Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Các bảo tàng ở Nghệ An cần có sự đổi mới, gắn kết với cộng đồng

15/01/2024 | 11:30

Là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa - lịch sử của tỉnh, các bảo tàng ở Nghệ An thời gian qua đã không ngừng nỗ lực để thu hút khách đến tham quan. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế cần khắc phục để bảo tàng thực sự gắn kết với cộng đồng.

Lưu giữ những giá trị văn hóa - lịch sử

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có hai bảo tàng cấp tỉnh là Bảo tàng Nghệ An và Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh. Cả 2 bảo tàng đều tọa lạc trên đường Đào Tấn, phường Cửa Nam (thành phố Vinh), ngay trong khu vực Thành cổ Vinh, giao thông thuận tiện, có nhiều điểm tham quan phụ cận.

Trong đó, Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh được thành lập năm 1960 có nhiệm vụ nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, giáo dục, phát huy giá trị di sản Xô viết Nghệ Tĩnh, chính thức khánh thành tháng 9/1963. Đây là 1 trong 3 bảo tàng được thành lập sớm nhất trong hệ thống bảo tàng cách mạng Việt Nam; là nơi lưu giữ, trưng bày 17.000 tài liệu, hiện vật về phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh.

Các bảo tàng ở Nghệ An cần có sự đổi mới, gắn kết với cộng đồng - Ảnh 1.

Còn Bảo tàng Nghệ An được thành lập năm 1979, có nhiệm vụ nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, giáo dục, phát huy giá trị di sản vật thể và di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh Nghệ An. Với số lượng hơn 31.300 đơn vị tài liệu hiện vật tiêu biểu có giá trị lịch sử - văn hóa, hàng chục bộ sưu tập hiện vật quý hiếm, và 3 Bảo vật Quốc gia được nhà nước công nhận (gồm dao găm cán tượng rắn ngậm chân voi, muôi đồng có cán hình tượng voi và hộp đựng xá lị Tháp Nhạn), cùng quy mô, diện tích, nhà kho bảo quản, nhà trưng bày, khu dịch vụ 600m2 và các công trình phụ trợ…, Bảo tàng Nghệ An trở thành một trong những bảo tàng cấp tỉnh đứng tốp đầu trong khu vực Bắc Trung Bộ.

Các bảo tàng ở Nghệ An cần có sự đổi mới, gắn kết với cộng đồng - Ảnh 2.

Cả Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh và Bảo tàng Nghệ An đều là những nơi lưu giữ những giá trị văn hóa – lịch sử, truyền tải đến mọi người dân hiểu về nguồn cội, về những chặng đường lịch sử, những nét văn hóa đặc sắc, từ đó góp phần tạo nên khối đoàn kết cộng đồng, tạo nền tảng yêu nước trong quần chúng nhân dân.

Mặt khác, trong phát triển du lịch của tỉnh, các bảo tàng cũng được xem là điểm kết nối đến các khu, điểm du lịch văn hóa lịch sử khác. Năm 2021, cả hai bảo tàng đều đã được công nhận là điểm du lịch của tỉnh.

Để tăng sự gắn kết giữa bảo tàng với cộng đồng, ngoài việc phục vụ khách tham quan tại chỗ, các bảo tàng còn tổ chức trưng bày chuyên đề; trưng bày lưu động trong và cả ngoài tỉnh; tổ chức giao lưu văn hóa, nói chuyện truyền thống.

Bên cạnh đó, việc phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo để đón tiếp học sinh ở các trường đến tham quan, học hỏi cũng được các bảo tàng thực hiện khá hiệu quả. Ngoài việc thuyết minh giúp các em học sinh hiểu về từng hiện vật cụ thể, các bảo tàng còn tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm như thi Rung chuông Vàng giới thiệu về di sản Xô viết Nghệ Tĩnh ở Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh, các hoạt động “Vui ngày hội xuân”, “Trầu têm cánh Phượng”,“Hoa từ đất”, “Bác Hồ trong trái tim em”… ở Bảo tàng Nghệ An…

Chị Nguyễn Thị Hồng ở phường Quang Trung (thành phố Vinh), mẹ của cháu Võ Nhật Linh - Học sinh Trường Tiểu học Quang Trung cho biết, gia đình chị sống tại thành phố Vinh đã nhiều năm nhưng trước đây chưa từng đến bảo tàng. Năm vừa qua, con gái chị được nhà trường tổ chức đi học tập trải nghiệm tại Bảo tàng Nghệ An, cháu rất hào hứng và phấn khởi. Từ đó, mỗi khi có thời gian, gia đình chị lại cho con đến đây tham quan để hiểu biết hơn về lịch sử và văn hóa địa phương mình.

Cần có sự đổi mới

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, sự gắn kết giữa bảo tàng với cộng đồng vẫn chưa chặt chẽ. Cả Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh và Bảo tàng Nghệ An vẫn chưa thực sự trở thành điểm đến đối với người dân và du khách, khi lượt khách tham quan tại chỗ của các bảo tàng chưa đạt như kỳ vọng.

Ví như năm 2023 vừa qua, theo báo cáo của các bảo tàng, Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh đón khoảng 11 nghìn lượt khách tham quan tại chỗ, còn Bảo tàng Nghệ An đón 9 nghìn lượt khách tham quan tại chỗ. Tuy nhiên, hầu hết số khách này đều từ các đoàn nghiên cứu và học sinh, sinh viên từ các trường đến học tập ngoại khóa, còn đối tượng khách du lịch là không nhiều.

Các bảo tàng ở Nghệ An cần có sự đổi mới, gắn kết với cộng đồng - Ảnh 3.

Qua trao đổi, đại diện lãnh đạo 2 bảo tàng cho biết: Mặc dù đã vận dụng nhiều cách làm mới để thu hút khách tham quan đến với bảo tàng tăng cường truyền thông trên các trang mạng xã hội, tăng cường các hoạt động trải nghiệm… nhưng vẫn còn việc quan trọng mà các đơn vị chưa làm được đó là chưa kết nối được với ngành du lịch để phát huy những thế mạnh về du lịch văn hóa, lịch sử.

Theo ông Nguyễn Trọng Cường - Giám đốc Bảo tàng Nghệ An: Việc phối hợp với các công ty du lịch không hề dễ dàng bởi phần lớn các đơn vị lữ hành thường muốn đưa khách đến những điểm du lịch có nhiều dịch vụ vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng hơn là các địa điểm tham quan, học hỏi như ở bảo tàng.

Bên cạnh đó, hiện nay bản thân các bảo tàng cũng còn có những hạn chế trong cách thức hoạt động, dẫn đến chưa thu hút được khách tham quan. Tại Hội thảo khoa học “Từ đề cương về văn hóa Việt Nam – định hướng chiến lược phát triển văn hóa tỉnh Nghệ An đến năm 2030” được tổ chức vào cuối tháng 12 vừa qua, khi đánh giá về hoạt động của các bảo tàng trên địa bàn tỉnh, ý kiến của một số chuyên gia cho rằng, dù các bảo tàng đã nỗ lực trong tổ chức hoạt động, đổi mới trưng bày nhưng vẫn còn khá đơn điệu, chưa vượt lên được mô hình cũ.

Các bảo tàng vẫn chưa được đầu tư các thiết bị công nghệ hiện đại để hỗ trợ nội dung trưng bày, làm cho nội dung trưng bày thêm sinh động hấp dẫn như các thiết bị âm thanh, màn hình LED, màn hình cảm ứng... nên gây cảm giác nhàm chán, đơn điệu khi tham quan hệ thống trưng bày cũ mà không có một hoạt động tương tác nào với tài liệu, hiện vật. Những hoạt động trải nghiệm dành cho thiếu nhi vẫn còn khá ít ỏi. Các dịch vụ khác cho du khách như nghỉ ngơi, ăn uống, mua sắm đồ lưu niệm tại bảo tàng… hầu như chưa có.

Các bảo tàng ở Nghệ An cần có sự đổi mới, gắn kết với cộng đồng - Ảnh 4.

Các chuyên gia cũng cho rằng, đã đến lúc cần thay đổi nhận thức bảo tàng không chỉ đơn thuần là nơi lưu giữ các giá trị lịch sử, văn hóa của quá khứ mà cần trở thành nơi kết nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai, gắn với sự phát triển của xã hội. Việc tổ chức hoạt động tại các bảo tàng cần đa dạng, hấp dẫn, phù hợp đời sống đương đại, trở nên gần gũi với cộng đồng, với mục tiêu lấy khách tham quan làm trung tâm, phục vụ cộng đồng làm trọng yếu, cung cấp nhiều loại hình dịch vụ trong bảo tàng, phục vụ đa dạng mọi đối tượng.

Trong đó, hoạt động trưng bày là nơi cần có sự thay đổi mạnh mẽ nhất, bởi không thể giữ mãi nội dung hình thức trưng bày cũ để phục vụ khách tham quan với những trình độ nhận thức khác hơn, nhu cầu tìm hiểu kiến thức và kỹ năng sử dụng công nghệ phát triển hơn. Đặc biệt đối với du khách trẻ, họ mong muốn được tham gia, được thực hành, trải nghiệm cùng các hiện vật.

Vì vậy, các bảo tàng ở Nghệ An cần tích cực ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại như: công nghệ thực tế ảo, thuyết minh tự động, bảo tàng 3D, tương tác không chạm (Leap Motion), 3D Maping...; lồng ghép tương tác, trải nghiệm trong trưng bày giúp công chúng được khám phá, trải nghiệm, tương tác với trưng bày và thu nhận thông tin hiện vật một cách chủ động và hiệu quả.

Bên cạnh đó, cần tạo cơ chế chính sách để tổ chức các dịch vụ, các sinh hoạt văn hóa đi kèm, vừa nhằm tạo thêm một trải nghiệm thú vị cho du khách, vừa là một cách truyền thông, quảng bá cho các bảo tàng, đồng thời cũng giúp các đơn vị này có nguồn thu để hỗ trợ thêm cho các hoạt động chuyên môn./.

Theo Báo Nghệ An

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×