Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Cần Thơ: Định hướng bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa

26/10/2022 | 16:29

Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ vừa có chuyến khảo sát tình hình hoạt động tại các di tích lịch sử - văn hóa (LSVH) trên địa bàn thành phố. Các di tích đa dạng loại hình, có giá trị, là vốn quý tô điểm cho vùng đất Cần Thơ, hình thành nên bản sắc Tây Đô trong tiến trình phát triển. Tuy nhiên, làm sao bảo tồn và phát huy di tích là vấn đề được quan tâm.

Tăng cường công tác quản lý di tích

Cần Thơ: Định hướng bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa - Ảnh 1.

Đoàn khảo sát của Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ tham quan tại Đền thờ Châu Văn Liêm (huyện Thới Lai)

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ, toàn thành phố hiện có 38 di tích LSVH đã được xếp hạng, trong đó có 14 di tích quốc gia và 24 di tích cấp thành phố, cùng với 1 công trình văn hóa - tín ngưỡng là Đền thờ Vua Hùng tại TP Cần Thơ (quận Bình Thủy) và 1 công trình văn hóa tưởng niệm là Đền thờ Châu Văn Liêm (huyện Thới Lai).

Các di tích, công trình này hiện được phân cấp quản lý. Bảo tàng TP Cần Thơ trực tiếp quản lý Di tích LSVH cấp quốc gia Khám Lớn Cần Thơ (quận Ninh Kiều), Công an TP Cần Thơ quản lý Di tích LSVH cấp thành phố Trận Lê Bình (quận Cái Răng). Các di tích đã được xếp hạng còn lại do quận, huyện quản lý.

Hiện tại, có 5 quận, huyện thành lập Ban Quản lý di tích là Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng, Thốt Nốt và Phong Điền. Các quận, huyện có đội ngũ thuyết minh viên phục vụ tại các di tích là Ninh Kiều, Thốt Nốt, Bình Thủy, Cái Răng, Phong Điền, Thới Lai và Cờ Đỏ.

Ở huyện Thới Lai, các di tích, công trình tưởng niệm được huyện giao UBND xã trực tiếp khai thác, vận hành. Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Định Môn, cho biết: UBND xã Định Môn tiếp nhận Di tích LSVH cấp thành phố Chiến thắng Ông Đưa vào đầu năm 2021, chịu trách nhiệm quản lý, phát huy giá trị di tích. UBND xã đã thành lập Ban Quản lý di tích, xây dựng nội quy, quy chế hoạt động. Tương tự, sau khi tiếp nhận công trình Đền thờ Châu Văn Liêm, UBND xã Thới Thạnh đã thành lập Ban Quản lý do Phó Chủ tịch UBND xã làm trưởng ban.

Để đảm bảo các di tích LSVH trên địa bàn huyện Phong Điền hoạt động ổn định và tránh bị hư hại, UBND huyện đã thành lập Ban Quản lý tại các khu di tích, giao UBND xã, thị trấn nơi có di tích tọa lạc phối hợp Trung tâm Xúc tiến Thương mại - Du lịch và Quản lý di tích huyện trực tiếp quản lý, báo cáo tình hình hoạt động.

Bảo tồn và trùng tu di tích

Cần Thơ: Định hướng bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa - Ảnh 2.

Di tích quốc gia Mộ nhà thơ Phan Văn Trị (huyện Phong Điền) cần được mở rộng, nâng cấp

Nhiều năm qua, công tác bảo tồn và trùng tu di tích luôn được lãnh đạo các cấp trên địa bàn TP Cần Thơ quan tâm. Hầu hết các di tích LSVH được xếp hạng đều đã được đầu tư xây dựng. Việc trùng tu, tôn tạo cũng được thực hiện hiệu quả. Giai đoạn 2016-2022, có 26/38 lượt di tích được trùng tu với tổng kinh phí trên 160,5 tỉ đồng, trong đó nguồn kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa là 2,7 tỉ đồng, ngân sách nhà nước gần 135 tỉ đồng, còn lại hơn 23,2 tỉ đồng từ nguồn xã hội hóa.

Lãnh đạo Phòng Văn hóa và Thông tin quận Bình Thủy cho biết: Từ năm 2018 đến nay, có 3 di tích trên địa bàn đã được trùng tu, tôn tạo với tổng kinh phí 3,1 tỉ đồng, từ nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, gồm: Đình Bình Thủy (300 triệu đồng), Chùa Nam Nhã (2,3 tỉ đồng) và Khu tưởng niệm Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa (500 triệu đồng). Quận Bình Thủy cũng làm tốt công tác xã hội hóa trùng tu di tích. Điển hình là xã hội hóa nâng cấp sân Đình Bình Thủy chống ngập trị giá 87 triệu đồng, di dời cổng di tích chùa Long Quang với kinh phí 300 triệu đồng và sơn toàn bộ di tích Khu tưởng niệm Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa trị giá 500 triệu đồng. UBND quận cũng trùng tu, tu bổ di tích Căn cứ Vườn Mận với tổng kinh phí gần 850 triệu đồng từ nguồn kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản.

Lãnh đạo Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Phong Điền thì cho biết: Huyện có 2 di tích cấp quốc gia và 4 di tích cấp thành phố. Nhiều năm qua, việc đầu tư trùng tu, mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động tại các khu di tích luôn được thực hiện có trọng tâm, hiệu quả.

Tuy nhiên, tại buổi làm việc với đoàn khảo sát của Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ, các địa phương cũng đề xuất về công tác đầu tư xây dựng, trùng tu di tích. Huyện Phong Điền kiến nghị đẩy nhanh tiến độ bồi hoàn, giải phóng mặt bằng và xây dựng các hạng mục công trình của Khu Di tích Lộ Vòng Cung; sớm hoàn thành hồ sơ đề nghị công nhận Di tích quốc gia đặc biệt với Di tích Khảo cổ học Nhơn Thành. Ông Nguyễn Thanh Hoàng, Phó trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Phong Điền, đề xuất cấp có thẩm quyền sớm phê duyệt và đầu tư xây dựng bờ kè, hệ thống chiếu sáng và tường rào Khu di tích “Địa điểm đế quốc Mỹ thảm sát đồng bào vô tội tại Cầu Nhiếm năm 1966”. Tương tự, sớm đầu tư nâng cấp tuyến đường và bờ kè vào Khu di tích Mộ Nhà thơ Phan Văn Trị và có phương án mở rộng di tích trong thời gian tới.

Cũng theo ông Nguyễn Thanh Hoàng, huyện Phong Điền đề xuất mở rộng Khu di tích Chiến thắng Ông Hào thêm khoảng 2ha để kết hợp làm du lịch, nghỉ dưỡng trải nghiệm. Khu di tích Giàn Gừa cũng cần mở rộng để đảm bảo thông thoáng và nhất là tạo môi trường sinh thái cho cây gừa phát triển.

Riêng trên địa bàn quận Bình Thủy, khi vào mùa nước, triều cường thường xuyên gây ngập khuôn viên nhiều di tích quốc gia, ảnh hưởng đến hoạt động cũng như phương hại cơ sở vật chất, hiện vật di tích. Địa phương kiến nghị cấp thẩm quyền có phương án khắc phục hiệu quả.

Để di tích phát huy giá trị xứng tầm

Tham gia đoàn khảo sát, đồng chí Lư Văn Điền, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Cần Thơ và đồng chí Lê Nam Giới, nguyên Bí thư Thành ủy Cần Thơ, đánh giá cao giá trị của các di tích LSVH trên địa bàn thành phố.

Đồng chí Lê Nam Giới cho biết: Từ chuyến khảo sát, có thể ghi nhận nỗ lực của Cần Thơ qua nhiều giai đoạn đã tập trung xây dựng nhiều công trình di tích rất tầm vóc, khang trang, xứng tầm với công lao, đóng góp của ông cha ta. Có thể kể đến như Đền thờ Châu Văn Liêm, Khu tưởng niệm Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa, Khu di tích Chiến thắng Ông Hào... Tuy nhiên, đồng chí Lê Nam Giới cũng cho rằng, bên cạnh đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, cần quan tâm làm sao khai thác, phát huy giá trị. Trước hết là về ý nghĩa, làm sao để thế hệ hôm nay và mai sau thấy được truyền thống, công lao của ông cha, của tổ tiên chúng ta, từ đó làm nền tảng phát huy xây dựng TP Cần Thơ ngày càng phồn thịnh. Bước đầu công việc được làm tương đối tốt, ví dụ như các trường học, đoàn thể, nhất là Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đến tham quan di tích, hoặc việc kết hợp tham quan di tích trong các tour du lịch Cần Thơ.

Đồng chí Lê Nam Giới cũng nhận định, bên cạnh nhiều công trình được xây dựng tầm vóc thì một số di tích đã xây dựng rồi nhưng chưa xứng tầm. Ví dụ như Di tích quốc gia Cơ quan Đặc ủy An Nam Cộng sản Đảng Hậu Giang (1929-1930) nằm gần chợ Bình Thủy còn rất chật hẹp, cần thiết mở rộng. Hay với Di tích quốc gia Mộ nhà thơ Phan Văn Trị ở Phong Điền, quy mô cũng còn rất nhỏ hẹp, cần nâng tầm để xứng đáng vị thế của một danh nhân. Đồng chí Lê Nam Giới cũng trăn trở: Ai cũng biết Cần Thơ có Lộ Vòng Cung, nơi mà không biết bao nhiêu cán bộ chiến sĩ của chúng ta trong cả nước này đã tập trung về đây để chiến đấu ở mục tiêu cuối cùng của Tây Nam Bộ và đã ngã xuống. Nhưng vì nhiều lý do khác nhau, đến nay Cần Thơ vẫn chưa thực hiện được công trình Di tích LSVH quốc gia Lộ Vòng Cung. “Mong muốn lớn nhất của tôi ngay bây giờ là dù khó khăn đến đâu đi nữa, chúng ta cũng phải cố gắng hoàn thành công trình này, vừa nói lên truyền thống yêu nước của dân tộc ta, truyền thống chiến đấu của lực lượng vũ trang của chúng ta, vừa cũng là đền ơn đáp nghĩa với những người đã ngã xuống cho chúng ta có được TP Cần Thơ loại I trực thuộc Trung ương hôm nay”, đồng chí Lê Nam Giới chia sẻ.

Ngoài ra, các đồng chí nguyên lãnh đạo Cần Thơ cũng mong muốn các địa phương, cơ quan chuyên môn quan tâm hơn nữa trong trưng bày, phục vụ khách tham quan; sưu tầm thêm hiện vật, tư liệu. Các di tích cần có thêm cây xanh, tạo cảnh quan và bóng mát. Ban Tuyên giáo Thành ủy và Ban Tuyên giáo các Quận ủy, Huyện ủy kết hợp với cơ quan quản lý nhà nước trong việc giáo dục di sản, phát huy giá trị di tích, thu hút đông đảo nhân dân và du khách đến thăm viếng, học tập.

Sau chuyến khảo sát này, Ban Tuyên giáo Thành ủy sẽ tổng hợp thực trạng, các đề xuất, kiến nghị của địa phương và các thành viên trong đoàn để tham mưu Thành ủy Cần Thơ có những chỉ đạo trong thời gian tới.

Theo Báo Cần Thơ

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×