Cách Singapore tạo nên bản sắc văn hóa riêng: Việt Nam có thể học hỏi
20/07/2023 | 09:20Sự kết hợp của di sản đa chủng tộc, đa văn hóa, đa tôn giáo tạo nên bản sắc của "quốc đảo sư tử" Singapore.
Theo Tạp chí địa lý nổi tiếng thế giới National Geographic, những tòa nhà đồ sộ, tốc độ phát triển nhanh chóng và tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, Singapore hiện đang sở hữu rất nhiều các doanh nghiệp, thị trường và thương mại đầy triển vọng.
Hội tụ đa dạng văn hóa
Theo tạp chí, trong những năm qua, những gì có thể thấy tại "quốc đảo sư tử" Singapore là những tín hiệu tăng trưởng kinh tế vượt xa kỳ vọng.
Sự kết hợp đa dạng văn hóa từ Trung Quốc, Malaysia, Ấn Độ và những quốc gia khác đã mang đến di sản văn hóa cho Sinagpore. Có thể nói Singapore là sự hội tụ của các nền văn hóa đa dạng khác nhau cùng tồn tại trong một không gian hòa hợp.
Di sản văn hóa thông qua lễ hội là một phần quan trọng trong bản sắc của người Singapore. Đó là cách một người thể hiện suy nghĩ, niềm tin và cách sống của họ. Giống như cách tổ chức lễ hội Theemithi dựa trên sử thi Mahabharata của Ấn Độ cổ đại và tôn vinh nữ anh hùng của câu chuyện. Lễ hội Hindu thường được tổ chức kéo dài khoảng 3 tháng. Vào cuối lễ hội, linh mục nghi lễ sẽ tham gia cùng các tình nguyện viên đi bộ 4 km từ Đền Sri Mariamman đến Đền Sri Srinivasa Perumal, rồi quay lại.
Những linh mục sẽ mang theo vật linh thiêng như karagam - một chiếc bình bạc chứa đầy nước, được trang trí bằng lá xoài và hoa—một biểu hiện của nữ thần Draupadi, nữ anh hùng trong truyện Mahabharata. Khi họ quay trở lại Đền Sri Mariamman, lễ rước lửa sẽ bắt đầu. Những người đàn ông theo đạo Hindu đi chân trần trên đống củi đang cháy để thể hiện lòng thành kính với Draupadi, cầu nguyện cho họ bớt đau khổ trong cuộc sống.
Bên cạnh đó, sự kết hợp của nghệ thuật và văn hóa truyền thống tại Singapore cũng thể hiện qua các di sản văn hóa. Kỹ thuật thêu và kết cườm Peranakan đòi hỏi sự luyện tập, kiên nhẫn và đam mê. Nghệ thuật liên quan đến việc khâu những hạt nhỏ, xinh xắn có màu sắc khác nhau vào giày dép, tạo ra những đôi dép xinh xắn gọi là kasut manek. Nghề thủ công tương tự được sử dụng để tô điểm cho sarong kebaya, trang phục truyền thống của người Peranakan, cũng như các vật dụng gia đình hàng ngày khác.
Gìn giữ theo thời gian
Bên cạnh đó, Singapore cũng là quốc gia hội tụ rất nhiều món ăn nổi tiếng có nguồn gốc từ khắp nơi trên thế giới. Như chúng ta đã biết, ẩm thực là một trong những cửa ngõ dễ tiếp cận nhất để trải nghiệm di sản văn hóa. Chẳng hạn như Rojak là một món ăn giống salad được phục vụ khác nhau bởi các sắc tộc khác nhau—một biểu tượng ẩn dụ về văn hóa ở Singapore.
Hay món rojak của Ấn Độ bao gồm mực, tôm đập dập và đậu phụ chiên giòn với các loại rau ăn kèm. Trong rojak của người Malaysia, đậu nành lên men được gọi là tempeh, sẽ thêm vào hỗn hợp. Và với người Trung Quốc dưa chuột, dứa và bột rán được ngâm trong nước sốt ngọt.
Di sản văn hóa đã phản ánh trong vô số lễ hội của người dân Singapore. Những lễ hội có sự tham gia của tất cả bạn bè, hàng xóm và gia đình, bất kể chủng tộc, ngôn ngữ hay tôn giáo nào. Và cho dù những lễ kỷ niệm này có thể khác nhau như thế nào nhưng chúng đều có những điểm chung rõ ràng: sự đoàn tụ, ẩm thực truyền thống và lời chúc tốt đẹp.
Những người Hồi giáo tại Singapore sẽ dậy sớm vào dịp lễ hội Hari Raya Puasa để cầu nguyện tại nhà thờ Hồi giáo. Sau đó, họ mặc trang phục baju kurong đầy màu sắc để thăm bạn bè và gia đình.
Hay trong dịp Tết Nguyên đán, những bao lì xì (bao tiền màu đỏ) được các cặp vợ chồng trao nhau, tựa như những lời chúc tốt đẹp.
Vào dịp lễ hội ánh sáng Deepavali, những món ăn như adhirasam giống như bánh rán với đường thốt nốt nhưng cũng kết hợp thêm murukku là món ăn nhẹ giòn làm từ bột chiên giòn; và kết thúc bằng sự ngọt ngào là chiếc kẹo laddu với thông điệp của biểu tượng của hạnh phúc và thịnh vượng cho những người tham gia.
Những lễ kỷ niệm như vậy đến từ các sắc tộc khác nhau nhưng mọi người sẽ trở nên gần gũi và gắn kết hơn thông qua các lễ hội, tạo cơ hội hiểu biết giữa các nền văn hóa.
Chính di sản văn hóa đã tạo nên bản sắc riêng của Singapore cho đến ngày nay. Với nhịp sống hối hả của một thành phố không ngừng phát triển để bắt kịp xu hướng thời đại, việc gìn giữ di sản văn hóa là một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày và đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Để bảo tồn bản sắc văn hóa của Singapore, một số doanh nghiệp truyền thống và doanh nghiệp gia đình trong nhiều thế hệ cũng đã tự tạo nên thương hiệu và cập nhật thiết kế bao bì nhằm nỗ lực thu hút sự chú ý thông qua truyền thông xã hội.
Cùng với Internet, các nghề thủ công, công thức nấu ăn và thực hành truyền thống của Singapore giờ đây cũng được biết đến nhiều hơn và là một cách để duy trì di sản văn hóa của đất nước theo thời gian./.