Các điểm du lịch mong đợi từ mô hình "mở cửa thí điểm" với Phú Quốc
22/09/2021 | 14:23Trả lời phỏng vấn Báo điện tử Tổ Quốc, ông Mauro Gasparotti, Giám đốc, Savills Hotels Châu Á Thái Bình Dương nhận định, việc thử nghiệm đón khách quốc tế tại Phú Quốc, Kiên Giang là một khởi đầu tốt trong việc mở cửa đón khách quốc tế trở lại Việt Nam.
Ông Mauro Gasparotti cũng tin rằng sẽ có một cuộc chạy đua trong tương lai giữa các địa điểm du lịch để chứng minh rằng các cơ quan tại địa phương có biện pháp kiểm soát dịch bệnh hiệu quả và nguy cơ lây nhiễm tại điểm đến được duy trì ở mức thấp.
- Thưa ông, dự kiến giữa tháng 10 Việt Nam sẽ cho phép đón khách quốc tế đã tiêm 2 mũi vaccine tới Phú Quốc, Kiên Giang. Ông đón nhận thông tin này như thế nào?
Theo tôi việc thử nghiệm này thực sự là một khởi đầu tốt trong việc mở cửa đón khách quốc tế trở lại Việt Nam.
Đây có thể được xem là chiến lược chung mà một số nước trong khu vực đang thực hiện để có thể bắt đầu tái khởi động quá trình mở cửa đón khách du lịch quốc tế trở lại. Trong tháng Bảy vừa qua, Thái Lan đã tiến hành mở cửa đón khách quốc tế thông qua chương trình "Phuket SandBox". Mặc dù kết quả hoạt động của các khu nghỉ dưỡng chưa đạt như kỳ vọng nhưng việc thử nghiệm mở cửa với khách quốc tế đến hòn đảo này đã tạo tiền đề cho Thái Lan tiếp tục mở cửa các điểm đến tiếp theo, trong đó bao gồm cả thành phố Bangkok trong thời gian tới.
Tôi hy vọng Việt Nam cũng có thể thực hiện quá trình tương tự, bắt đầu từ Phú Quốc và dần nhân rộng ra những địa phương khác.
- Để chuẩn bị cho việc này, các doanh nghiệp du lịch cần chuẩn bị như thế nào cho cơ hội kể trên thưa ông?
Để hoạt động du lịch có thể sớm khôi phục trở lại, đòi hỏi nhiều sự nỗ lực từ các đơn vị liên quan đến ngành du lịch, không chỉ riêng mỗi khách sạn. Chúng ta sẽ cần thực hiện các công tác quảng bá điểm đến, điều này cần sự chung tay từ các đơn vị lữ hành, đơn vị đặt phòng, hãng hàng không… Đồng thời, các công tác hỗ trợ về mặt y tế cho du khách, đặc biệt là đối với du khách quốc tế trong suốt hành trình và các tiêu chuẩn vệ sinh phòng dịch cũng cần được quan tâm nhiều hơn.
Bên cạnh đó, tùy theo đặc tính hoạt động du lịch mà mỗi điểm đến cần có những chiến lược phù hợp. Chẳng hạn những thị trường du lịch mà trước đây phụ thuộc khá nhiều vào nhóm khách đoàn, trong bối cảnh hiện tại khi nguồn khách đoàn lớn còn hạn chế, khách sạn cần có sự chuẩn bị chu đáo, sáng tạo các gói sản phẩm để mở rộng tiếp cận nguồn khách du lịch FIT (khách lẻ) và thu hút nhu cầu lưu trú của họ nhiều hơn.
- Du lịch hậu Covid-19 chúng ta bàn tới từ an toàn trước tiên, theo ông các doanh nghiệp du lịch cần nâng cao mức phòng chống dịch bệnh như thế nào?
Việc củng cố niềm tin để du khách có thể yên tâm khôi phục các hoạt động du lịch là điều kiện tiên quyết để ngành du lịch sớm khởi động quá trình phục hồi. Trong đó việc đảm đảo yếu tố an toàn và sức khỏe cho du khách cần được các doanh nghiệp trong ngành chú trọng thông qua việc nhanh chóng nắm bắt, cải thiện quy trình vận hành và nâng cao tiêu chuẩn vệ sinh.
Trong bối cảnh hiện nay bên cạnh việc tuân theo các hướng dẫn và quy định của cơ quan y tế địa phương, nhiều khách sạn và đơn vị quản lý vận hành đã và đang triển khai các chương trình tăng cường để đảm bảo tính riêng tư và an toàn của du khách trong suốt quá trình lưu trú. Ví dụ như các khách sạn thuộc tập đoàn quản lý Marriott triển khai cho phép du khách sử dụng thiết bị di động để nhận/trả phòng, mở cửa phòng, liên lạc và yêu cầu dịch vụ thông qua ứng dụng điện thoại "Marriott Bonvoy". Hay chương trình "Stay Safe with Meliá" của Meliá Hotels International nhằm đảm bảo các khách sạn luôn tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn và sức khỏe. Ngoài ra còn có các chương trình "Hilton CleanStay" tại các khách sạn thuộc chuỗi Hilton…
Việc nâng cao mức phòng chống dịch bệnh và các tiêu chuẩn vận hành còn để đảm bảo tất cả các nhân viên nhận thức tốt hơn các quy trình nhằm bảo vệ cho bản thân, đồng nghiệp và khách hàng.
- Nhiều địa phương đã đề xuất đón khách theo mô hình áp dụng hộ chiếu vaccine, theo ông các địa phương này cần chú ý điều gì?
Du lịch là ngành kinh tế quan trọng, góp phần tạo ra nhiều việc làm cho người lao động. Do đó việc khởi động lại hoạt động du lịch quốc tế là rất cấp thiết. Tuy nhiên, ngành du lịch và các cơ quan hữu quan cần tiến hành đánh giá thêm một số yếu tố trước khi triển khai việc thí điểm mở cửa đón khách quốc tế này. Trước hết, có thể kể đến là vấn đề thời gian, hiện vẫn còn một số công tác chuẩn bị cần thực hiện để việc mở cửa được diễn ra an toàn và vẫn kiểm soát được tình hình dịch bệnh.
Bên cạnh đó, vấn đề quan trọng nhất vẫn là việc triển khai tiêm chủng vaccine nhanh chóng và hiệu quả, nhằm đạt tỷ lệ đảm bảo miễn dịch cộng đồng, đặc biệt là tại các địa phương có kế hoạch triển khai thí điểm Hộ chiếu Vaccine.
Cuối cùng, nếu chúng ta muốn thành công trong việc nhanh chóng thu hút khách quốc tế thì cần phải đảm bảo sự an toàn xuyên suốt cho hành trình của họ tại địa phương. Tôi tin rằng sẽ có một cuộc chạy đua trong tương lai giữa các địa điểm du lịch để chứng minh rằng các cơ quan tại địa phương có biện pháp kiểm soát dịch bệnh hiệu quả và nguy cơ lây nhiễm tại điểm đến được duy trì ở mức thấp. Bên cạnh đó, cần đảm bảo rằng trong trường hợp lây nhiễm, địa phương sẽ có các cơ sở y tế với quy trình an toàn, đủ khả năng điều trị và chăm sóc hỗ trợ cho du khách nước ngoài để giúp du khách quốc tế cảm thấy yên tâm khi đến trải nghiệm tại Việt Nam.
- Trên thế giới có khái niệm "du lịch trả thù" để chỉ việc 2 năm qua, du khách không được đi du lịch do dịch bệnh, không chỉ riêng Việt Nam, nhiều quốc gia đã có kế hoạch và thực tế đã triển khai áp dụng hộ chiếu vaccine ở nhiều điểm du lịch. Ông có lời khuyên gì dành cho các doanh nghiệp du lịch hiện nay?
Tôi tin rằng ngay khi dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn và mọi người cảm thấy yên tâm để tiến hành lại các hoạt động du lịch, nhu cầu du lịch nội địa sẽ tăng trở lại. Các điểm đến du lịch nổi tiếng và đã kiểm soát được dịch bệnh được kỳ vọng sẽ sớm đón tiếp nhóm khách du lịch "revenge travel" này, đặc biệt là đối với loại hình du lịch ngắn ngày hoặc kỳ nghỉ cuối tuần.
Một trong những thách thức lớn mà doanh nghiệp trong ngành du lịch phải đối mặt trong lộ trình mở cửa trở lại là vấn đề nguồn nhân lực và môi trường làm việc với nhiều biến động, rủi ro hơn so với trước đây. Các doanh nghiệp có thể cần cân nhắc việc sử dụng nguồn lao động thời vụ để đáp ứng nhu cầu hoạt động khi nguồn cầu du lịch vẫn còn nhiều biến động. Ngoài ra quy trình làm việc và yêu cầu phòng chống dịch bệnh cũng cần được nâng cao để đảm bảo an toàn cho bản thân người lao động và du khách.
Bên cạnh đó, ngay khi tình hình dịch bệnh trong nước được kiểm soát hiệu quả, tôi hy vọng chương trình "bong bóng du lịch" với các quốc gia khác sẽ sớm được thiết lập trở lại, đặc biệt với Singapore, Hong Kong (Trung Quốc) khi đây là những địa điểm có khoảng cách gần với Việt Nam, phù hợp với các chuyến nghỉ dưỡng cuối tuần.
- Xin cảm ơn ông đã dành thời gian trao đổi!