Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Cần sớm tu bổ, phục hồi di tích lịch sử Chín Hầm

09/04/2022 | 17:20

Được mệnh danh là "địa ngục trần gian", chứng tích lịch sử, Di tích lịch sử cấp Quốc gia Chín Hầm tại Thừa Thiên Huế đang bị xuống cấp nghiêm trọng sau một thời gian dài, cần sớm được tu bổ, phục hồi.

Chứng tích lịch sử xuống cấp

Nằm cách trung tâm TP Huế khoảng 6 km về phía Tây Nam, ngay dưới chân núi Thiên Thai thuộc phường An Tây, Di tích lịch sử Chín Hầm vốn là kho vũ khí do quân đội Pháp xây dựng từ năm 1941 bằng bê tông cốt thép.

Năm 1945, sau sự kiện Nhật đảo chính Pháp, Nhật đã lấy toàn bộ vũ khí ở đây, khu Chín Hầm bị bỏ trống. Từ sau năm 1954, dưới thời chính quyền Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Cẩn đã cải tạo Chín Hầm trở thành nơi giam cầm các chiến sĩ cách mạng và những người yêu nước.

Cần sớm tu bổ, phục hồi di tích lịch sử Chín Hầm - Ảnh 1.

Di tích lịch sử Chín Hầm.

Tên gọi di tích là Chín Hầm nhưng thực ra có 8 hầm và 1 pháo đài canh, cũng là nơi ở của binh lính. Mỗi hầm có mỗi chức năng riêng. Các hầm được xây dựng theo kiểu bán quân sự nửa chìm nửa nổi. Căn hầm lớn nhất có diện tích 85m2, căn nhỏ nhất 41m2. Đây được xem là "địa ngục trần gian", trong đó điển hình là hầm số 8 được ngăn thành 2 dãy xà lim kiểu chuồng cọp chỉ vừa 1 người (1,8m x 1,8m x 0,8m).

Sau vụ đảo chính ngày 1/11/1963, chính quyền Ngô Đình Diệm sụp đổ, các căn hầm này cũng bị đập phá. Để tưởng nhớ những chiến sĩ cộng sản, những đồng bào yêu nước đã ngã xuống tại Chín Hầm, đồng thời để ghi dấu tội ác của kẻ thù, ngày 16/12/1993, Bộ Văn hóa, Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) đã có quyết định 2015/QĐ-BT công nhận di tích Chín Hầm là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.

Cần sớm tu bổ, phục hồi di tích lịch sử Chín Hầm - Ảnh 2.

Đường lên hầm số 8.

Năm 2003, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có Quyết định tạm giao khu quy hoạch Chín Hầm cho Công ty CP Du lịch Hương Giang quản lý. Tiếp đến là Quyết định về việc tạm giao đất cho đơn vị này để xây dựng khu tưởng niệm tại Khu chứng tích Chín Hầm vào năm 2004.

Để phát huy giá trị di tích, Công ty CP Du lịch Hương Giang đã xây dựng các công trình: Đền tưởng niệm, khu tượng đài, 2 nhà đón tiếp khách tham quan, cải tạo hệ thống đường đi lại tham quan, cải tạo 2 hồ nước, phục dựng lại hầm số 8.

Cần sớm tu bổ, phục hồi di tích lịch sử Chín Hầm - Ảnh 3.

Tái hiện bên trong một hầm thuộc Di tích lịch sử Chín Hầm.

Cần sớm tu bổ, phục hồi di tích lịch sử Chín Hầm - Ảnh 4.

Đến ngày 18/3/2013, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Quyết định giao di tích Chín Hầm cho Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng (nay là Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế) trực tiếp quản lý. Trải qua thời gian, hiện nay một số hạng mục công trình của di tích bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, nhưng chưa được đầu tư nguồn vốn để tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp.

"Sau này khi Công ty CP Du lịch Hương Giang bàn giao lại cho Bảo tàng Lịch sử tỉnh vào năm 2013, đến nay vẫn chưa được bảo tồn, tôn tạo, nhiều hạng mục xuống cấp vì nhiều nguyên nhân khác nhau", ông Nguyễn Đức Lộc, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay.

Cần sớm được tu bổ, phục hồi

Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, dù trong điều kiện trang thiết bị, cơ sở vật chất bị xuống cấp, thiếu thốn, nguồn kinh phí hết sức khó khăn, nhưng đơn vị vẫn thường xuyên bố trí cán bộ hướng dẫn, thuyết minh tuyên truyền phục vụ du khách đến tham quan, nghiên cứu và học tập. Bên cạnh đó, Bảo tàng cũng đã lập biển nội quy tham quan, biển giới thiệu nội dung tại di tích và tiến hành cắm mốc xác định các khu vực bảo vệ và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhằm hạn chế việc vi phạm xâm lấn…

Cần sớm tu bổ, phục hồi di tích lịch sử Chín Hầm - Ảnh 5.

Những chứng tích còn sót lại theo thời gian.

Để kịp thời ghi nhận hiện trạng, giữa tháng 2/2022, Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan, tiến hành khảo sát, đánh giá hiện trạng di tích. Qua khảo sát, các thành viên tham dự đã có ý kiến và thống nhất nhiều nội dung đề nghị Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế báo cáo Sở VHTT trình UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thống nhất hạng mục thực hiện dự án Bảo tồn, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử Khu vực Chín Hầm.

Cụ thể, các ý kiến đồng tình trùng tu phục dựng lại các căn hầm theo tính nguyên gốc, riêng hầm số 8 sẽ tiến hành tu bổ, tôn tạo, chỉnh trang lại; Đề xuất giải tỏa mồ mã đưa ra khỏi khu vực di tích; Xây dựng nhà chuông tại khu vực đền tưởng niệm để tăng thêm tính tôn nghiêm, phục vụ du khách đến dâng hương tưởng niệm; Chỉnh trang làm lại hệ thống trưng bày bổ sung phục vụ tham quan, làm sa bàn khu chứng tích để giới thiệu tổng quan; Tiến hành gia cố mái, xây dựng taluy chống sạt lỡ phía sau đền thờ, chống đỡ hệ thống đòn tay, trần... bị hư hỏng, mối mọt; Cải tạo sửa chữa hồ nước, hệ thống tường rào, đường đi lại bị nứt bể, bong tróc… lắp đặt hệ thống phòng cháy, chữa cháy, điện chiếu sáng…

Cần sớm tu bổ, phục hồi di tích lịch sử Chín Hầm - Ảnh 6.

Tượng đài trong khuôn viên Di tích lịch Chín Hầm.

Theo Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế, khu vực Chín Hầm là một kiểu nhà tù đặc biệt trong hệ thống nhà tù ở nước ta từ trước đến nay. Do đó, cần bảo tồn khu chứng tích đặc biệt này cho các thế hệ mai sau biết đến, hiểu được cuộc sống đầy hy sinh gian khổ, đau đớn của những chiến sĩ cách mạng, của các tầng lớp nhân dân, trí thức yêu nước khi bị quân thù giam giữ tra tấn, để các thế hệ hôm nay và mai sau xác định cho mình trách nhiệm, nghĩa vụ, tình cảm biết ơn đối với các thế hệ cha ông.

"Đây là địa điểm lịch sử cách mạng gắn với địa phương, vì thế việc bảo tồn, tôn tạo sẽ giúp di tích Chín Hầm trở thành một điểm dừng chân, giáo dục tinh thần yêu nước, kết hợp với nhiều hoạt động về nguồn", ông Nguyễn Đức Lộc cho hay.

Xin điều chỉnh sớm thời gian tu bổ

Theo Nghị quyết số 18/2020/NQ-HĐND ngày 7/12/2020 của HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc hỗ trợ đầu tư bảo quản, tu bổ, phục hồi các di tích đã được xếp hạng (nằm ngoài Quần thể di tích Cố đô Huế) trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 thì dự án Bảo tồn, tu bổ, phục hồi Khu chứng tích lịch sử Chín Hầm được thực hiện theo giai đoạn từ năm 2026-2028.

Tuy nhiên, trước thực trạng xuống cấp nghiêm trọng của di tích, Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế đã có văn bản đề nghị Sở VHTT xem xét, báo cáo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế điều chỉnh thời gian thực hiện dự án sang giai đoạn 2021-2025.


Lê Chung

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×