Cần Thơ: Du lịch từng bước thích ứng và duy trì hoạt động
07/08/2021 | 16:50Phải làm gì trước những diễn biến khó lường của đại dịch COVID-19? Đó là câu hỏi thường trực của các đơn vị làm du lịch trong gần 2 năm qua khi dịch bệnh bùng phát và ngày càng phức tạp. Mỗi đơn vị đã cân nhắc lựa chọn những giải pháp riêng để thích ứng và duy trì hoạt động, nhằm có thể tạo lực đẩy tốt khi mọi việc bình ổn.
Nhiều làn sóng COVID-19 xảy đến và ngày càng phức tạp hơn, khiến không chỉ ngành Du lịch mà nhiều ngành nghề khác cùng gặp muôn vàn khó khăn. Tuy nhiên, là một ngành năng động và nhiều khả năng thích ứng, những đơn vị, cá nhân làm du lịch tự tìm lối đi để duy trì và chờ cơ hội trở lại.
Ông Nguyễn Hồng Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ Du lịch Hồng Hiếu, đã từng bước chuyển đổi hoạt động, lựa chọn những mô hình phù hợp theo từng thời điểm. Vốn là đơn vị lữ hành chuyên hướng đến thị trường khách nước ngoài, khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp khiến các đường bay quốc tế bị ngừng khai thác, công ty lúc đó chuyển sang tập trung thị trường khách nội địa, đồng thời chuyển hướng phát triển nông sản phục vụ du lịch với sự ra đời của Công ty TNHH phân phối xuất nhập khẩu thương mại TAYDOIMEX. Ông Nguyễn Hồng Hiếu cho biết: “Trong quá trình làm du lịch, du khách cũng hay hỏi đến Cần Thơ mua gì về làm quà. Tôi luôn trăn trở điều này và cũng nhận ra rằng nguồn nông sản ở các làng quê rất nhiều nhưng chưa được khai thác phù hợp. Do đó, tôi sản xuất nông sản sấy dẻo và cũng tìm được thị trường cung ứng phù hợp, đó là miền Bắc và các đối tác ở hợp tác du lịch hành lang phía Nam”.
Chuỗi cung ứng này đang hoạt động tốt thì dịch COVID-19 lại diễn biến phức tạp ở phía Nam và mọi hoạt động du lịch đều bị ngừng. Một lần nữa, những người làm du lịch phải thay đổi để thích ứng. Lần này, ông Nguyễn Hồng Hiếu lựa chọn lui về để xây dựng một mô hình hướng đến thị trường du lịch trong tương lai, đó là Hieu’s Cottage. Hieu’s Cottage được hình thành như một làng quê thu nhỏ, dựa trên văn hóa bản địa của vùng đất Phong Điền. Đây là khu phức hợp sinh thái theo tiêu chuẩn 4 sao, trong đó có những hạng mục nổi bật: Yoga Sky (khu sân thượng tập yoga với huấn luyện viên chuyên nghiệp, cách mặt đất khoảng 15m), khu phòng nghỉ trên cây với thiết kế thân thiện môi trường, sân tập golf, vườn vitamin (nơi ươm trồng các loại rau sạch). Ông Nguyễn Hồng Hiếu nói: “Để Hieu’s Cottage đi vào hoạt động là một thử thách không hề nhỏ. Trong giai đoạn này, chúng tôi tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các hạng mục còn dang dở, kỳ vọng là khi du lịch hoạt động trở lại thì Hieu’s Cottage cũng đã sẵn sàng để đón du khách trong diện mạo mới với nhiều trải nghiệm độc đáo, khó quên và đậm chất bản địa”.
Ngành Du lịch đang đứng trước nhiều thách thức khi đang bị tổn thất trên nhiều phương diện, nhất là tài chính và nhân lực. Nhưng vẫn có nhiều đơn vị chấp nhận rủi ro, biến nguy nan thành cơ hội để tạo lực đẩy thay đổi và phát triển với nhiều mô hình thích ứng hơn trong bối cảnh đại dịch. Bà Nguyễn Thị Ngọc Sương, Phó Giám đốc Haiau Tourist, người sáng lập Bảo Gia Farm, cho biết: “Dịch COVID-19 đã làm nhiều hoạt động của chúng tôi bị đình trệ, tuy nhiên điều đó không làm chúng tôi nản chí. Chúng tôi tập trung hơn cho việc hoàn thiện các hạng mục mới ở Bảo Gia Farm, như: nhà chung, vườn thuốc nam… phục vụ cho những hoạt động trải nghiệm mới trong các chương trình của đơn vị trong tương lai. Đồng thời, chúng tôi cũng bắt đầu dự án mới là những talk show trực tuyến để chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm về nông nghiệp, giáo dục, định hướng và du lịch”. Trong những ngày tạm dừng các hoạt động du lịch trải nghiệm, Bảo Gia Farm chuyển sang cung cấp nông sản sạch và nhận được nhiều đơn hàng. Nguồn rau quả đôi khi không đủ để phục vụ và khách hàng luôn trong tình trạng phải đặt trước. Mặt khác, các talk show của dự án cộng đồng MYW (Me-You-World) bắt đầu từ tháng 7 đã dần tạo được sự lan tỏa với nhiều chủ đề được quan tâm: môi trường, nông sản sạch, giáo dục, du lịch bền vững...
Thích ứng với hoàn cảnh là điều mà các đơn vị du lịch buộc phải có giải pháp để duy trì hoạt động giữa lúc dịch COVID-19 luôn diễn biến phức tạp. Bà Nguyễn Thị Khánh Linh, Phó Giám đốc phụ trách lưu trú Khách sạn Mường Thanh, cho biết ban lãnh đạo khách sạn cũng quyết định đăng ký trở thành điểm cách ly có trả phí. Ban lãnh đạo khách sạn đã làm việc với một số khách quen (lưu trú lâu dài) để bàn thảo những phương án phù hợp đảm bảo an toàn cho khách, tập huấn cho các nhân viên và xây dựng nhiều kịch bản ứng phó với các tình huống nguy cấp…
Tương tự, các đơn vị lữ hành, lưu trú, các điểm vườn, khu điểm du lịch Cần Thơ đều có sự năng động thích ứng theo diễn biến của đại dịch. Tiêu biểu như sự thích ứng sáng tạo của du lịch cộng đồng cồn Sơn. Sau mỗi đợt dịch bệnh bùng phát, người dân làm du lịch tại đây đều chủ động xây dựng những sản phẩm mới, từ “Cồn Sơn ngày mới” (2020) đến “Cồn Sơn hồi đó” (2021). Bà Phan Kim Ngân, thành viên làm du lịch cộng đồng tại cồn Sơn, một trong những kết nối chính của sản phẩm “Cồn Sơn hồi đó”, cho biết: “Sản phẩm “Cồn Sơn hồi đó” chỉ mới thử nghiệm nhưng dịch bệnh lại đến và chúng tôi lui về làm vườn như trước kia. Vừa sản xuất vừa gói bánh, làm mứt, góp chút công sức hỗ trợ tuyến đầu chống dịch. Các hoạt động tạm dừng nhưng người dân chúng tôi vẫn chăm sóc vườn tược và trau chuốt lại các sản phẩm để hoàn thiện hơn, có thể bắt đầu lại ngay khi du lịch hoạt động trở lại”.
“Du lịch ngủ đông” là cụm từ dùng để chỉ tình trạng của ngành công nghiệp không khói do tác động của đại dịch hiện nay. Tất cả đều cho rằng sau mùa đông, mùa xuân sẽ đến, với niềm tin dịch bệnh sẽ bị đẩy lùi và du lịch sẽ sung túc trở lại. Tuy nhiên, sự thích ứng và thay đổi là cần thiết bởi tâm lý và thị hiếu của du khách sẽ có nhiều thay đổi sau đại dịch. Những người làm du lịch phải nghiên cứu để có sự bắt nhịp phù hợp và an toàn./.