Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Cần có cách nhìn “động” hơn về các giá trị gia đình

02/07/2021 | 14:38

Tại Hội thảo “Đưa Nghị quyết Đại hội XIII vào cuộc sống - Vun đắp giá trị gia đình Việt Nam: Nhận diện và giải pháp” do Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phối hợp cùng Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới tổ chức, rất nhiều đại biểu đều có chung nhận định cần gợi mở các tiêu chí để xây dựng gia đình hạnh phúc trong thời kỳ mới.

Cần có cách nhìn “động” hơn về các giá trị gia đình - Ảnh 1.

Nhiều ý kiến được đưa ra tại Hội thảo

Trong đó yếu tố về chất lượng mối quan hệ của các thành viên gia đình, bao gồm sự yêu thương, gắn kết, chia sẻ, hòa thuận, chăm sóc giữa các thành viên, giữa các thế hệ trong gia đình được nhiều đại biểu quan tâm.

Gia đình Việt đứng trước nhiều thách thức

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga nhấn mạnh, trong bối cảnh đất nước ngày càng phát triển, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, có nhiều tác động cả tích cực và tiêu cực, gia đình Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức: Nhiều vấn đề mới xuất hiện, gia đình truyền thống ngày càng thu hẹp, các quan hệ tự do, cởi mở về hôn nhân và gia đình xuất hiện, tình trạng ly hôn, sống đơn thân, ngại sinh con cùng với tình trạng buông lỏng giáo dục gia đình, lối sống thực dụng, chạy theo vật chất chi phối thái độ, ứng xử các thành viên trong gia đình và xã hội.

Trước sự bùng nổ của kỹ thuật số, cách mạng công nghiệp 4.0, internet và mạng xã hội, PGS.TS Trần Thị Minh Thi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới cho rằng, cần có cách nhìn “động” hơn về các giá trị gia đình. Theo bà, có 4 giá trị cần đặc biệt quan tâm bao gồm an toàn, thịnh vượng, bình đẳng và trách nhiệm. Bà Trần Thị Minh Thi cho biết, việc bùng nổ các thiết bị thông minh khiến cá nhân dễ đắm chìm trong thế giới ảo và giảm các giao tiếp trực tiếp trong gia đình, trong xã hội. Trí tuệ nhân tạo và tự động hóa một mặt mang lại tiềm năng lớn giải phóng sức lao động của con người, nhưng mặt khác, đang tạo nên một thế giới tình yêu, hôn nhân ảo-như robot tình dục, hẹn hò trực tuyến... có nguy cơ tạo nên một thế hệ trẻ không cần tình yêu, thậm chí không cần cả tình dục, không cần gia đình, không cần con cái, đe dọa trực tiếp đến sự tồn tại và bền vững của các quan hệ gia đình trong thế giới thực.

Yếu tố quyết định là các giá trị tinh thần

PGS.TS Trần Thị Minh Thi nhấn mạnh: “Thực tế, một số quốc gia trên thế giới đã ghi nhận hiện tượng nam giới hẹn hò và cưới robot tình dục hoặc một thế hệ trẻ đắm chìm trong thế giới công nghệ mà lảng tránh đời sống thực. Đây là một nét rất mới của bối cảnh chuyển đổi khiến cho cấu trúc của gia đình, dòng họ và mối quan hệ gia đình sẽ chịu ảnh hưởng”. Trước tác động này, PGS.TS Trần Thị Minh Thi cho rằng, những giá trị gia đình được định hình thông suốt và thống nhất được thể hiện trong các văn kiện Đại hội Đảng là “ấm no”, “tiến bộ”, “hạnh phúc”, “văn minh”, “bình đẳng”. Đây là những giá trị quan trọng, mang hàm nghĩa rộng mà đời sống xã hội có những biểu hiện cụ thể hơn.

Tham luận của TS Trần Tuyết Ánh, Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ VHTTDL) được nhiều người chú ý khi bà khẳng định việc nhận diện tiêu chí gia đình hạnh phúc là điều không hề đơn giản. Theo bà Ánh, Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII xác định: “Xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh”. Gia đình hạnh phúc vừa là động lực, vừa là mục tiêu của mỗi cá nhân cũng như toàn xã hội. Tuy nhiên, rất khó để trả lời câu hỏi “Thế nào là gia đình hạnh phúc?” và “Những tiêu chí nào là cơ sở để để xác định, đánh giá được gia đình hạnh phúc?”. Trong bối cảnh đó, năm 2018-2019, Vụ Gia đình tiến hành đề tài khoa học cấp Bộ “Nghiên cứu xây dựng tiêu chí đánh giá gia đình hạnh phúc trong giai đoạn hiện nay”. Bà Trần Tuyết Ánh thông tin, số liệu thu được cho thấy, các yếu tố liên quan đến mối quan hệ gia đình và giá trị gia đình như sự thương yêu, hòa thuận, có nề nếp giữa các thành viên được đánh giá là điều kiện quan trọng nhất tạo dựng gia đình hạnh phúc. Trong số 21 yếu tố được đưa ra, các yếu tố liên quan đến mối quan hệ bên trong gia đình được lựa chọn với số điếm cao nhất. Đặc biệt tiêu chí: Con cháu ngoan, lễ phép, chăm chỉ học tập, làm việc; thành viên gia đình yêu thương, đùm bọc lẫn nhau được cho là quan trọng khi xác định gia đình hạnh phúc. Các yếu tố liên quan đến điều kiện vật chất cũng được đánh giá là quan trọng nhưng ở mức thấp hơn so với các yếu tố liên quan đến quan hệ gia đình và quan hệ với dòng họ, cộng đồng. Được lựa chọn nhiều nhất là điều kiện về môi trường sống, tiếp đến là tiêu chí có nhà ở, đủ tiện nghi sinh hoạt, có việc làm, có thu nhập ổn định, sử dụng thực phẩm an toàn.

Bà Trần Tuyết Ánh khẳng định, gia đình hạnh phúc được xác định bởi nhiều yếu tố khác nhau nhưng đặt lên trên hết là yếu tố về chất lượng mối quan hệ của các thành viên gia đình, bao gồm sự yêu thương, gắn kết, chia sẻ, hòa thuận, chăm sóc giữa các thành viên, giữa các thế hệ trong gia đình. Mức độ hài lòng về mối quan hệ gia đình được đánh giá trên các chiều cạnh đời sống vợ/chồng, mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, mối quan hệ họ hàng bên nội, bên ngoại… Kết quả nghiên cứu cho thấy một điều khá thú vị, đó là các gia đình đề cao các yếu tố tình cảm, mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình chứ không phải các yếu tố vật chất, do đó. Theo bà Ánh, về mặt chính sách, nhà nước cần tiếp tục nâng cao điều kiện sống cho các gia đình nói chung. Song song với quá trình đó là sự đầu tư, nuôi dưỡng, duy trì các hệ giá trị tốt đẹp của gia đình để “xây dựng đời sống tinh thần” của thiết chế xã hội cơ bản này.

ĐÀO ANH, Báo Văn Hóa

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×