Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ dân gian - góp phần phát huy giá trị Di sản Thành Nhà Hồ

17/05/2022 | 10:16

Thời gian qua, cùng với việc quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị di sản, thì việc thành lập, khai thác và phát huy giá trị các câu lạc bộ (CLB) văn hóa, văn nghệ dân gian đã góp phần quan trọng trong việc thu hút khách du lịch đến Thành Nhà Hồ ngày càng đông.

Các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ dân gian - góp phần phát huy giá trị Di sản Thành Nhà Hồ - Ảnh 1.

Câu lạc bộ nghệ thuật truyền thống Thành Nhà Hồ biểu diễn phục vụ du khách đến tham quan.

Từ sau khi được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới (2011), đến nay, Thành Nhà Hồ không chỉ ngày càng khẳng định được vị thế và thương hiệu trong bản đồ du lịch Việt Nam, mà còn thu hút được khá đông du khách ở cả trong và ngoài nước đến tham quan, khám phá. Điều này, thể hiện rõ qua tổng lượt khách đến tham quan tăng lên hàng năm, đặc biệt trong năm 2021 mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, phải nhiều lần “đóng cửa”, nhưng Thành Nhà Hồ vẫn đón được 37.140 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm. Sở dĩ có được kết quả đó là bởi thời gian qua, Ban Quản lý Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ không chỉ làm tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá, xúc tiến du lịch, mà còn đặc biệt chú trọng đến việc khôi phục, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống xung quanh vùng phụ cận Thành Nhà Hồ, nhất là việc thành lập các CLB văn hóa, văn nghệ dân gian. Điển hình như CLB nghệ thuật truyền thống Thành Nhà Hồ đã quy tụ nhiều diễn viên không chuyên, am hiểu nghệ thuật truyền thống đến từ các địa phương trong huyện. Mặc dù các diễn viên, nghệ sĩ chỉ là những nghệ sĩ “cây nhà lá vườn”, nhưng với sự nỗ lực không ngừng, các thành viên trong CLB đã cùng nhau tập luyện nhiều làn điệu dân ca và ca khúc khác nhau, để phục vụ đa dạng nhu cầu của khách du lịch. Nhờ đó, góp phần tăng thêm tính hấp dẫn cho Thành Nhà Hồ để thu hút khách.

Ông Nguyễn Đức Hùng, Chủ nhiệm CLB nghệ thuật truyền thống Thành Nhà Hồ cho biết: Từ xưa đến nay, Vĩnh Lộc được xem là vùng đất “thanh kỳ khả ái” với hàng loạt các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh phong phú, đa dạng. Nơi đây còn nổi tiếng là “cái nôi” của nghệ thuật hát tuồng, chèo và các làn điệu dân ca dân vũ đã và đang được trao truyền qua nhiều thế hệ nối tiếp nhau. Đây chính là những điều kiện thuận lợi để khai thác tiềm năng, thế mạnh trong phát triển du lịch của huyện. Việc thành lập CLB nghệ thuật truyền thống Thành Nhà Hồ (năm 2015) thu hút được 20 thành viên ở mọi thành phần, lứa tuổi tham gia chính là một sáng kiến hay, bởi vừa góp phần lưu giữ những giá trị đặc sắc của quê hương, lại vừa góp phần tăng thêm tính hấp dẫn cho du khách mỗi khi về tham quan, trải nghiệm ở Thành Nhà Hồ. Từ khi thành lập đến nay, CLB đã không ngừng đổi mới nội dung sinh hoạt, tích cực tìm tòi, sưu tầm và sáng tác nhiều tiết mục biểu diễn như hát chèo, cải lương, hát dân ca, hoặc ứng dụng tinh hoa âm nhạc của mọi miền đất nước với nội dung hấp dẫn phong phú, phù hợp với từng đoàn khách đến tham quan; đồng thời cũng là để góp phần quảng bá du lịch cho Di sản Văn hóa Thành Nhà Hồ.

Cùng với CLB nghệ thuật truyền thống Thành Nhà Hồ, CLB tuồng cổ làng Bèo (xã Vĩnh Long) cũng là một trong những hạt nhân tích cực trong việc thu hút du khách đến tham quan Thành Nhà Hồ và các thắng tích trên địa bàn huyện Vĩnh Lộc. Nghệ nhân Ưu tú Trần Thị Đới, thành viên của CLB tuồng cổ làng Bèo, chia sẻ: Với mong muốn bảo tồn giá trị văn hóa độc đáo của cha ông để lại, năm 2005 những người yêu tuồng ở đây đã cùng nhau tập hợp để thành lập nên CLB tuồng cổ. Những ngày đầu mới thành lập mặc dù gặp nhiều khó khăn, song với tình yêu với nghệ thuật tuồng, các nghệ sĩ, diễn viên tại CLB đã chung sức, đồng lòng đưa CLB ngày càng phát triển. Trong những năm qua, CLB đã tập luyện và biểu diễn thành công nhiều vở diễn và các trích đoạn, tham gia nhiều cuộc thi cả trong và ngoài tỉnh, đã đạt được những thành tích đáng ghi nhận. Đồng thời, cũng tích cực biểu diễn phục vụ du khách đến tham quan các di tích, thắng cảnh trên địa bàn. Bởi vậy, đến nay, ngoài vai trò lưu giữ lại những giá trị văn hóa đặc sắc của nghệ thuật tuồng do ông cha truyền lại, CLB còn là “nòng cốt” trong việc phát triển du lịch của huyện.

Ngoài 2 CLB trên thì còn nhiều CLB văn hóa, văn nghệ trên địa bàn huyện cũng đang được khai thác, phát huy thế mạnh để phục vụ du lịch như CLB chèo Xuân Áng (xã Vĩnh long); nhóm ca trù (xã Vĩnh Ninh)... Mỗi CLB đều chứa đựng những giá trị văn hóa rất độc đáo không chỉ là một “kênh” nâng cao văn hóa tinh thần lành mạnh cho người dân, mà còn góp phần quan trọng trong việc duy trì và bảo tồn các môn nghệ thuật truyền thống. Để động viên, thúc đẩy phong trào văn hóa, văn nghệ từ các CLB, hàng năm ngành văn hóa huyện còn tích cực phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể trong huyện tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ theo từng chủ đề, sự kiện; cử cán bộ hỗ trợ các tổ, đội, CLB văn nghệ bồi dưỡng những kiến thức cơ bản về kỹ năng biểu diễn... Qua đó, góp phần tạo động lực để các CLB tiếp tục duy trì tập luyện, biểu diễn, có sự tham gia tích cực từ những người có niềm say mê, yêu thích ca hát nên đảm bảo chất lượng cả về nội dung và nghệ thuật, có sức hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu phục vụ khách du lịch và Nhân dân trên địa bàn.

Theo Báo Thanh Hóa

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×