghiệm cuộc sống và những nét văn hóa đặc trưng của cư dân miệt vườn sông nước.

Nâng tầm du lịch từ văn hóa

Để văn hóa ngày càng thấm sâu, trở thành bệ đỡ nâng tầm và phát triển du lịch bền vững, Kế hoạch số 89/KH-UBND, ngày 14.4.2021 của UBND TP. Cần Thơ về “Bảo tồn và phát huy di tích lịch sử - văn hóa, di sản văn hóa phi vật thể, làng nghề, danh lam thắng cảnh gắn với phát triển du lịch thành phố Cần Thơ giai đoạn 2021 - 2025” đã xác định 4 yêu cầu phải tập trung thực hiện. Thứ nhất, tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc gắn với phát triển du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố. Thứ hai, huy động sự đóng góp của toàn xã hội để đầu tư trùng tu, tôn tạo, quản lý và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, di sản văn hóa phi vật thể, làng nghề, danh lam thắng cảnh của thành phố. Thứ ba, tăng cường phối hợp giữa các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị có liên quan trong công tác bảo tồn, phát huy các di tích, di sản văn hóa, làng nghề, danh lam thắng cảnh gắn với phát triển du lịch. Thứ tư, gắn kết du lịch với văn hóa phải trên cơ sở phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, với truyền thống văn hóa của cộng đồng dân cư nơi có di sản văn hóa, làng nghề.

Từ đó, thành phố xác định 3 nhiệm vụ trọng tâm là: bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa, bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể và phát huy giá trị làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch địa phương. Trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể gắn với phát triển du lịch, thành phố khẩn trương xây dựng và triển khai thực hiện Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể TP. Cần Thơ giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”; phát huy giá trị di sản văn hóa thành sản phẩm du lịch đặc trưng của thành phố. Để phát huy tốt giá trị làng nghề gắn với du lịch, thành phố sẽ tập trung đầu tư phát triển các làng nghề tiêu biểu trên địa bàn thành điểm đến trong các tour, tuyến du lịch; đầu tư, cải tạo kết cấu hạ tầng làng nghề gắn với du lịch; tổ chức kết nối tour, tuyến du lịch gắn với tham quan, tìm hiểu làng nghề và giới thiệu một số sản phẩm tiêu biểu của làng nghề đến với các địa phương trong nước và thế giới.

Theo daibieunhandan.vn

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×