Các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã có những bước chuyển biến tích cực
23/06/2020 | 12:25Các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã có những bước chuyển biến tích cực; Thái Nguyên định hướng cho nhân dân đấu tranh phê phán các loại văn hóa phẩm đồi trụy; Lạng Sơn sẽ tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ trong sáng tạo, sản xuất, phổ biến, lưu giữ các sản phẩm văn hóa là những thông tin đáng chú ý.
Các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã có những bước chuyển biến tích cực
Theo Báo cáo Sơ kết 03 năm triển khai, thực hiện Quyết định số 1755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, học tập, tuyên truyền việc triển khai thực hiện Quyết định số 1755/QĐ-TTg được các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện kịp thời, nghiêm túc, đạt kết quả thiết thực. Nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, cơ quan, đơn vị và nhân dân về vai trò, tầm quan trọng của các ngành công nghiệp văn hóa được nâng lên; góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Sau 03 năm triển khai thực hiện Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 08/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ, các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã có những bước chuyển biến tích cực.
Mặc dù điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, nhưng tỉnh Lai Châu đã quan tâm, tạo điều kiện để hoạt động điện ảnh của địa phương phát triển, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Tỉnh đã triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, trong đó có lĩnh vực điện ảnh, thực hiện quản lý, bảo quản, phát huy hiệu quả các trang thiết bị được Bộ VHTTDL cấp, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động chiếu phim lưu động tại cơ sở. Hoạt động điện ảnh đã đảm bảo đạt và vượt các chỉ tiêu kế hoạch đề ra; Tổ chức tốt các đợt phim kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện trọng đại của đất nước, của tỉnh trong năm. Từ năm 2017 - 2019, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu đã tổ chức phổ biến 77 chương trình phim thông qua phát hành 6.095 đĩa DVD; 2.195 buổi chiếu phim, phục vục 364.375 lượt người xem; Sản xuất 19 phim mới, 27 phim được lồng 4 thứ tiếng (Thái, Mông, Dao, Hà Nhì); Qua đó, tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước tới đông đảo nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Trong 03 năm (2017 - 2019), hoạt động biểu diễn nghệ thuật ở Lai Châu đã chủ động ứng dụng những tiến bộ của khoa học công nghệ và tổ chức được: 254 buổi (trong đó có 181 buổi phục vụ vùng cao, vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới; phục vụ nhiệm vụ chính trị tại thành phố Lai Châu 73 buổi; thu hút trên 260.000 lượt người xem. Tham gia 09 hội thi, hội diễn khu vực và toàn quốc đạt kết quả cao; Tổ chức 11 hội thi, hội diễn cấp tỉnh.
Ngoài ra, môi trường văn hóa cũng từng bước được cải thiện; công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, di tích văn hóa, lịch sử trên địa bàn tỉnh được quan tâm chỉ đạo và đạt được những kết quả quan trọng. Hoạt động văn học nghệ thuật tiếp tục phát triển, sản phẩm văn hóa, văn học nghệ thuật ngày càng phong phú, đa dạng, tăng cả về số lượng và chất lượng.
Thái Nguyên: Định hướng cho nhân dân đấu tranh phê phán các loại văn hóa phẩm đồi trụy
Sở VHTTDL đã có Báo cáo Đánh giá tình hình thi hành Chỉ thị 814/CT-TTg ngày 12/12/1995 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, thiết lập trật tự kỷ cương trong các hoạt động văn hóa và dịch vụ văn hóa, đẩy mạnh bài trừ một số tệ nạn xã hội nghiêm trọng.
Theo đó, Sở VHTTDL đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống phù hợp với từng đối tượng trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là thế hệ trẻ nhằm nâng cao năng lực và trình độ nhận thức xã hội để bài trừ, tẩy chay các sản phẩm văn hóa độc hại, không để xâm nhập vào các cơ quan, đơn vị, cá nhân. Vận động các tầng lớp nhân dân chấp hành đầy đủ, nghiêm túc pháp luật, các quy định về bài trừ sản phẩm văn hóa độc hại, kiên quyết không để lưu hành trên thị trường, xâm nhập vào nhà trường; Thực hiện có hiệu quả phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", tích cực bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của nhân dân các dân tộc; Triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về "Tiếp tục xây 2 dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới".
Hằng năm, Sở VHTTDL chỉ đạo, giao kế hoạch cho Đoàn Nghệ thuật biểu diễn trên 160 buổi/năm phục vụ nhân dân dân tộc vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Trung tâm phát hành phim và Chiếu bóng tổ chức chiếu trên 1100 buổi/năm, các buổi biểu diễn nghệ thuật, chiếu phim đều bảo đảm chất lượng về nghệ thuật và nội dung tư tưởng, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ tinh thần của nhân dân, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật của đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Qua đó, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân về tầm quan trọng của công tác xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật đối với sự nghiệp phát triển của đất nước; định hướng cho nhân dân đấu tranh phê phán các loại văn hóa phẩm đồi trụy, phòng chống âm mưu "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa.
Công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa, nghệ thuật được đẩy mạnh. Công tác bảo tồn, phát huy các loại hình văn học, nghệ thuật truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh cũng được chú trọng. Song song với các giải pháp tạo điều kiện cho hoạt động văn hóa – nghệ thuật chân chính, truyền thống phát triển, các giải pháp ngăn chặn sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại qua mạng Internet, các thiết bị kỹ thuật số, điện thoại di động. Đội kiểm tra liên ngành thường xuyên kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ Internet, băng đĩa, kinh doanh văn hóa, quảng cáo, in ấn, xuất bản… qua đó, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý những sai phạm về điều kiện sản xuất kinh doanh cũng như ngăn chặn sự xâm nhập, phát tán của các loại văn hóa độc hại vào địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Lạng Sơn: Sẽ tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ trong sáng tạo, sản xuất, phổ biến, lưu giữ các sản phẩm văn hóa
Thực hiện Quyết định số 1755/QĐ-TTg, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 60/KH-UBND ngày 05/4/2017 về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và UBND các huyện, thành phố xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện phát triển các ngành công nghiệp văn hóa lồng ghép trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới của từng địa phương. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và các tầng lớp Nhân dân về đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa, du lịch.
Hàng năm căn cứ chức năng, nhiệm vụ các ngành, các cấp đã chủ động, phối hợp lồng ghép triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ đề ra trong Kế hoạch phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn tỉnh, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có lợi thế như: nghệ thuật biểu diễn, quảng cáo, thủ công mỹ nghệ, du lịch văn hóa…
Trên cơ sở các kết quả đã đạt được, UBND tỉnh đã đưa ra những nhiệm vụ trọng tâm đến năm 2025, cụ thể: Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và nhân dân về vị trí, vai trò của các ngành công nghiệp văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm văn hóa có chất lượng, đúng quy định; Quan tâm đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, có kế hoạch đào tạo, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các ngành công nghiệp văn hóa; Tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ trong sáng tạo, sản xuất, phổ biến, lưu giữ các sản phẩm văn hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ văn hóa, thực hiện đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các ngành công nghiệp văn hóa gắn với ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại; Thu hút và hỗ trợ đầu tư; có chính sách ưu đãi, đẩy mạnh tuyên truyền, xúc tiến đầu tư phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có lợi thế; Tiếp tục các chính sách phát triển thị trường, tăng cường vai trò công tác tuyên truyền nhằm quảng bá, nâng cao khả năng tiếp cận, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ văn hóa của công chúng, từng bước hình thành cộng đồng người tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ văn hóa; Đẩy mạnh mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế;...