Các điểm đến trong cả nước cùng làm du lịch thì bức tranh du lịch mới hồi phục nhanh nhất có thể
30/05/2020 | 18:46Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho biết, chọn du lịch nội địa toàn quốc là vì dịch Covid-19 không chỉ diễn ra ở một vài điểm mà nó phủ kín cả thế giới. Vì thế, địa phương nào cũng cần phải khôi phục và chỉ khi nào toàn bộ hệ thống, các điểm đến trong cả nước cùng làm du lịch thì đến lúc đó bức tranh du lịch mới hồi phục nhanh nhất có thể.
Đã làm du lịch thì phải lạc quan, phải tiến về phía trước
Tại chương trình kích cầu du lịch Đà Nẵng năm 2020 diễn ra mới đây (Báo điện tử Tổ Quốc đã thông tin), ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, cả nước đang tập trung phát triển du lịch, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; đóng góp của ngành du lịch tiệm cận 10% GDP. Ngành du lịch đã sẵn sàng và đã phát động chương trình kích cầu du lịch nội địa toàn quốc.
"Chọn du lịch nội địa toàn quốc là vì dịch Covid-19 không chỉ diễn ra ở một vài điểm mà nó phủ kín cả thế giới. Vì thế, địa phương nào cũng cần phải khôi phục và chỉ khi nào toàn bộ hệ thống, các điểm đến trong cả nước cùng làm du lịch thì đến lúc đó bức tranh du lịch mới hồi phục nhanh nhất có thể. Tất nhiên những điểm nào quan trọng, trung tâm du lịch thì phải đi đầu, phất cao lá cờ để toàn bộ hệ thống đi theo", ông Vũ Thế Bình nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, trong số 40.000 doanh nghiệp du lịch thì đã hơn 90% gần như nghỉ hoàn toàn trong những tháng vừa qua do ảnh hưởng dịch Covid-19, nhưng đã làm du lịch thì phải lạc quan, phải tiến về phía trước.
"Khách có đi du lịch hay không là cảm nhận nơi đó có an toàn hay không, hứng thú hay không. Do đó tất cả các điểm du lịch, danh lam thắng cảnh...cần phải có khách. Chỉ khi nào nhìn thấy bãi biển đông đúc khách trở lại thì thúc đẩy sự yêu thích du lịch của mỗi người", ông Vũ Thế Bình nói.
Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch cho hay, trước mắt các doanh nghiệp cần hỗ trợ, liên minh với nhau, kích cầu chính là sự chia sẻ của các doanh nghiệp du lịch; ngành lữ hành chia sẻ với khách sạn, chia sẻ với dịch vụ du lịch, mỗi người chia sẻ một ít khó khăn, cùng nhau gánh mỗi người một ít.
"Chúng tôi đã cam kết với Thủ tướng là chỉ 2 tháng thôi, du lịch nội địa sẽ trở lại trạng thái ổn định và đến cuối năm thì chắc chắn trở lại bình thường. Để làm được điều ấy thì nội địa mở trước, quốc tế mở sau. Do đó, thời điểm này các địa phương, doanh nghiệp cần tập trung cho nội địa; ngay cả các cơ sở trước đây chỉ dành cho quốc tế thì nay cũng phải xem có cách nào để có một số góc để du lịch nội địa tiếp cận.
Các địa phương miền Trung cần có sự liên kết, bởi du lịch là ngành phải có liên kết; liên kết vùng, liên kết cả nước và như thế sự chia sẻ này sẽ tạo ra một luồng mới, đón khách về và đưa khách đi, chỉ có trao đổi mới hỗ trợ nhau cùng phát triển", ông Vũ Thế Bình cho biết.
Theo ông Bình, việc kích cầu cần dựa trên 3 nguyên tắc, giảm giá sẽ kích thích đối với khách, giảm giá nhưng không giảm chất lượng; tăng thêm quà tặng để khách thấy thú vị, được tôn trọng; đặc biệt phải có sản phẩm mới. Vừa mới, vừa rẻ thì chắc chắn sẽ thu hút khách.
Các tỉnh miền Trung liên kết kích cầu để sớm hồi phục du lịch
Trên thực tế, thời gian qua, một số tỉnh miền Trung đã triển khai nhiều hoạt động liên kết du lịch. Tuy nhiên, việc liên kết giữa các doanh nghiệp chưa được mạnh mẽ, cần có sự đồng hành của Hiệp hội du lịch, doanh nghiệp các địa phương.
Theo ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế, 3 địa phương miền Trung (Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam) sẽ ký cam kết hành động, triển khai những hoạt động nhằm phục hồi du lịch. Trong đó sẽ có những chính sách giám giá tại các điểm tham quan du lịch, di tích cho đến hết năm.
Bên cạnh đó, sẽ vận động các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ ở cả 3 địa phương khuyến mãi, có giá phù hợp để tạo thêm những chương trình tour đến miền trung theo gói kích cầu ưu đãi nhất.
"Trước đây chúng tôi có tour "con đường di sản", kết nối từ Huế, vào Đà Nẵng, Quảng Nam đưa vào sản phẩm những đặc sắc của mỗi vùng miền để hỗ trợ, không tạo sự nhàm chán cho du khách. Trong thời gian tới, khi triển khai chương trình kích cầu, bên cạnh các tour liên kết có sẵn, chúng tôi sẽ làm thêm những sản phẩm mới, ưu đãi về giá, tặng thêm dịch vụ gia tăng cho khách đến miền Trung", ông Phúc chia sẻ.
Trong lúc đó, bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, về vấn đề liên kết để phát triển du lịch, 3 địa phương có kế hoạch xây dựng thêm một gói kích cầu chung trên tinh thần phát huy và khai thác sức hấp dẫn riêng của từng địa phương, kết nối tạo ra những tour, gói dịch vụ dành riêng cho du khách.
"Không chỉ 3 địa phương hợp tác liên kết để phát triển du lịch, mà 3 địa phương chúng tôi sẽ liên kết các tỉnh miền Trung để mở rộng tour, cùng khai thác, trao đổi lượng khách đến để chúng ta khởi động thị trường, khôi phục hoạt động du lịch của các địa phương", bà Hạnh cho biết.
Còn ông Lê Ngọc Tường, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Quảng Nam cho hay, ngoài chương trình liên kết chung thì địa phương cũng có thông điệp "Quảng Nam, điểm đến an toàn và mến khách.
"Trong dịch thì Quảng Nam cũng đã dành các địa điểm lưu trú cao cấp 4 sao để thực hiện cách ly đối với khách du lịch; và thông qua sự kiện này chúng tôi gửi lời cảm ơn các y bác sĩ đã tham gia phòng chống dịch. Do đó, lần này địa phương sẽ có chương trình miễn phí cho đội ngũ y bác sĩ trong tuyến đầu phòng chống dịch", ông Tường nói.
Trao đổi với phóng viên, ông Đặng Đông Hà, Phó Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình cho biết, sắp tới sẽ có những kế hoạch cụ thể hơn trong việc phát triển du lịch giữa Quảng Bình với Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam. Trong đó sẽ đón các đoàn famtrip, đặc biệt là lữ hành đến khảo sát sản phẩm tại địa phương từ Quảng Bình - Quảng Nam; xây dựng gói sản phẩm kích cầu chất lượng, dịch vụ tốt hơn; đẩy mạnh xúc tiến quảng bá từ đây cho đến hết năm đối với khách nội địa.
"Kế hoạch lần này chúng tôi nhấn mạnh vai trò công ty lữ hành, quản lý các điểm đến, cần cam kết hành động, có những kế hoạch chiến lược cụ thể để đảm bảo chất lượng tốt nhất, không chỉ ở mỗi địa phương mà cho cả miền Trung", ông Hà cho hay.
Theo ông Hà, Quảng Bình được mệnh danh là vương quốc hang động bí ẩn, bất tận, với hàng ngàn hang động lớn nhỏ với nhiều loại du lịch phổ thông, đại trà và có hạn chế. Đặc biệt là sản phẩm du lịch thám hiểm hang Sơn Đoòng, hang Én, hệ thống hang động Tú Làn...
Hướng về khách nội địa, Quảng Bình cùng các công ty du lịch đã thảo luận, đưa ra những định hướng để khách trong nước có cơ hội trải nghiệm những sản phẩm du lịch cao cấp này. Cụ thể như, trước đây nếu tham gia tour thám hiểm hang Sơn Đòong với chi phí 3.000 USD với khách thì bây giờ khoảng 2.500 USD; ngoài Sơn Đoòng các sản phẩm khác cũng có giá phù hợp, thấp hơn dành cho khách nội địa.