Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Cần Thơ: Phát huy du lịch văn hóa, tâm linh

03/06/2022 | 15:48

Du lịch văn hóa, tâm linh là một trong những loại hình nổi bật tại Cần Thơ bởi thành phố có nhiều di tích văn hóa, lịch sử, kiến trúc độc đáo. Mỗi năm, loại hình du lịch này thu hút đông đảo khách thập phương, nhất là trong các dịp lễ, Tết. Tuy nhiên, hoạt động du lịch văn hóa, tâm linh vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề, vẫn chưa phát huy hết tiềm năng.

Cần Thơ: Phát huy du lịch văn hóa, tâm linh - Ảnh 1.

Khảo sát tuyến du lịch văn hóa, tâm linh ở Ðền thờ Vua Hùng tại TP Cần Thơ. Ảnh: Kiều Mai

Những tồn tại 

Ðến Cần Thơ ít ai có thể bỏ qua đình Bình Thủy, một điểm đến có lịch sử văn hóa và kiến trúc độc đáo. Viếng đình vào những ngày tháng 5, du khách Phí Văn Lang (Hà Nội), cho biết: “Ðoàn tôi về thăm Cần Thơ được hướng dẫn viên đưa đến tham quan đình Bình Thủy. Ðình có kiến trúc rất đẹp, trạm trổ họa tiết độc đáo, không gian ở đây yên ắng, linh thiêng”. Ðình Bình Thủy là một trong những địa chỉ quen thuộc trong các tour tuyến ở Cần Thơ thường được các đơn vị lữ hành giới thiệu đến du khách. Tuy nhiên, lượng khách đến tham quan thường không ổn định và cũng tồn tại một số vấn đề. Theo chia sẻ của Ban Trị sự đình Bình Thủy, vấn đề trăn trở nhất là nhiều đoàn có hướng dẫn viên nhưng chưa hiểu đủ sâu và rộng về đình, nên làm cho du khách biết chưa đúng về lịch sử, kiến trúc của đình. Cái khó khác nữa là đình, chùa là nơi khách thập phương chiêm bái và thường không thu phí, do đó cũng rất khó quản lý nguồn khách.

Ông Lê Văn Mười, Phó trưởng Ban Trị sự đình Bình Thủy, chia sẻ: “Ðối với khách tham quan theo đoàn của các công ty lữ hành, chúng tôi mong muốn các đơn vị có thể liên hệ thuyết minh tại điểm hoặc Ban Trị sự đình để có những hướng dẫn phù hợp”. Ông Ðỗ Thanh Tùng, Giám đốc công ty TNHH Du lịch Thám hiểm và Sự kiện Ðồng bằng Mekong, cho biết: “Việc có thuyết minh viên tại điểm rất quan trọng. Qua Ban quản lý các điểm di tích hay thuyết minh viên tại điểm, chúng tôi mới biết hết cái hay, những điểm độc đáo ở mỗi điểm đến”.

Ông Nguyễn Văn Duy, Trưởng Ban Trị sự đình Tân An, cũng bày tỏ: “Ðình Tân An có lịch sử lâu đời, nằm trong nội ô thành phố nhưng thực tế rất ít người biết đến. Khách đến đây rất ít. Trên bản đồ du lịch hay các tour tuyến của các đơn vị lữ hành đều không có đình Tân An. Chúng tôi luôn mong muốn có những giải pháp và kết nối để du khách có thể biết đến đình Tân An nhiều hơn”.

Gỡ khó

Trên cơ sở định hướng xây dựng các tuyến tour về du lịch văn hóa, tâm linh, Trung tâm Phát triển Du lịch TP Cần Thơ đã tổ chức đoàn khảo sát với nhiều đơn vị lữ hành trên địa bàn thành phố, nhằm tìm ra những điểm bất cập, khó khăn để từng bước tháo gỡ. Ông Trần Thanh Nghị, Giám đốc Benthanh Tourist Cần Thơ, cho biết: “Du lịch văn hóa, tâm linh luôn nhu cầu thiết yếu liên quan đến đời sống tinh thần của du khách. Khi khách du lịch đến Cần Thơ cũng tìm đến nhiều điểm để chiêm bái, nhất là gần đây Cần Thơ có thêm điểm đến mới là Ðền thờ Vua Hùng. Qua khảo sát, chúng tôi biết thêm nhiều điểm đến mới và có cơ sở để các đơn vị lữ hành xây dựng các tuyến chuyên về du lịch văn hóa, tâm linh”. Ông Lê Văn Mười, Phó trưởng Ban Trị sự đình Bình Thủy, nói: “Việc khảo sát của các đơn vị lữ hành tạo động lực cho phát triển du lịch của đình ngày càng tốt hơn, mở ra cơ hội để du khách gần xa biết đến đình Bình Thủy nhiều hơn. Qua đó kết nối với các đơn vị lữ hành xây dựng những tour tuyến chặt chẽ hơn, khách tham quan ổn định hơn, các công tác tổ chức tốt hơn”. Ðồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Duy, Trưởng Ban Trị sự đình Tân An cũng cho rằng, qua khảo sát, các các đơn vị lữ hành sẽ nắm bắt được các hoạt động, những điểm độc đáo ở từng nơi, từ đó có thể xây dựng những tuyến tour hợp lý, thu hút du khách.

Tháo gỡ những khó khăn hiện có của các điểm đến, ông Ðỗ Thanh Tùng, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Thám hiểm và Sự kiện Ðồng bằng Mekong, cho rằng: “Ðối với khách đoàn, đơn vị lữ hành chúng tôi cần địa phương cung cấp nguồn để có thể liên hệ các thuyết minh tại điểm. Với khách lẻ, địa phương nên có đoạn ghi âm thuyết minh sẵn và phát ở các điểm đến. Thêm vào đó là các sơ đồ hướng dẫn để du khách dù đi riêng lẻ cũng có thể dựa theo các chỉ dẫn tham quan phù hợp. Ðối với các điểm trong nội ô, tôi cho rằng địa phương nên xây dựng các tuyến và phối hợp với các xe điện. Vì hiện nay, khách sử dụng dịch vụ khám phá nội ô bằng xe điện rất nhiều”. Trong khi đó, ông Trần Thanh Nghị, Giám đốc Benthanh Tourist Cần Thơ, cho rằng: “Muốn các điểm đến này thu hút nhiều du khách thì địa phương cần có nhiều dịch vụ phụ trợ đi kèm. Dựa trên lịch sử, văn hóa hay nét độc đáo ở mỗi điểm có thể xây dựng hay tái hiện các hoạt động phù hợp. Cụ thể, tại Ðền thờ Vua Hùng có thể xem xét các hỗ trợ về dâng hoa, dâng hương, lễ tưởng niệm…”.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám đốc phụ trách Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ, cho biết: “Cần Thơ có nhiều tiềm năng phát triển du lịch văn hóa, tâm linh bởi hệ thống các di tích văn hóa - lịch sử phong phú. Thời gian qua, các điểm này được quảng bá, kết nối đến các đơn vị lữ hành để có thể xây dựng những tuyến tour phù hợp. Hiện chúng tôi vẫn đang phối hợp với các địa phương để tìm cách khai thác hiệu quả các loại hình du lịch này. Chúng tôi chọn lọc các nội dung góp ý của các đơn vị lữ hành để có những điều chỉnh, làm mới và bổ sung các dịch vụ phù hợp để phát huy được tiềm năng của loại hình du lịch văn hóa, tâm linh”.

Cần Thơ hiện có 37 di tích văn hóa - lịch sử được công nhận, trong đó có 14 di tích cấp quốc gia và 23 di tích cấp thành phố.

UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 89/KH-UBND vào ngày 14/4/2021 về “Bảo tồn và phát huy di tích lịch sử - văn hóa, di sản văn hóa phi vật thể, làng nghề, danh lam thắng cảnh gắn với phát triển du lịch TP Cần Thơ giai đoạn 2021-2025”. Trong đó có 3 nhiệm vụ trọng tâm là: bảo tồn và phát huy giá trị của di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn thành phố, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể gắn với phát triển du lịch, phát huy giá trị làng nghề gắn với du lịch. Song song đó, địa phương cũng đang triển khai thực hiện Ðề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể TP Cần Thơ giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”. Ðây đều là những tiền đề tạo điều kiện cho du lịch văn hóa, tâm linh phát triển.

Theo Báo Cần Thơ

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×