Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Cần làm gì để doanh nghiệp du lịch phục hồi sau Covid-19?

01/11/2021 | 14:53

Dịch bệnh Covid-19 đã tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp du lịch triển khai các sản phẩm mới dựa trên nền tảng công nghệ, các loại hình du lịch truyền thống không còn phù hợp. Để chớp lấy cơ hội thay đổi này, nhiều doanh nghiệp đã âm thầm chuyển đổi nhằm phù hợp với xu hướng du lịch của du khách thời kỳ hậu Covid-19. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng bày tỏ quan điểm cần có sự thống nhất, đồng bộ về chính sách từ Trung ương đến địa phương.

Cần làm gì để doanh nghiệp du lịch phục hồi sau Covid-19? - Ảnh 1.

Hình minh họa.

Ngoài an toàn còn phải nâng tầm dịch vụ

Bà Trần Nguyện, Trưởng Ban Kinh doanh Khối Sun World (Tập đoàn Sun Group) cho rằng, vấn đề du lịch hậu Covid-19 là cơ hội để chúng ta định vị lại ngành du lịch, làm du lịch một cách chuyên nghiệp và bài bản hơn. Theo đó, điều mà doanh nghiệp này trăn trở trong thời gian qua là làm thế nào để nâng tầm ngành du lịch. 

Bà Nguyện nêu quan điểm, du khách hậu Covid-19 ngoài vấn đề an toàn, họ ưu tiên thiên nhiên biển đảo và nâng tầm trải nghiệm về du lịch và dịch vụ. Để đáp ứng vấn đề này, doanh nghiệp du lịch cần nâng tầm về sản phẩm và dịch vụ. Về sản phẩm du lịch, có thể đầu tư theo nhu cầu của khách hàng, liên tục làm mới để đáp ứng nhu cầu khách hàng.

Bên cạnh đó, cần nâng tầm chất lượng dịch vụ trong ngành du lịch. Đây là vấn đề cần nghiêm túc nhìn lại, cần hướng tới mục tiêu khách quốc tế đến Việt Nam không chỉ vì rẻ, vì chi phí thấp, mà du khách tới Việt Nam bởi thiên nhiên tươi đẹp, bởi văn hóa đặc sắc, bởi chất lượng dịch vụ nữa. 

"Cần có sự vào cuộc của các bộ ban ngành, các doanh nghiệp và các cơ quan báo chí truyền thông để nâng cao ý thức đi du lịch của du khách để tạo ra một nền du lịch bền vững" - bà Trần Nguyện bày tỏ.

Mong muốn các chính sách vĩ mô

Theo bà Nguyễn Lê Hương, Phó Tổng Giám đốc Vietravel, để du lịch phát triển nhanh nhất thời kỳ hậu Covid-19, cần sự thống nhất, đồng bộ những chính sách vĩ mô chung trong cả nước. Đó là điều kiện tiên quyết để du lịch phục hồi. Bởi, nếu không có những giải pháp tổng thể để các địa phương mỗi nơi một chính sách, thì rõ ràng việc triển khai sẽ rất khó khăn.

Trong Nghị quyết 128 mà Chính phủ mới ban hành cũng có đề cập đến vaccine hiện nay là điều kiện tiên quyết. Vì vậy, việc đánh giá lại tỷ lệ vaccine ở tất cả các địa phương để đưa ra các chính sách và bản đồ vaccine là điều kiện rất quan trọng để người dân và du khách thấy được sự an toàn. 

"Chỉ khi vaccine được tiêm, nơi đến và nơi đi an toàn, người dân mới trở lại với du lịch. Đó mới là chính sách vĩ mô để giúp khôi phục kinh tế. Còn mọi nỗ lực của các doanh nghiệp, nhà cung cấp cũng không thể nào kích lại du lịch nếu chúng ta không có điều kiện tiên quyết này" - bà Lê Hương nêu quan điểm. 

Theo đại diện doanh nghiệp Vietravel, nhiều chuyên gia nước ngoài sang Việt Nam muốn đi du lịch đều không được, bởi vì hiện tại các chính sách của chúng ta hiện tại vẫn chưa áp dụng cho việc đi du lịch. 

Doanh nghiệp này cho rằng, cần có những chính sách vĩ mô và thông điệp về truyền thông. Đồng thời, đề xuất với Chính phủ sớm sớm có đánh giá về các đường bay, chuyến bay quốc tế của các đơn vị trong khu vực ASEAN cũng như quốc tế để có định hướng sớm. Từ đó các doanh nghiệp, nhà cung cấp có kế hoạch để triển khai hoạt động. 

Về hướng dẫn viên hay các lĩnh vực bị ảnh hưởng trong thời gian qua, bà  Nguyễn Lê Hương cho biết, đối với riêng doanh nghiệp Vietravel, năm 2021, chỉ đạt doanh thu 10%  trong 7 tháng đầu năm. Còn 5 tháng từ 11/5 đến hết 30/10 hầu hết doanh thu bằng 0. Lượng nhân viên làm việc chỉ từ 3-5%. 

"Vietravel chúng tôi có 2 mảng là hàng không và du lịch, việc hỗ trợ đối với các hướng dẫn viên hay nhân viên là động viên về tinh thần, để mọi người cảm thấy có sự động viên nhằm trở lại với công việc, nhưng vẫn còn các thủ tục hành chính cản trở và còn nhiều hạn chế" - bà Lê Hương phản ánh.

Từ đó, bà cho rằng cần có những thủ tục riêng cho ngành du lịch, ngành cuối cùng quay trở lại phục hồi sau Covid-19. Bản thân các doanh nghiệp cũng đã có những hỗ trợ. Tuy nhiên, cũng có những hướng dẫn viên tự do, chỉ ký hợp động nhất định theo chuyến với doanh nghiệp, thì việc xin hỗ trợ rất khó khăn. 

Bà Nguyễn Lê Hương, một lần nữa mong muốn tất cả những chính sách vĩ mô sớm được ban hành tạo điều kiện cho doanh nghiệp du lịch sớm phục hồi trở lại.

Bảo Trân

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×