Cần Thơ: Bảo vệ và lưu truyền cho thế hệ sau những giá trị đặc trưng của di sản văn hóa phi vật thể
18/06/2021 | 08:03Đó là mục tiêu quan trọng của Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) TP Cần Thơ, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” vừa được UBND TP Cần Thơ phê duyệt đề cương.
Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị DSVHPVT TP Cần Thơ, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch lập. Mục tiêu chung của đề án là tiếp tục thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về di sản văn hóa. Đề án hướng đến mục tiêu bảo vệ và lưu truyền cho thế hệ sau những giá trị đặc trưng của DSVHPVT; đồng thời, nâng cao nhận thức, lòng tự hào dân tộc và huy động sự tham gia của người dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị DSVHPVT, phấn đấu trở thành nội lực góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố theo hướng bền vững.
Đề án được xây dựng trên cơ sở khái quát môi trường tự nhiên và xã hội, phân tích bối cảnh, các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố cũng như bối cảnh trong nước và quốc tế. Đề án tiến hành phân tích, đánh giá thực trạng hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị DSVHPVT TP Cần Thơ. Từ đó, xác định định hướng các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Một số chuyên đề trong đề án này là phân tích thực trạng và đề xuất giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản: Đờn ca tài tử, Văn hóa Chợ nổi Cái Răng, lễ hội... và việc khai thác giá trị DSVHPVT phục vụ phát triển du lịch.
Tính đến cuối năm 2019, Cần Thơ đã kiểm kê, ghi nhận và đưa vào danh mục 109 loại hình DSVHPVT. Cần Thơ có 5 DSVHPVT quốc gia là: Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ, Văn hóa chợ nổi Cái Răng, Lễ hội Kỳ yên đình Bình Thủy, Hò Cần Thơ và Hát ru của người Việt ở Cần Thơ. Toàn TP Cần Thơ hiện có khoảng 70 lễ hội, trong đó có khoảng 20 lễ hội truyền thống, diễn ra thường niên.