Cái “bắt tay” phát triển du lịch Bắc Trung bộ
14/06/2022 | 08:32Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Bắc Trung bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt xác định mục tiêu chung phấn đấu đến năm 2030, vùng Bắc Trung bộ trở thành trọng điểm phát triển du lịch của cả nước, góp phần quan trọng vào nỗ lực giảm nghèo và là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Để “hiện thực hóa” mục tiêu ấy, trong những năm qua, Thanh Hóa cùng các địa phương vùng Bắc Trung bộ đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả.
Nắm tay nhau, cùng phát triển...
Hoạt động hợp tác phát triển du lịch 4 tỉnh Bắc Trung bộ (Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh - Quảng Bình) được triển khai từ đầu năm 2016 với sự hỗ trợ kỹ thuật của "Chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội” (EU-ESRT). Trong những năm qua, Thanh Hóa và các địa phương vùng Bắc Trung bộ đã chủ động hợp tác, liên kết phát triển du lịch, tổ chức thành công nhiều sự kiện xúc tiến du lịch quy mô lớn như: tổ chức chương trình roadshow giới thiệu du lịch các tỉnh Bắc Trung bộ tại Lào và Thái Lan (tháng 7-2018); tổ chức đón đoàn famtrip các tỉnh Đông Bắc Thái Lan đến khảo sát các điểm du lịch tại 4 tỉnh: Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh - Quảng Bình (tháng 11-2018); tổ chức Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch với chủ đề “Ba địa phương, một điểm đến, nhiều trải nghiệm” trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam (VITM) diễn ra tại Hà Nội (tháng 3-2022)...
Thông qua công tác phối hợp xúc tiến du lịch đã tạo được hiệu ứng tích cực trong việc quảng bá hình ảnh du lịch chung của 4 tỉnh, giúp các doanh nghiệp 4 tỉnh tạo sự liên kết cũng như tìm kiếm các đối tác, mua bán các sản phẩm dịch vụ nói riêng..., góp phần lan tỏa, quảng bá hình ảnh du lịch Bắc Trung bộ đến gần hơn với khách du lịch trong nước và quốc tế. Việc nhận thức về liên kết phát triển du lịch của các địa phương trong vùng đã bước đầu xây dựng được nền tảng, phương hướng hợp tác, tạo ra hành lang pháp lý cho các tỉnh trong việc xây dựng kế hoạch hoạt động của địa phương. Hiệu quả quản lý Nhà nước về du lịch từng bước được nâng cao. Việc liên kết du lịch giữa các tỉnh Bắc Trung bộ bước đầu góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, hình thành mối liên kết du lịch mang tính liên vùng và tạo điều kiện mở rộng liên kết phát triển du lịch giữa các tỉnh, vùng với các trung tâm du lịch và các địa phương trong nước, tạo cầu nối liên kết du lịch với các nước trong khu vực. Chính sách về xúc tiến quảng bá, phát triển sản phẩm đã thúc đẩy công tác quy hoạch, định vị thị trường, xác định hướng thu hút đầu tư hạ tầng và cơ sở vật chất chuyên ngành, các chương trình hợp tác phát triển du lịch đã được thực hiện việc xây dựng các cơ chế thu hút đầu tư về du lịch, xúc tiến quảng bá, phát triển sản phẩm du lịch một cách thống nhất. Các chương trình liên kết đã bước đầu kết nối không gian du lịch vùng Bắc Trung bộ, khắc phục sự chia cắt về du lịch trong từng địa phương. Với những nỗ lực đó, năm 2019 (khi chưa bùng phát dịch COVID-19), 4 tỉnh Bắc Trung bộ đã đón hơn 25 triệu khách du lịch, trong đó đón 776.620 lượt khách quốc tế, tổng thu trên 34 nghìn tỷ đồng.
Ngành du lịch Thanh Hóa trên bản đồ du lịch Bắc Trung bộ
Là tỉnh luôn xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, ngay sau khi có chủ trương của Chính phủ “mở cửa” du lịch (tháng 3–2022), ngành du lịch Thanh Hóa đã nhanh chóng khởi động và tăng tốc. Nắm bắt được nhu cầu du lịch tăng cao sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, UBND tỉnh Thanh Hóa đã tập trung chỉ đạo tổ chức trên 40 sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch hấp dẫn, nổi bật như: Lễ công bố biểu trưng và khẩu hiệu du lịch Thanh Hóa – “Hương sắc bốn mùa”, phát động kích cầu du lịch năm 2022 và đón khách quốc tế đến Thanh Hóa; Lễ ra mắt sản phẩm du lịch thông minh và đón khách tham quan Chính điện Lam Kinh; Lễ hội Du lịch biển Hải Tiến; Lễ hội Du lịch biển Nghi Sơn; Tuần Văn hóa TP Thanh Hóa – TP Hội An; đặc biệt là sự kiện Lễ kỷ niệm 115 năm du lịch Sầm Sơn, 5 năm thành lập TP Sầm Sơn thuộc tỉnh Thanh Hóa và khai mạc Lễ hội du lịch biển năm 2022 cùng chuỗi hơn 30 sự kiện đã, đang và tiếp tục được tổ chức tại TP Sầm Sơn và các địa phương trong tỉnh, hứa hẹn đem đến một năm sôi động nhất từ trước đến nay của du lịch Thanh Hóa...
Cùng với nhiều nhiệm vụ, giải pháp được triển khai thực hiện nhằm mở lại hoạt động du lịch, hoạt động liên kết phát triển du lịch luôn được đặc biệt quan tâm thông qua việc đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển du lịch Thanh Hóa như: Hợp tác giữa Tổng cục Du lịch – UBND tỉnh Thanh Hóa - Tổng Công ty Viễn thông Mobifone về phát triển du lịch Thanh Hóa thông qua chuyển đổi số và du lịch thông minh; ký kết Biên bản thỏa thuận về chương trình hợp tác phát triển toàn diện giữa UBND tỉnh Thanh Hóa và Tổng Công ty Hàng không Việt Nam giai đoạn 2022-2026; ký kết hợp tác phát triển du lịch 4 tỉnh Bắc Trung bộ với Câu lạc bộ Lữ hành Hà Nội Unesco (tháng 3-2022); phối hợp với tỉnh Nghệ An quảng bá du lịch Thanh Hóa tại Hội nghị kích cầu du lịch Nghệ An năm 2022 (tháng 3-2022)... Các hoạt động hợp tác phát triển du lịch đã góp phần đẩy nhanh tiến độ khôi phục du lịch Thanh Hóa trong bối cảnh “bình thường mới”.
Ngành du lịch Thanh Hóa đã có những tín hiệu khởi sắc. Các khu, điểm du lịch đã đồng loạt đón khách trở lại; các doanh nghiệp chủ động, tích cực đầu tư, làm mới sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ đảm bảo đáp ứng tốt nhu cầu du khách. Từ khi mở cửa du lịch đến nay, cùng với hàng loạt sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch được tổ chức, lượng khách du lịch đến Thanh Hóa tăng cao so với các năm trước. Trong gần 3 tháng (từ 15-3 đến 30-5) lượng khách du lịch đến Thanh Hóa đạt khoảng 3.755.000 lượt khách, cao hơn lượng khách cả năm 2021 và tăng 58,9% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng thu du lịch khoảng 6.615 tỷ đồng, tăng 73,1% so với cùng kỳ năm 2021; tính riêng dịp nghỉ lễ 30–4 và 1–5, lượng khách du lịch đến Thanh Hóa cao nhất so với cả nước. Những tín hiệu trên cho thấy ngành du lịch Thanh Hóa đang trên đà phục hồi và phát triển nhanh, mạnh.
Để tăng cường việc liên kết, kết nối phát triển du lịch Bắc Trung bộ trong thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục thực hiện đầy đủ và hiệu quả các nội dung trong biên bản hợp tác đã được lãnh đạo 4 tỉnh ký kết năm 2016. Trong đó, tập trung vào công tác phát triển sản phẩm du lịch vùng, quảng bá, xúc tiến vùng và phát triển nhân lực du lịch và chất lượng dịch vụ. Cùng với đó, tỉnh tăng cường trao đổi, cung cấp thông tin với các địa phương vùng Bắc Trung bộ về các chương trình, kế hoạch tổ chức các sự kiện văn hóa, du lịch quan trọng của các địa phương để cùng tham gia, quảng bá du lịch.
Tỉnh Thanh Hóa phối hợp với các địa phương xây dựng và triển khai chương trình kích cầu du lịch sau dịch COVID-19 và kích cầu du lịch mùa thấp điểm của bốn địa phương nhằm thu hút khách du lịch; tổ chức đón đoàn famtrip, prestrip trong và ngoài nước đến khảo sát, xây dựng sản phẩm du lịch chung. Trong đó, ưu tiên sản phẩm du lịch dọc tuyến đường Hồ Chí Minh; liên kết triển khai hiệu quả việc phát triển tuyến du lịch “Con đường di sản miền Trung”: từ Thành Nhà Hồ đến Phong Nha - Kẻ Bàng; xây dựng tour du lịch “Bốn địa phương, một điểm đến, nhiều trải nghiệm”... Cùng với các tỉnh vùng Bắc Trung bộ “bắt tay” xây dựng, định vị được thương hiệu điểm đến phục vụ cho công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch chung cho 4 tỉnh; chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức quản lý Nhà nước về du lịch, tổ chức các hội thi nghiệp vụ du lịch, trao đổi kinh nghiệm chuyên môn, nghiệp vụ, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch...
Năm 2022, mặc dù “đường băng” du lịch còn nhiều khó khăn, thử thách sau tác động lớn của dịch COVID-19 nhưng tỉnh Thanh Hóa nói riêng, các địa phương vùng Bắc Trung bộ nói chung đã và đang nhanh chóng, chủ động nắm bắt cơ hội, mở rộng giao lưu, hợp tác với các địa phương trong vùng và cả nước đưa ngành du lịch bứt phá mạnh mẽ.